Dự án Cầu Bến Thủy 2: Chạy đua với thời gian

Cầu Bến Thủy 2 với tổng số vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 14-3-2010 và dự kiến tháng 10-2012 đưa vào sử dụng.

Khó khăn chồng chất

Cầu Bến Thủy 2 có chiều dài khoảng 3 km (kể cả đường 2 đầu cầu) từ km 24+120 thuộc xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), đến km 18+500 QL 8B thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cách cầu Bến Thủy 800m về phía thượng lưu.

Cầu Bến Thuỷ được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1990. Do quá trình khai thác cũng như tác động của thiên nhiên, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể đáp ứng được năng lực vận tải hiện tại và tương lai. Dự án cầu Bến Thủy 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giảm bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua cầu Bến Thủy, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ quốc gia.

Công tác GPMB luôn là trở ngại lớn nhất đối với các chủ đầu tư. Và, đó cũng là nỗi lo của hầu hết các nhà thầu. Không có mặt bằng sạch dù thi công theo hình thức cuốn chiếu trong điều kiện thời tiết diễn ra thuận lợi cũng khó có thể hoàn thành tiến độ theo dự kiến. So với Hà Tĩnh, GPMB ở tỉnh Nghệ An diễn ra tương đối trôi chảy, nhưng phải đến ngày 28/8, mặt bằng phía Bắc cầu mới được bàn giao. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với công tác GPMB lại nằm ở phía Nam cầu vì liên quan đến 400 hộ dân, trong đó có 133 hộ thị trấn Xuân An thuộc diện phải di dời, tái định cư.

Rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến tiến độ GPMB chậm, thiếu vốn là một trong số đó. Công trình được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng đến nay chi phí cho công tác GPMB vẫn còn thiếu 45 tỷ đồng.

Vì vậy, ngày 1/6 mới là ngày khởi công chính thức (chậm so với kế hoạch đặt ra 3 tháng). 4 tháng sau, 2 cơn “đại hồng thủy” đổ bộ vào khu vực miền Trung khiến nhiều nhà thầu điêu đứng. Những dàn cầu bằng thép phục vụ cho khoan cọc nhồi của các đơn vị thi công phần trụ chính bị nước lũ cuốn trôi. Số ít còn lại cũng bị xoắn vỏ đỗ”, ông Trần Quang Dần - Trưởng ban Quản lý Dự án cầu Bến Thủy 2 nhớ lại.

Công nhân Công ty 479 thi công trụ 17 cầu Bến Thủy 2
Công nhân Công ty 479 thi công trụ 17 cầu Bến Thủy 2

Có 7 nhà thầu với 11 đơn vị tham gia thi công cầu Bến Thủy 2, đây đều là những thương hiệu có uy tín thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4, Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 5, trong đó đáng chú ý như Công ty CP đường 471, 482, 419... Các công ty này đều thuộc Bộ GTVT, đóng tại thành phố Vinh, Hà Nội. Một nhà thầu Hà Tĩnh may mắn trúng thầu là Công ty CP TM& XD Hoàng Long. Hoàng Long liên doanh với Công ty CP Xây dựng 482 đảm nhận gói thầu 3.7 làm đường dẫn đầu cầu phía Nam với tổng trị giá xấp xỉ 60 tỷ đồng, trong đó Hoàng Long đảm nhận 40% khối lượng công việc, tương đương khoảng 23,5 tỷ đồng.

“Nhận được công trình anh em có việc làm, mừng lắm!. Nhưng niềm vui này chỉ thoáng qua rồi tai họa ập đến. Sau khi thi công được khoảng 20 ngày (26/4 là ngày khởi công) thì công việc phải dừng lại vì không giải phóng được mặt bằng. Chưa kịp đem máy móc thiết bị về đã bị trộm “khoắng” mất hộp đen máy xúc, thiệt hại của chúng tôi lên đến 100 triệu đồng”. Bà Phạm Thị Thảo Huyền - Giám đốc Công ty Hoàng Long cay đắng nói.

Sau những tháng ngày thấp thỏm đợi chờ, niềm vui lại đến với liên doanh này khi ngày 30/11, Hội đồng bồi thường hỗ trợ - TĐC huyện Nghi Xuân đã tiến hành bàn giao khoảng 45.000m2 cho gói thầu 3.7.

Như vậy “chỉ còn khoảng 500m chiều dài đường tuyến còn vướng, nhưng không lâu nữa, huyện Nghi Xuân sẽ hoàn thành phần còn lại”, bà Huyền tự tin khẳng định.

… và quyết tâm

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của cầu Bến Thủy 2, các nhà thầu đã vào cuộc với khí thế khẩn trương. Gói thầu 3.2, 3.3 do Công ty CP 482 và Công ty CP Đạt Phượng là những đơn vị đi tiên phong “Họ đã huy động nguồn nhân lực lớn nhất, tăng ca kíp để chạy đua với thời gian”, ông Dần cho biết. Không thể nói, đẩy nhanh tiến độ thi công, chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng, mà điều đó còn phụ thuộc vào tính chất của công việc. Chẳng hạn như khoan cọc nhồi đến đâu phải đổ bê tông đến đấy, nếu không cát sẽ bồi lắng.

Trở ngại lớn nhất đối với thi công cầu Bến Thủy 2 là nguồn nước bị nhiễm mặn, vì vậy, các đơn vị đảm nhiệm phần trụ phải vận chuyển nước sinh hoạt từ thành phố Vinh đến. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đáy sông Lam có tầng địa chất phức tạp, đá rất rắn. Cường độ đá lên đến 1.200 DAN/cm2, gấp 2 lần so với mức trung bình. Có khoảng hơn 300 cọc khoan nhồi sâu 65m so với mực nước biển. Cá biệt có ngày đơn vị thi công chỉ khoan được 1m.

Lẫn trong tiếng ầm ầm của búa máy, giọng chỉ huy trưởng gói thầu 3.5 (Công ty CP 479) thi công trụ 17 Lê Tuấn Anh trở nên khó nghe. Anh nói: “Bình thường chúng tôi khoan cùng lúc 4 cọc. Nay để khoan 36 cọc, phải tăng cường thêm thiết bị. Tiến độ là điều kiện bắt buộc. Uy tín thương hiệu của 479 được nhiều người biết đến không chỉ là chất lượng, mà chúng tôi luôn về đích trước thời gian. Tháng 3-2011, công việc của chúng tôi sẽ hoàn tất”.

Không khí làm việc của “hàng xóm” thi công cột trụ 16 là Công ty CP 473 cũng không kém phần khẩn trương để bù lại quãng thời gian mà thiên nhiên đã “cướp” đi qua 2 đợt mưa lũ. Đội trưởng đội thi công Phan Đức Thế khẳng định: “Những khó khăn đối với việc khoan cọc nhồi là rất rõ. Nhưng, quyết tâm tháng 4/2011, chúng tôi sẽ hoàn thành vì đó là danh dự”.

Hiện tại 11 đơn vị thi công đang tập trung mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Để rồi một ngày không xa, sự hiện diện của cây cầu hiện đại trên dòng Lam sẽ góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế vùng miền cũng như cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast