Để việc cắt giảm đầu tư công triển khai có hiệu quả cao

Cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp. Do đó, phải thực hiện một cách khách quan và triệt để trên cơ sở lợi ích chung, tránh làm theo kiểu “phong trào”.

Những "cái khó" khi cắt giảm đầu tư công

Thực tế cho thấy việc cắt giảm đầu tư công không dễ dàng vì một số lý do.

Thứ nhất, về cơ chế quản lý NSNN đã phân cấp mạnh cho các địa phương và việc cắt giảm lại do chính các địa phương thực hiện theo hướng dẫn chung của cơ quan chức năng. Vì thế việc cắt giảm, đình hoãn, công trình nào phụ thuộc phần lớn vào sự thẩm định của các địa phương.

Thứ hai, các tiêu chí hướng dẫn cắt giảm đầu tư công cũng chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là tiêu chí về hiệu quả của dự án đầu tư.

Cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp
Cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp

Thứ ba, nhu cầu thực tế về đầu tư phát triển ở nhiều địa phương và đơn vị là có thực do xuất phát từ trình độ phát triển thấp và nhu cầu bức xúc trong đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn vốn NSNN cho đầu tư phát triển còn hạn chế… Trong tình hình ấy, việc đánh giá hiệu quả dự án lại giao cho chính chủ đầu tư (là các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước), thực hiện. Cách làm này có thể chưa có nhiều tính khách quan, cả do các quan hệ lợi ích cục bộ, nhóm và nhiệm kỳ, cả do tính tự ái của cơ quan có thẩm quyền không muốn bác bỏ các quyết định đầu tư đã ký của mình như một bằng chứng về chất lượng ra quyết định đầu tư nói riêng, về năng lực và trách nhiệm lý nhà nước nói chung của mình.

Một số kiến nghị

Trước hết,cần cụ thể hóa tiêu chí và các dự án cần cắt giảm trong chính sách tài khóa và có bước cải cách mạnh mẽ trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư. Cần xác định rõ hơn tiêu chí về thứ tự ưu tiên, bởi nếu diện ưu tiên quá rộng, khó tránh khỏi đầu tư dàn trải trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp. Trên cơ sở đó, kiên quyết ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án kém hiệu quả, chứ không chỉ là những dự án nhỏ và vốn đầu tư ít.

Mặt khác, kết hợp nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng công trình; ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực... Trường hợp dự án dở dang chưa thể làm tiếp, cần chọn điểm dừng thi công thích hợp, tiện cho việc nghiệm thu, thanh toán, hạn chế chi phí phát sinh và khó khăn đối với dân cư trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông.

Việc đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công cần có những tiêu chí rất cụ thể, được phân biệt về các mặt kinh tế-xã hội và môi trường.

Việc thẩm định đầu tư dự án sử dụng ngân sách cần thực hiện độc lập, chuyên nghiệp và khách quan, với chất lượng và trách nhiệm cao; giảm thiểu tình trạng thẩm định dự án mang tính hành chính dễ dãi, xuê xoa, đôi bên cùng có lợi, cũng như tình trạng phê duyệt nhiều dự án hơn mức cần thiết; đặc biệt là tình trạng người ra quyết định đầu tư không có đủ thông tin về dự án hoặc không sử dụng đủ thông tin.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện và thông qua Luật Đầu tư công. Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư công cần tập trung cải cách một số khâu trọng điểm để duy trì hiệu quả của dự án. Theo đó, cần sớm xây dựng và thông qua Luật Đầu tư công làm căn cứ điều hành và chuyển dịch, nâng cao hiệu quả đầu tư công cả trên phạm vi cả nước.

Trong Luật Đầu tư công cần xác định rõ ràng, chặt chẽ đối tượng và nội dung quản lý trong khâu quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án, quản lý sử dụng vốn, quản lý khai thác dự án; phân định trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình quản lý đầu tư công; cụ thể hóa và nâng cao mức chế tài để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí, thất thoát và xử lý những vi phạm trong quản lý đầu tư.

Ông Martin Rama, quyền Trưởng ban Kinh tế trưởng khu vực Đông Á của WB, đánh giá, quá trình phân quyền cho địa phương tại Việt Nam diễn ra nhanh, gây ra tình trạng có nơi còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao (đơn cử như tỉnh nào có biển cũng muốn phát triển cảng biển chẳng hạn). Nhiều lãnh đạo ở tỉnh không dám ra quyết định những việc trước đây thuộc thẩm quyền Trung ương. Chính phủ cần tăng cường giám sát quá trình phân cấp, và chỉ phân cấp phù hợp với từng lĩnh vực, hoặc từng địa phương cụ thể.

Đặc biệt, có thể tham khảo kinh nghiệm mới đây của LB Nga về kiên quyết buộc các quan chức nhà nước không được kiêm nhiệm chức vụ trong các tập đoàn, công ty nhà nước. Điều này sẽ giúp ngăn chặn và giảm bớt các hiện tượng lạm quyền, tham nhũng và liên kết trục lợi, làm giảm hiệu quả và gây mất kiểm soát đối với đầu tư công.

Thứ ba, tạo đột phá trong việc tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nâng cao hiệu quả và chất lượng, củng cố kỷ luật tài khóa. Vai trò của đầu tư công trong nền kinh tế cần được thay đổi theo hướng giảm bớt chức năng “đầu tư để kinh doanh”, tăng cường chức năng “phúc lợi” của đầu tư công; tăng cường đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện); đầu tư hoặc hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm, mũi nhọn có tác động lan tỏa về mặt công nghệ; đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản xuất; đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước.

Thứ tư, cần tạo cơ hội bình đẳng cho các nguồn đầu tư khác của xã hội, giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào đầu tư công. Theo đó, cần chủ động xây dựng và công bố danh mục dự án cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển theo các hình thức BOT, BT, PPP; khuyến khíchcác doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu thực hiện các dự án có vốn NSNN, kể cả từ nguồn ODA; tiếp tục rà soát và mở rộng cổ phần hóa các DNNN trên địa bàn theo hướng giảm tỷ trọng nhà nước nắm cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh vì lợi nhuận và tăng cường xã hội hóa đầu tư các dịch vụ công- đô thị.

Có thể khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là DNNN tổ chức và tăng cường liên kết dưới hình thức tập đoàn đa sở hữu, chuyên môn hóa sâu và đa dạng hóa kinh doanh trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, ưu tiên, có triển vọng thị trường, có hàm lượng chế biến và công nghệ cao, hoạt động trên phạm vi khu vực, cả nước, từng bước thâm nhập ra thị trường nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp. Do đó, phải thực hiện một cách khách quan và triệt để trên cơ sở lợi ích chung, không để các biểu hiện chạy vạy, xin-cho, tư tưởng cục bộ chi phối và tránh làm theo kiểu ''phong trào''. Chấp hành thật nghiêm túc và hiệu quả chủ trương này còn có ý nghĩa góp phần thúc đẩy đổi mới quản lý đầu tư công, tạo thêm tiền đề thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng bền vững trong những năm tới.

WB mới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức 6,3% và chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,5%. Tổ chức này cũng cho rằng, với việc điều chỉnh ngân sách 2011 và Nghị quyết 11 vừa ban hành, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố các tài khoản tài chính và dần dần giảm bớt thâm hụt ngân sách về mức trước khủng hoảng, lạm phát cơ bản sẽ giảm dần.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast