Để Đề án phát triển chăn nuôi lợn thực hiện đúng định hướng

Chỉ sau hơn 1 tháng tổ chức thực hiện, Đề án phát triển chăn nuôi lợn đã thu hút sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện đề án vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Với tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn (PTCNL), sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành xây dựng đề cương, xác định nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi lợn tập trung; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo xây dựng quy hoạch chăn nuôi ở các địa phương, đồng thời tiến hành quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở các xã vùng tái định cư và các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

HTX chăn nuôi lợn tập trung xã Khánh Lộc (Can Lộc) đang xây dựng chuồng trại để nuôi lợn gia công.

HTX chăn nuôi lợn tập trung xã Khánh Lộc (Can Lộc) đang xây dựng chuồng trại để nuôi lợn gia công.

Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh là đơn vị có vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp thực hiện đề án PTCNL. Với các đơn vị trực thuộc có chức năng tham gia PTCNL, Tổng công ty đã chỉ đạo Nhà máy thức ăn gia súc Thiên Lộc tăng sản lượng sản xuất lên 20%; đề ra chính sách hỗ trợ, mua thức ăn trả chậm, hỗ trợ thú y và tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi…

Công ty CP chăn nuôi Mitraco và Công ty CP phát triển nông lâm Hà Tĩnh được giao tổ chức nâng cấp chuồng trại, tăng đàn nái theo chỉ tiêu đề ra trong Đề án thông qua phát triển đàn nái tại chỗ và xây dựng các trại nái ở các địa phương có điều kiện như xã Kỳ Bắc, Kỳ Hưng (Kỳ Anh), Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên), Hương Minh (Vũ Quang) và một số địa phương làm điểm xây dựng nông thôn mới ở Thạch Hà, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ… Hiện, các đơn vị đang khẩn trương tổ chức triển khai các phần việc của mình.

Đối với các huyện, thị, thành phố, Đề án PTCNL được triển khai đã mở ra một cơ hội lớn để đẩy nhanh việc xây dựng đề án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối với các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh. Vì vậy, hầu hết các địa phương đã kịp thời quán triệt nội dung Đề án, triển khai các phần việc cần thiết như: khảo sát, chọn địa điểm, quy hoạch các vùng chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tập trung; thành lập các hợp tác xã chăn nuôi gia công, từng bước giảm dần nuôi theo hình thức nông hộ…

Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ là các tổ chức đoàn thể trực tiếp tham gia thực hiện Đề án PTCNL. Thời gian qua, các cấp hội đã phối hợp với Công ty Hoàng Long, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi lợn; triển khai chương trình xây dựng tổ hợp chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ gắn với làm bể khí bi-o-ga công nghệ Composite tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã tiến hành cung ứng 860 bể khí bi-o-ga công nghệ mới cho các hộ dân tại các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ và Can Lộc.

Mua lợn giống trôi nổi trên thị trường thường có giá thấp hơn các công ty giống nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh

Mua lợn giống trôi nổi trên thị trường thường có giá thấp hơn các công ty giống nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh

Thực hiện chính sách cho vay đối với các hộ nông dân các địa phương làm điểm xây dựng nông thôn mới và vùng tái định cư, Ngân hàng chính sách - xã hội tỉnh đã chủ động nguồn vốn PTCNL với định mức 15 triệu đồng/hộ đối với xã xây dựng nông thôn mới và 30 triệu đồng/hộ đối với các xã tái định cư với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Đến nay đã có trên 300 hộ đã được giải ngân và đã triển khai các mô hình chăn nuôi có hiệu quả.

Với sự hợp lực của nhiều đơn vị chức năng nêu trên, Đề án PTCNL giai đoạn 2011 - 2015 đang được tổ chức thực hiện khá quyết liệt và đồng bộ, tạo được những bước đi vững chắc, bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án cũng gặp không ít những khó khăn.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay được xác định là nguồn giống. Thực tế thời gian qua, nhu cầu chăn nuôi đang lên rất cao, nhưng do thiếu giống, nhiều hộ dân đành gác lại chuyện đầu tư vào chăn nuôi lợn. Chưa kể, nhiều hộ phải nhập giống trôi nổi trên thị trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo Đền án, đến năm 2015 tổng đàn lợn thương phẩm toàn tỉnh thường xuyên có 500 ngàn con; đàn nái 80.000 con. Trong đó, nái ngoại cấp ông bà 2.000 con, nái ngoại cấp bố mẹ 12.000 con. Trong khi đó, hiện tại tổng đàn nái ông bà chỉ có trên 600 con; tổng đàn nái bố mẹ gần 4.000 con.

Để đạt được những chỉ tiêu về phát triển đàn giống, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ chính. Theo lãnh đạo các Công ty này, việc tăng trưởng đàn nái từ nay đến năm 2015 với một biên độ khá lớn, trong khi đó thời gian không còn dài sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề mang tính quyết định như đất đai, nguồn vốn.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo phát triển chăn nuôi của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp mở rộng, lấy ý kiến của các thành viên, các địa phương, đơn vị, đặc biệt vấn đề được đưa ra thảo luận nhiều nhất, đó là đàn nái cấp ông bà sẽ do ai đảm nhận; có nên để đàn nái ông bà phát triển trong các nông hộ hay không?

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết: “Lấy Tổng công ty KS&TM làm trụ cột về phát triển lợn cấp ông bà, còn vệ tinh của tổng công ty là giống lợn cấp bố mẹ. Về quản lý Nhà nước về giống lợn ông bà thì tỉnh phải chịu trách nhiệm. Phải có sự quản lý, điều tra, đánh giá để đảm bảo chất lượng con giống cho nông dân. Hướng đi của chăn nuôi lợn tỉnh nhà trong thời gian tới là phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển ngành chăn nuôi lợn thành hàng hoá lớn có khả năng cạnh tranh cao, bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast