Hà Tĩnh hối hả gặt lúa chạy bão

Bão số 4 đang áp sát khu vực miền Trung trong khi gần 20.000 ha lúa hè thu ( chiếm 50% tổng diện tích) của Hà Tĩnh đang nằm trên ruộng. Khẩn trương cứu lúa, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an và toàn dân bám đồng gặt lúa. Khắp từ miền núi tới miền biển, người người đang tỏa ra cánh đồng, mưa trộn mồ hôi, bươn mình giữa những cơn gió quất rát thịt da, thoăn thoắt tay liềm chạy đua với bão…

Nguy cơ về một đợt bão kép đang hiện hữu khi bão số 4 đã tiến sát vào bờ biển miền Trung với sức gió cấp 9-10 và ngoài khơi, cùng đó, một cơn bão mới có tên quốc tế NESAT (giật trên cấp 13) cũng có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung bộ trong vài ngày tới.

Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa chạy bão
Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa chạy bão

Cuộc họp khẩn của UBND tỉnh tối ngày 25/9 đã triển khai những giải pháp đối phó với diễn biến bão lụt, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân và các công trình đê điều, hồ đập. Một trong những nhiệm vụ khẩn cấp trước cơn bão là tập trung huy động mọi lực lượng và động viên nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. UBND tỉnh quyết định cho học sinh các trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên toàn tỉnh nghỉ học cùng gia đình thu hoạch lúa; huy động các lực lượng công an, quân sự tăng cường lực lượng giúp dân cứu lúa.

Từ ngày 19/9, huyện Đức Thọ đã hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung chỉ đạo quyết liệt thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến sáng ngày 26/9, toàn huyện đã thu hoạch đạt 80% diện tích, đặc biệt, trà luá hè thu chạy lũ (1.800 ha) đã gặt xong. Bởi vậy, những ngày bão đến gần, trong khi nhiều địa phương mới tập trung ra quân thì Đức Thọ đang thu hoạch nốt diện tích lúa còn lại với thắng lợi đã chắc trong tầm tay. Ông Bùi Đình Hưng, thôn Hòa Bình, xã Đức An phấn khởi cho biết: Vụ hè thu năm nay, gia đình sản xuất 17 sào lúa trong đó có 13 sào giống lúa lai Nhị ưu 838. Nhờ chủ động tốt nên gia đình đã thu hoạch được 80% diện tích, năng suất đạt 3 tạ/sào. Hiện chúng tôi đang tập trung nhân lực thu hoạch nốt diện tích còn lại tránh thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Cùng chung nhịp độ thu hoạch khẩn trương, vụ hè thu năm nay, Hương Sơn đã gặt được 80% trong tổng số diện tích 2.500 ha, trong đó có 1.200 ha hè thu chạy lũ ở các xã vùng thấp như Sơn Bình, Sơn Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Tân… đã thu hoạch gọn.

Chị Nguyễn Thị Hoa xã Sơn Long cho biết: “Năm ngoái lũ khiếp quá nên năm nay chúng tôi rút kinh nghiệm lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó. Vụ này gia đình tôi sản xuất 4 sào, nay đã thu hoạch xong xuôi. Tuy chưa phơi phong được hết nhưng đưa được lúa về nhà là an tâm rồi. Nếu có lũ, cứ cho lên chạn nhà”.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi đã có thể tạm yên tâm vì 600 ha lúa chưa thu hoạch còn lại tập trung ở các xã vùng cao”.

Nông dân huyện Can Lộc chở lúa về nhà...
Nông dân huyện Can Lộc chở lúa về nhà...

Từ sáng sớm ngày 26/9, khắp các cánh đồng từ Quang Lộc, Mỹ Lộc, Tiến Lộc, Tùng Lộc, đến Song Lộc, Mỹ Lộc (Can Lộc), dưới những cơn mưa nặng hạt, bà con nông dân cùng các lực lượng công an, bộ đội đang dồn sức thu hoạch lúa hè thu tránh bão. Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng NN - PTNT huyện cho biết: Huyện đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo bà con nông dân ở tất cả các địa phương khẩn trương ra đồng giặt lúa. Cán bộ ngành NN trực tiếp xuống chỉ đạo, cán bộ các ban ngành, đoàn thể ở xã cùng ra đồng với bà con nông dân tham gia thu hoạch. Huyện phấn đấu đến hết ngày 26, sẽ thu hoạch được khoảng 50% diện tích.

Can Lộc đang còn khoảng 300 ha lúa hè thu phải đến 1 tuần nữa mới chín. Về xã Tiến Lộc, chúng tôi gặp Chủ tịch UBND xã Phan Văn Dân đang đội mưa cùng đội ngũ cán bộ xã chỉ đạo, động viên bà con gặt lúa. Ông Dân cho biết, Tiến Lộc là xã vùng trũng nên mấy ngày gần đây xã tập trung huy động tối đa mọi nhân lực, vật lực để ra đồng thu hoạch lúa hè thu tránh mưa bão. Những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua xã huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên tham gia gặt lúa cho bà con nông dân, đồng thời huy động hàng chục phương tiện vận chuyển chở lúa về nhà. Đến nay, toàn xã đã thu hoạch được trên 50% diện tích lúa hè thu. Trong ngày cao điểm này, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành thu hoạch khoảng 200ha trên tổng số 258 ha diện tích lúa hè thu.

... và nhanh tay tuốt thóc
... và nhanh tay tuốt thóc

Đầm mình giữa những cánh đồng lúa ngập trong nước, các lực lượng công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện đang cùng nông dân nỗ lực giành dật thành quả lao động của nhân dân. Những ngày này, các lực lượng Quân đội, Công an đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ra đồng thu hoạch lúa. Hơn lúc nào hết, sự giúp đỡ, sẻ chia của các anh giữa đồng ruộng ngày mưa lũ càng làm ấm tình quân dân cá nước. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 841 cho biết: nhận được công điện của BCH PCLB tỉnh cũng như của Bộ CHQS tỉnh, Trung đoàn đã cử 120 cán bộ, chiến sỹ về phối hợp với nhân dân các địa phương Cẩm Huy, Thị trấn Thiên Cầm, Cầm Nhượng vừa gặt lúa cho dân vừa sẵn sàng ứng cứu khi có mưa bão xảy ra.

Trưa ngày 26/9, khắp các cánh đồng huyện Lộc Hà, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng 164 và lực lượng công an huyện hối hả cùng nông dân thu hoạch lúa. Sau khi nhận được tin bão khẩn cấp, huyện đã tổ chức ra quân với sự tham gia tích cực của lực lượng tình nguyện. Riêng trong 2 ngày 25 và 26/9, toàn huyện thu hoạch được trên 300 ha lúa. Trên cánh đồng xã Hồng Lộc, gia đình chị Nguyễn Thị Song với sự hỗ trợ của các chiến sỹ công an đang khẩn trương thu hoạch 5 sào lúa. Nước đã lên gần ngang bông lúa, gia đình phải vừa gặt vừa vận chuyển bằng thuyền. Chị Song vuốt nước mưa trên khuôn mặt cho biết: “Mấy ngày thấy lúa còn xanh nên tôi cứ chần chừ muốn nán thêm ít ngày. Nhưng bão đến rồi thì phải gặt ngay vì cánh đồng trũng này nếu lúa ngâm nước lụt là coi như mất trắng”.

Cuối ngày, những chuyến xe nặng trĩu đội mưa đưa lúa về nhà. Sau những ngày vật lộn với quyết tâm cao, hàng ngàn ha lúa đã thoát khỏi nguy cơ mất trắng do bão lụt. Dù vậy, đến thời điểm này vẫn còn trên các cánh đồng hàng ngàn ha lúa vào thời kỳ thu hoạch đang cận kề với sự tàn phá của thiên tai. Bài học về việc tuân thủ lịch thời vụ sẽ không bao giờ cũ đối với các cấp, ngành và chính mỗi người nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast