Đồng hành cùng người dân thoát nghèo

Trong những năm qua, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo cùng với những chủ trương, chính sách phù hợp, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Nghi Xuân đã chung tay, góp sức giúp đỡ hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân- Nguyễn Hiền Lương đưa ra những con số: Năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Nghi Xuân chiếm 44, 8%, nhưng đến nay tỷ lệ đó chỉ ở mức 13,5 % theo tiêu chí mới, trung bình mỗi năm huyện Nghi Xuân giúp 650 hộ thoát nghèo, tương đương 4,1%/năm.

Trước đây, tình trạng đói nghèo ở Nghi Xuân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại đó là thiếu đất sản xuât, vốn kinh doanh, không được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật hay như do sinh đẻ không có kế hoạch… Xuất phát từ đặc điểm, tình hình đó các cấp chính quyền ở Nghi Xuân có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi và đồng hành với người dân giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Mô hình cá-lúa-vịt kết hợp của hộ gia đình Lê Văn Bàng mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Mô hình cá-lúa-vịt kết hợp của hộ gia đình Lê Văn Bàng mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Chúng tôi có mặt tại trang trại của vợ chồng anh, chị Lê Văn Bàng và Nguyễn thị Thuỷ, ở Xóm Linh Trung xã Xuân Liên. Cách đây 5 năm về trước đây là cánh đồng hoang, cỏ dại mọc ngun ngút, đất đai nhiễm mặn. Với quyết tâm vượt khó, anh chị đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương thuê lại mãnh đất trên để khai hoá, phục hoá phát triển kinh tế trang trại. Được chính quyền địa phương và các đoàn thể đứng ra tín chấp cho vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, anh chị từng bước mở rộng sản xuất theo mô hình cá, lúa, vịt kết hợp. Đến nay, sau những tháng ngày cơ cực, gia đình anh chị được tận hưởng niềm vui mà bất cứ người nông dân nào cũng ước muốn. Trong trang trại rộng 8 ha ấy, mỗi năm 5 ha diện tích nuôi cá mang về cho gia đình anh chị 20 tấn/ năm, cùng với đàn vịt 6.000 con, sau khi trừ chi phí mối năm gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi về quá trình vươn lên của mình, anh Bàng chia sẻ: “ Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, thời gian qua gia đình chúng tôi nhân được rất nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và các cấp đoàn thể, không những hỗ trợ chúng tôi về vốn, kỹ thuật sản xuất, mà còn kịp thời chia sẽ, động viên gia đình những lúc sản xuất gặp khó khăn, chính nguồn động viên to lớn đó thôi thúc gia đình tôi phải cố gắng vượt qua mọi gian khó”

Khác với Anh Lê Văn Bàng, Chị Đỗ Thị Nhinh- xóm Yên Ngọc xã Xuân Yên lại có hoàn cảnh khá đặc biệt, Chị vốn là công nhân lương thực ở Quảng Ninh, sau khi lập gia đình, chị Nhinh theo chồng về làm dâu ở xã Xuân Yên. Hành trang chị Nhinh mang về nhà chồng chẳng có gì ngoài sự lạ lẫm. Không có đất đai để sản xuất, trong tay cũng không có đồng vốn nào, và cuộc sống của gia đình chị cứ thế trôi qua bằng bó rau, củ khoai sau những ngày cày thuê, cuốc mướn. Năm 2007 UBND xã Xuân Yên tổ mở lớp dạy nghề mây tre đan cho lao động dôi dư trên địa bàn. Sau khi tham gia lớp học, bằng ý chí và nghị lực vượt khó, chị nhanh chóng lĩnh hội được kỹ thuật đan, lát. Được hội nông dân xã Xuân Yên đứng ra tín chấp cho chị vay 5 triệu đồng từ Ngân Hàng chính sách huyện để mua sắm nguyên liệu, máy móc và chính hội nông dân xã cũng đứng ra tìm kiếm đối tác, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động, nên sản phẩm làm đến đâu được tiêu thu đến đó. Có việc làm, thu nhập ổn định nên cuộc sông của gia đình chị từng bước được cải thiện, con cái được chăm lo, học hành. Nghèo khó giờ đây chỉ tồn tại trong ký ức của chị, ước mơ về cuộc sống mới đang được ấp ủ trong ngôi nhà ấm cúng. Không những chị Nhinh mà niềm vui còn đến với nhiều người nghèo khác nhờ sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng,

Phong trào giúp người dân vươn lên thoát nghèo được chính quyền các cấp và các ngành đoàn thể ở Nghi Xuân chú trọng, trong sự quan tâm đó, hội nông dân huyện Nghi Xuân đã thể hiện tốt vai trò tiên phong của mình. Phó chủ tịch hội nông dân huyện Nghi Xuân - Trần Văn Tính cho biết, bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, từng gia đình, trong 5 năm từ 2004 đến 2009 các cấp hội đã vận động được 932 triệu đồng và 13 tấn lúa giống, 7 tấn lạc giống, hơn 3.500 cây giống và 8.940 ngày công, giúp đỡ 15. 436 lượt hội viên phát triển sản xuất, đồng thời tín các cấp hội đ đứng ra tín chấp cho 18.832 luợt hội viên vay vốn với số tiền 121. 147 triệu đồng. Thực hiện chủ trương của huyện uỷ về việc phân công tổ chức, cán bộ giúp dân thoát nghèo, huyện hội đã vận động 192 chi hội đỡ đầu cho 957 hộ nghèo, kết quả trong 5 năm đã giúp 588 hộ thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê của UBND huyện Nghi Xuân, trong 10 năm qua toàn huyện đã vận động, đóng góp xây dựng “ Quỹ vì người nghèo” được 5.283 triệu đồng, trợ giúp cho 853 người nghèo làm nhà đại đoàn kết, với số tiền 3.171 triệu đồng, ngoài ra chính quyền các cấp còn hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 851 hộ nghèo với số vốn gần 1 tỷ đồng, xây dựng và làm mới 102 km đường giao thông bê tông, nhựa; 75 km kênh mương cứng và nhiều công trình phúc lợi khác. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo được các cấp chính quyền và mọi từng lớp nhân dân chú trọng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, người dân đã biết làm giàu ngay trên mảnh đất, thửa ruộng của mình, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast