Để nông dân yên tâm phát triển sản xuất

Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng hàng đầu để nông dân xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phần lớn các chủ trang trại chưa nắm được quyền sở hữu bền vững đối với diện tích đất sản xuất- nơi họ đã đầu tư công sức, tiền bạc để xây dựng mô hình. Tháo gỡ vướng mắc này chính là tạo niềm tin và động lực cho nông dân làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập,tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững

>Thiếu vốn – bài toán khó cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chính quyền lúng túng

Năm 2006, ông Võ Đình Vóc - xóm 5, xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) được UBND xã cho thuê 0,5ha đất thời hạn 5 năm (theo hình thức đấu thầu) tại vùng đồng Ba Mọ làm trang trại chăn nuôi tập trung. 5 năm qua ông Vóc đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để biến vùng đất “tử địa” hoang hóa, đồng chua nước lợ thành trang trại chăn nuôi tổng hợp trù phú. Mặc dù khó khăn về vốn, nhưng ông Võ Đình Vóc đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc, gà và đào ao thả cả. Đất không phụ công người, gia đình ông Vóc đã trở nên khá giả khi có thu nhập từ trang trại bình quân 200 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác kiểm tra vùng quy hoạch sản xuất rau sạch 15ha của xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên)

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác kiểm tra vùng quy hoạch sản xuất rau sạch 15ha của xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên)

Điều lo lắng nhất đối với ông hiện nay đó là thời hạn thuê đất đã hết nhưng có được thuê tiếp hay không thì chưa biết. Nguyện vọng của ông là được giao đất trong thời gian dài hơn và có sổ đỏ để ân tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi. Ông Bùi Xuân Định – Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn của ông Vóc nhưng việc giao đất cho ông Vóc tại địa điểm cũ là rất khó vì xã đang làm quy hoạch NTM vùng chăn nuôi tập trung ở nơi khác”. Như vậy, ông Vóc đang phải đối mặt với nguy cơ phải phá bỏ cơ ngơi mà mình đã bỏ bao mồ hôi và tiền bạc để đến nơi mới nếu muốn nhận sổ đỏ?!

Đồng cảnh ngộ với ông Vóc, anh Nguyễn Tất Thắng ở xóm 4, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) cũng đang loay hoay với nỗi khổ mang tên “sổ đỏ”. Năm 2006 anh Thắng mạnh dạn thuê 2,2 ha diện tích đất đầm lầy, hoang hóa ở đồng Cồn Dắt để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Sau một thời gian be bờ, đắp đập, phát triển trang trại, vợ chồng anh Thắng nhận được hợp đồng chăn nuôi vệ tinh cho Công ty Mitraco, theo đó anh được Công ty cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, nhờ đó chẳng mấy chốc anh chị đã xây dựng được trang trại “có số má” trong vùng bởi quy mô và hiệu quả.

“Từ 800 con lợn nuôi mỗi lứa, bình quân một năm chúng tôi xuất chuồng 3 lứa với gần 200 tấn lợn thịt. Trong 2,2 diện tích đất hiện có, ngoài 1.700m2 giành để xây dựng trang trại chăn nuôi, số còn lại chúng tôi đầu tư nuôi trồng thủy sản, bình quân mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 20 tấn các các loại. Mỗi năm trang trại mang về cho chúng tôi từ 650 đến 700 triệu đồng” - Anh Thắng cho biết

Điều khiến hộ sản xuất đang còn trăn trở là thời hạn thuê đất của anh đã hết, anh muốn thuê dài hạn và được cấp bìa đỏ để yên tâm phát triển sản xuất. Từ đầu năm 2011 đến nay, anh đã nhiều lần đề nghị với chính quyền giải quyết hồ sơ, cấp bìa đỏ cho diện tích đất hiện có để yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, tuy nhiên nguyện vọng đó đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hiếu – cán bộ địa chính xã Thạch Thắng cho biết, xã đã nhận được đơn yêu cầu được thuê đất dài hạn và cấp bìa đỏ cho diện tích đó, nhưng vì cấp bìa đỏ phải xây dựng hồ sơ và phải thông qua quá trình phê duyệt của lãnh đạo nên đến thời điểm này xã đang xem xét để giải quyết. Cũng theo cán bộ địa chính xã, số diện tích anh Thắng đã làm trang trại không nằm trong quy hoạch xây dựng NTM nên rất khó giao.

Cần giải quyết thấu đáo

Liên quan đến việc cấp bìa đỏ đất sản xuất cho nông dân, ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, nguyện vọng của bà con nông dân hết sức chính đáng và phù hợp với quy luật phát triển sản xuất. Nếu hạn mức sử dụng đất nông nghiệp giao cho nông dân thấp và trong thời gian ngắn sẽ khiến các hộ nông nghiệp canh tác bằng lao động thủ công của gia đình, không có nhu cầu mua máy móc và hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trang trại chăn nuôi tập trung của HTX Đồng Tiến ở xóm 4, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) làm ăn hiệu quả nhưng chưa có quyết định giao đất lâu dài

Trang trại chăn nuôi tập trung của HTX Đồng Tiến ở xóm 4, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) làm ăn hiệu quả nhưng chưa có quyết định giao đất lâu dài

Ông Nguyễn Đình Hải cũng cho rằng, nếu không điều tra, xem xét kỹ lưỡng thì việc cấp bìa đỏ đất nông nghiệp sẽ nãy sinh ra nhiều bất cập, theo phong trào hộ nào cũng xin cấp đất, giao đất để sản xuất, dù trên thực tế nhiều hộ không có năng lực và nhu cầu phát triển thực sự.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc cấp giấy CNQSDĐ, đặc biệt đất nông nghiệp, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, xác định lại chính xác số lượng trang trại đáp ứng tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để người làm kinh tế trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, tiến độ cấp giấy CNQSDĐ vẫn rất chậm. Đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 20% số hộ được cấp giấy CNQSĐ đất sau chuyển đổi.

Ông Võ Tá Đinh – Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Hiện nay, sở đang chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp triển khai đo đạc, cấp hồ sơ dữ liệu để cấp giấy CNQSĐ đất tại 4 huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà. Trong quá trình triển khai có những vướng mắc, tồn tại như trong quá trình chuyển đổi ruộng đất những hộ trước đây đã được giao đất theo QĐ 64 hiện nay không phù hợp.

“Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương đẩy nhanh tiến độ đo vẽ; xác định nguồn gốc đất để tiến hành cấp đất, đồng thời phải giải quyết theo hướng có lợi cho dân trong những tranh chấp giữa nhân dân và tổ chức” – ông Đinh cho biết thêm.

Trong xu hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững mà chúng ta đang lựa chọn, cần tạo điều kiện cho những nông dân giỏi có cơ hội tích tụ ruộng đất một cách phù hợp với khả năng để huy động nguồn lực, tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác. Khi đã hội đủ các điều kiện về đất, vốn, kỹ thuật sản xuất, người dân sẽ mạnh dạn xây dựng, phát triển các loại hình sản xuất mới, phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast