Dịch "tai xanh" - Kẻ thù nguy hiểm của ngành chăn nuôi

Hơn 2 năm kể từ khi bão "tai xanh" càn quét ngành chăn nuôi Hà Tĩnh nhưng mỗi khi nhớ lại, vẫn còn không ít người chưa hết rùng mình. Khởi phát vào ngày 15 - 3 - 2008 tại Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và Thạch Hội (Thạch Hà), dịch nhanh chóng lan sang 77 xã, phường, thị trấn ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh, làm 31.028 con lợn bị tiêu hủy với tổng thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Dịch "tai xanh" chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của ngành chăn nuôi.

Từ căn bệnh bí hiểm ở lợn...

Xuất hiện ở Mỹ vào khoảng năm 1987 nhưng do chưa xác định được căn nguyên nên bệnh "tai xanh" (như cách gọi ngày nay) từng được xem là bệnh bí hiểm ở lợn.

Huyện Can Lộc tiêu hủy lợn vận chuyển trái phép từ vùng dịch Nghệ An vào địa bàn
Huyện Can Lộc tiêu hủy lợn vận chuyển trái phép từ vùng dịch Nghệ An vào địa bàn

Lúc đầu, khá đông người cho rằng bệnh do một số virus gây nên như: Parvovirus, vi rút giả dại (Pseudorabies), vi rút cúm lợn, Porcine enterovirus, đặc biệt virus gây viêm não - cơ tim (Encephalomyocarditis), nhưng sau đó, người ta xác định được một loại vi rút mới gọi là Lelystad. Vi rút rất thích hợp với đại thực bào, đặc biệt là đại thực bào hoạt động ở vùng phổi.

Bình thường, đại thực bào sẽ tiêu diệt tất cả vi khuẩn, vi rút mỗi khi xâm nhập vào cơ thể nhưng đối với vi rút PRRS, chúng có thể nhân lên trong đại thực bào, sau đó phá huỷ và giết chết đại thực bào. Đại thực bào bị giết sẽ làm giảm chức năng của hệ thống bảo vệ cơ thể và làm tăng nguy cơ bị nhiễm các bệnh kế phát. Điều này có thể thấy rõ ở những đàn vỗ béo hoặc chuẩn bị giết thịt có sự tăng đột biến về tỷ lệ viêm phổi.

Về đường lây truyền, vi rút có trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch (trong giai đoạn nhiễm trùng máu), phân, nước tiểu và phát tán ra môi trường thông qua việc vận chuyển lợn mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3 km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang.

Nhân viên Trạm kiểm dịch Gia Lách phun tiêu độc các phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn
Nhân viên Trạm kiểm dịch Gia Lách phun tiêu độc các phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn

Triệu chứng bệnh thể hiện không phải lúc nào cũng như nhau. Đối với lợn nái giai đoạn cạn sữa thì trong tháng đầu tiên bị nhiễm vi rút, lợn biếng ăn từ 7-14 ngày, sốt 39-400C, tai chuyển màu xanh, đẻ non, động đực giả (3-5 tuần sau khi thụ tinh), đình dục hoặc chậm động dục trở lại sau khi đẻ, ho và có dấu hiệu của viêm phổi, sảy thai (thường vào giai đoạn cuối).

Đối với lợn nái giai đoạn đẻ và nuôi con, biểu hiện của chúng là biếng ăn, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm khoảng 2-3 ngày, da biến màu, lờ đờ hoặc hôn mê, thai gỗ (thai chết trong 3-4 tuần cuối của thai kỳ), lợn con chết ngay sau khi sinh, lợn con yếu, tai chuyển màu xanh; rối loạn sinh sản có thể kéo dài 4-8 tháng trước khi trở lại bình thường.

Đối với lợn đực giống, lúc đầu cũng bỏ ăn, sau đó sốt, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn hoặc mất tính dục, lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém và cho lợn con sinh ra nhỏ.

Đối với lợn con theo mẹ thì thể trạng gầy yếu, nhanh chóng rơi vào trạng thái tụt đường huyết do không bú được, mắt có dử màu nâu, trên da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, giảm số lợn con sống sót, tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, chân choãi ra, đi run rẩy.

Với lợn con cai sữa và lợn choai thì biểu hiện chán ăn, ho nhẹ, lông xác xơ.

Đến cơn bão "tai xanh" làm khiếp đảm người chăn nuôi

Đã hơn 2 năm kể từ khi bão "tai xanh" càn quét ngành chăn nuôi tỉnh ta, nhưng giờ đây, mỗi khi nhớ lại, vẫn còn không ít người chưa hết rùng mình.

Khởi phát vào ngày 15 - 3 - 2008 tại Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và Thạch Hội (Thạch Hà), dịch "tai xanh" nhanh chóng lan sang 77 xã, phường, thị trấn của 5 địa phương gồm: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh, làm 31.028 con lợn (có tổng trọng lượng 1.351 tấn) bị tiêu hủy, trong đó, số lợn nái bị tiêu hủy là 5.530 con (chiếm 17% tổng đàn nái của tỉnh), tổng thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Cẩm Xuyên là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 22.618 con (chiếm 29% tổng đàn), trong đó, số lợn nái mắc bệnh và bị tiêu hủy là 3.224 con (chiếm 30% tổng đàn nái của huyện).

Dẫn đến hậu họa này, ngoài việc phát hiện và báo cáo dịch quá chậm, xử lý dịch không kiên quyết, triệt để, còn do công tác quản lý hành nghề thú y chưa chặt chẽ (thú y tư nhân tiến hành bán thuốc và điều trị lợn mắc một số bệnh do virút gây ra không có thuốc đặc trị làm cho dịch lan rộng).

Tuy nhiên, gốc gác của vấn đề chủ yếu vẫn ở công tác tiêm phòng gia súc hàng năm đạt thấp, đặc biệt là không tiến hành tiêm bổ sung trước khi nhập đàn; công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc ở cấp cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, nhất là chưa tiến hành nuôi cách ly, theo dõi gia súc trước khi nhập đàn.

Theo lãnh đạo Ngành thú y, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh "tai xanh" ở lợn, song, vẫn có thể sử dụng một số thuốc tăng cường sức đề kháng, điều trị triệu chứng nhưng chủ yếu là để ngăn ngừa việc nhiễm bệnh kế phát.

Thực tế này đang đòi hỏi, việc chủ động phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học (chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông), tăng cường chế độ dinh dưỡng, tạm dừng việc mua lợn giống từ vùng dịch và hạn chế việc mua lợn giống ngay với những cơ sở đảm bảo, sử dụng bảo hộ lao động, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi... Và, giải pháp quyết định nhất vẫn là đảm bảo việc tiêm vắc xin phòng bệnh theo định kỳ và tiêm phòng bổ sung khi nhập đàn.

Mấy tuần nay, trước diễn biến phức tạp của dịch "tai xanh" tại 13 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, trong đó có Nghệ An là tỉnh giáp giới với tỉnh ta, công tác phòng dịch đang được chính quyền, ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai ráo riết.

Các chốt kiểm dịch tại các vị trí trọng yếu trên QL1A (Gia Lách và Kỳ Nam), tuyến đường Hồ Chí Minh (Sơn Tiến - Hương Sơn), tuyến đường liên tỉnh Thọ Tường - Yên Xuân (Liên Minh - Đức Thọ) đã được thiết lập và duy trì lực lượng trực gác 24/24 giờ.

Nhiều địa phương đã thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác triển khai phòng dịch ở các vùng có nguy cơ cao, đồng thời hướng dẫn chính quyền các xã, phường, thị trấn ký cam kết với các chủ hộ buôn bán ngừng việc nhập khẩu gia súc vào địa bàn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra của đoàn liên ngành tỉnh cho thấy, việc triển khai phòng dịch ở cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc từ vùng dịch Nghệ An vẫn liên tục xẩy ra.

Mới đây nhất là trường hợp xe ô tô tải nhẹ biển kiểm soát 37H - 5528 vận chuyển 45 con lợn từ vùng đang bị dịch "tai xanh" uy hiếp là huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào Kỳ Anh nhưng bị đoàn liên ngành tỉnh bắt giữ tại Can Lộc; ngoài bị buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn nói trên, chủ hàng còn bị phạt hành chính 4 triệu đồng.

Chừng nào tình trạng này chưa được chặn đứng thì những nỗ lực phòng dịch của chính quyền, ngành chuyên môn các cấp và chủ hộ chăn nuôi trong thời gian qua cũng chỉ như "dã tràng xe cát"...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast