Hà Tĩnh đối mặt với nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm

Cơ quan Thú y vùng III (Cục Thú y trung ương) vừa cho biết, tính đến ngày 7/8, trên địa bàn vùng Bắc Trung bộ đã xuất hiện 9 ổ dịch cúm gia cầm ở 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Trị làm trên 6.000 con gia cầm bị tiêu hủy (chủ yếu là vịt). Thông tin này đồng thời là lời cảnh báo cho Hà Tĩnh - địa phương giáp giới với 2 tỉnh này - khi đàn gia cầm không còn khả năng miễn dịch kể từ đầu năm đến nay.

Ông Dương Văn Tri - Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng III nhận định, tuy dịch bệnh ở 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Trị được bao vây, xử lý trong diện hẹp, song, do phương thức chăn nuôi vịt chủ yếu thả rông (chạy đồng) nên việc thực hiện các biện pháp kiểm soát mầm bệnh trong môi trường là rất khó. Một lo ngại nữa là do đàn gia cầm năm nay chưa được tiêm vắc xin H5N1 trong khi thời tiết chuyển biến thất thường và gây bất lợi cho sức khỏe đàn gia cầm, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và lây lan.

Không để gia cầm từ vùng dịch vào là biện pháp quan trọng để phòng ngừa dịch cúm gà
Không để gia cầm từ vùng dịch vào là biện pháp quan trọng để phòng ngừa dịch cúm gà

Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 5,2 triệu con (gà hơn 1 triệu con). Từ đầu năm đến nay, tuy đàn gia cầm phát triển bình thường nhưng nguy cơ bùng phát dịch cúm gà H5N1 có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở bất kỳ địa phương nào bởi một lẽ, tổng đàn gia cầm tỉnh ta chưa được tiêm phòng đợt 1 (dự kiến tiến hành tháng 5 vừa qua). Nguy cơ này ngày một cao hơn khi không thể triệt để kiểm soát việc tẩu tán gia cầm từ vùng dịch vào vùng an toàn qua các tuyến đường tiểu mạch ở các xã vùng cao với địa hình, núi non hiểm trở.

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, sở dĩ có tình trạng như vậy là do việc xác định hiệu lực của vắc xin H5N1 Re-5 (Trung Quốc sản xuất) đối với các nhánh vi rút cúm gia cầm hiện đang lưu hành tại Việt Nam (nhánh 1 và nhánh 2.3.2) chưa rõ ràng nên Cục Thú y trung ương mới chỉ tiến hành nhập 50 triệu liều vắc xin H5N1 Re-5 để tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi ở những khu vực có nguy cơ cao thuộc các tỉnh phía Nam có vi rút H5N1 (nhánh 1) lưu hành, đồng thời để lại dự phòng sử dụng trong trường hợp chống dịch khẩn cấp. Vì thế, đến nay, phần lớn đàn gia cầm cả nước đều chưa tiêm phòng nên không được bảo hộ dịch bệnh.

Cũng theo ông Bình, mặc dù tỉnh ta chưa phát hiện một trường hợp gia cầm có biểu hiện bất thường, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh láng giềng, đặc biệt là Nghệ An, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn và đông đảo người chăn nuôi phải đề cao cảnh giác, đồng thời khẩn cấp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa từ xa đối với dịch cúm gia cầm.

Theo đó, biện pháp tiên quyết hiện nay là phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch cúm gia cầm, qua đó, tuyên truyền về tác hại của bệnh đối với ngành chăn nuôi cũng như tác hại tới sức khỏe của con người để hướng nhân dân tích cực hợp tác, tham gia phòng chống dịch bệnh; cùng đó là phát động nhân dân tiến hành tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chuồng trại chăn nuôi; tăng cường giám sát dịch bệnh từ cơ sở (thôn/xóm) nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp gia cầm có biểu hiện khác thường để khoanh vùng, xử lý trong diện hẹp, tránh lây lan ra diện rộng. Về phía ngành thú y, chúng tôi đang làm văn bản để tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn về triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, đồng thời có quyết định thành lập chốt gác để ngăn chặn tình trạng nhập gia cầm từ ngoài tỉnh vào.

Do đàn gia cầm không có vắc xin phòng vệ nên vấn đề kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển từ ngoài tỉnh hiện rất quan trọng nhằm tránh mầm bệnh lây lan vào địa bàn. Vì thế, Chi cục Thú y Hà Tĩnh dự kiến trên tuyến QL1A sẽ lập 2 chốt gác trực 24/24h (phía Nam cầu Bến Thủy và phía Bắc Đèo Ngang), tuyến đường Hồ Chí Minh cũng lập 2 chốt (nằm trên địa bàn xã Sơn Tiến - Hương Sơn, địa phương giáp ranh với huyện Thanh Chương Nghệ An), còn tuyến đường liên xã Liên Minh (Đức Thọ) với Hưng Xuân (Hưng Nguyên - Nghệ An) lập 1 chốt để thiết lập hàng rào bảo vệ từ ngoài vào.

"Ngoài 2 chốt phía Bắc và Nam trên QL1A thuộc thẩm quyền của tỉnh, đề nghị UBND các huyện Hương Sơn và Đức Thọ chủ động thành lập, bố trí nhân lực, vật lực và kinh phí để duy trì hoạt động cho đến khi có quyết định giải tán của tỉnh", ông Bình nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast