Hạ lãi suất, đầu tư tín dụng có rộng đường?

Các NHTM lớn lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay đang mang đến hi vọng về sự khởi đầu của lộ trình hạ lãi suất. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh không dễ lựa chọn hướng đầu tư hiệu quả. Ngân hàng cũng phải thận trọng trong hoạt động cho vay để tránh rủi ro. Bởi vậy, hoạt động đầu tư tín dụng vẫn còn đứng trước không ít khó khăn..

Tín hiệu hạ lãi suất

Tiên phong trên lộ trình giảm lãi suất, từ tháng 10-2011 đến nay, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) đã nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo bà Đặng Thị Tuyết Mai- Trưởng phòng khách hàng DN BIDV Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, lãi suất cho vay doanh nghiệp là 17%/-18%/năm, xuất khẩu 15,7%, nông nghiệp 16%/năm và thấp nhất là cho vay khắc phục hậu quả lũ lụt là 15%.

Các NHTM lớn lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay

Các NHTM lớn lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay

Trung tuần tháng 2-2012, hai “ông lớn” nữa là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và TMCP Công thương (Vietinbank) cũng bắt đầu vào cuộc. Vietcombank đang cho vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cao nhất là 16-17%/năm; mức thấp nhất chỉ còn 14,5% dành cho đối tượng khách hàng xuất khẩu thanh toán qua Vietcombank; khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động cho DN nhỏ và vừa được áp dụng mức thấp nhất là 15%/năm.

Vietinbank cũng mạnh dạn đưa lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất là 15,5% để cho vay các chương trình tín dụng quốc tế, 16,5% cho vay sản xuất kinh doanh, 15,8% cho vay doanh nghiệp xuất khẩu và 16% cho vay nông nghiệp nông thôn.

Mới đây nhất, ngày 22-2, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) tuyên bố việc giảm lãi suất cho vay với mức giảm khá mạnh từ 1 -1,5% cho mọi đối tượng vay vốn.

Trong các lãi suất cho vay của Agribank, lãi suất thấp nhất đã gần ngang lãi suất huy động, còn cao nhất cũng chưa đến 20%. Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, các hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp lãi suất thấp nhất là 15,5%. Cho vay thu mua chế biến để xuất khẩu nông sản là 14,5%, thu mua và chế biến tiêu dùng trong nước là 16,5%. Cho vay kinh doanh các ngành nghề khác thấp nhất là 17%.

Đối với cho vay trung và dài hạn, đối với các hộ nông dân thấp nhất là 17%; cho vay thu mua chế biến xuất khẩu ở mức 17,5%, cho vay cung ứng, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp là 18%, đối với các ngành nghề khác là 18,5%. Đối với cho vay dài hạn thấp nhất là 19%.

Theo bà Nguyễn Thị Diên- Giám đốc Agribank Hà Tĩnh, năm nay ngân hàng này sẽ giữ nước tăng trưởng tín dụng khoảng 10% so với năm 2011. Trong đó riêng dư nợ đối với nông nghiệp và nông thôn phấn đấu tăng trên 20%.

Với sự điều chỉnh này, so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước kêu gọi giảm lãi suất (tháng 9/2011), mặt bằng lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại lớn đã giảm gần 2%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, những động thái rõ rệt của các NHTM chủ lực sẽ khởi đầu cho những đợt hạ lãi suất trong thời gian sắp tới, mà trước hết sẽ là những ngân hàng tiếp theo trong nhóm G12 (12 ngân hàng hàng đầu Việt Nam).

Kỳ vọng về việc đưa lãi suất xuống một mức càng có cơ sở khi tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể và lạm phát đang có xu hướng giảm khá rõ nét.

Doanh nghiệp có cơ hội mới?

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng TM lớn trên địa bàn băn khoăn: Năm nay, với tình hình nền kinh tế hiện nay, việc đầu tư tín dụng sẽ hết sức khó khăn. Bởi vậy giảm lãi suất không chỉ là yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp mà còn là điều ngân hàng cần phải làm để có thể đồng hành với khách hàng một cách an toàn, hiệu quả.

uy nhiên, sau thời điểm khó khăn do lạm phát kéo dài, doanh nghiệp lại phải đối mặt với suy thoái kinh tế và cắt giảm đầu tư công nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Điều các DN mong muốn là được NH cơ cấu lại dư nợ hiện có một cách hợp lý để có thể tiếp cận với mức lãi suất thấp hơn

Điều các DN mong muốn là được NH cơ cấu lại dư nợ hiện có một cách hợp lý để có thể tiếp cận với mức lãi suất thấp hơn

Bởi vậy, dù lãi suất đã giảm, trần tín dụng khá rộng, nhưng ngân hàng lại phải thận trọng việc lựa chọn khách hàng, dự án để đầu tư nguồn vốn. Theo khẳng định của các ngân hàng trên địa bàn thì quan điểm cho vay trong năm 2012 sẽ là ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp và hộ cá thể hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có những dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Thực tế cho thấy, để vay vốn với mức lãi suất như niêm yết, doanh nghiệp và người đi vay cũng không dễ dàng. Đặc biệt đối với các mức lãi suất cho vay thấp tương đương với lãi suất huy động, các đối tượng được tiếp cận rất hạn chế và các điều kiện đi kèm khá ngặt nghèo.

Đơn cử như phần lớn các ngân hàng đều đưa lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn xuống khá thấp nhưng trên thực tế trên địa bàn tỉnh ta chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp là cho vay ở lĩnh vực này. Hay việc Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh đã thực hiện việc giảm lãi suất gần 4 tháng nay nhưng dư nợ cũng tăng rất chậm. Mặc dù đứng trên quan điểm đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng trong khoảng thời gian này, Chi nhánh cũng chỉ cho vay mới được 6 DN với dư nợ khoảng 13 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay trên địa bàn giảm so với đầu năm.

Theo quy luật, nhu cầu vay vốn đầu năm không lớn vì phần lớn khách hàng chưa triển khai các phương án SXKD. Cộng với việc nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nên phần lớn DN đều có tâm lý thận trọng tìm hiểu thị trường và chờ đợi những tín hiệu thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Trung Thông - Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh cho biết: “ Rõ ràng việc giảm lãi suất sẽ giúp DN hoạt động SXKD hiệu quả hơn. Nhưng hướng đi mà DN lựa chọn trong năm nay là thận trọng trong phương án sản xuất mới; chú trọng tới việc cấu trúc lại DN, cố gắng tiết giảm chi phí, ổn định sản xuất để phát triển an toàn.

Bởi vậy sẽ không nhiều DN có nhu cầu vay vốn cho dự án mới. Điều họ mong muốn là được ngân hàng cơ cấu lại dư nợ hiện có một cách hợp lý để có thể tiếp cận với mức lãi suất thấp hơn, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast