Hà Tĩnh từng bước cải thiện nước sạch và VSMT nông thôn

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMT) là vấn đề bức xúc nhưng chưa dễ giải quyết trong một sớm một chiều với nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, nhất là những vùng khó khăn về nguồn nước do ô nhiễm xăng dầu, thuốc BVTV. Được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, năm 2010, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh đã tăng cường công tác truyền thông gắn với đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh nhằm từng bước cải thiện vấn đề này.

Nổi bật trong chuỗi các hoạt động thường niên của Trung tâm chính là công tác thông tin – giáo dục – truyền thông. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Tĩnh và 5 huyện trong tỉnh để tổ chức 117 lớp tập huấn truyền thông các loại, thu hút 7.517 lượt người tham gia. Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền các bệnh liên quan đến nguồn NS&VSMT, cách phòng tránh các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường nông thôn.

Ngoài ra, Trung tâm còn hợp tác với Hội Nông dân Hà Tĩnh tổ chức 44 lớp tập huấn (hướng dẫn điều tra, thu thập số liệu theo Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và VSMTNT) với 2.457 lượt người tham gia; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn xây dựng 27 chuyên mục và số báo truyền thông về nước sạch và VSMT nông thôn; in thâu băng, đĩa cấp phát cho 250 xã trên địa bàn toàn tỉnh để truyền thông về NS&VSMT nông thôn. Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng 360 công trình mô hình điểm vệ sinh hộ gia đình (hố xí, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh).

Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh vừa đưa công trình cấp nước tập trung xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) vào hoạt động. Ảnh: Phan Thị Lài
Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh vừa đưa công trình cấp nước tập trung xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) vào hoạt động. Ảnh: Phan Thị Lài

Song song với tập huấn truyền thông, công tác đầu tư phát triển cũng được đơn vị đẩy mạnh. Trong năm, Trung tâm đã hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng 4 công trình cấp nước tập trung được khởi công từ năm 2009 như: công trình cấp nước xã Vĩnh Lộc (Can Lộc), công trình cấp nước xã Thạch Long (Thạch Hà), công trình cấp nước xã Đức Lạng và Đức Nhân (Đức Thọ); đồng thời khởi công xây dựng mới 4 công trình, trong đó: 2 công trình khởi công xây dựng trong tháng 12 vừa qua là công trình cấp nước xã Khánh Lộc và Tiến Lộc (Can Lộc), 2 công trình đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng là công trình cấp nước xã Thạch Xuân (Thạch Hà) và Cẩm Vĩnh (Cẩm Xuyên).

Trung tâm cũng tiếp tục nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung thị trấn Nghèn (Can Lộc) và công trình cấp nước xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); xây dựng 305 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình (giếng khoan, giếng đào, lu, bể chứa nước mưa) do các huyện làm chủ đầu tư (Huyện Hương Sơn, Thạch Hà và Kỳ Anh); xây dựng 34 công trình cấp nước và vệ sinh công cộng (trường học, trạm Y tế xã, trụ sở UBND xã và chợ nông thôn) và 155 công trình vệ sinh hộ gia đình (do UBND huyện Nghi Xuân làm Chủ đầu tư).

Tính chung, tổng kinh phí thực hiện đầu tư phát triển trong năm 2010 của đơn vị đạt trên 36 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Nhà nước 25 tỷ đồng và dân đóng góp trên 11 tỷ đồng.

“Đẩy mạnh công tác tập huấn thông tin - giáo dục - truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư nông thôn, đặc biệt là khuyến khích người dân tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng công trình cấp nước, công trình vệ sinh”, là một trong những kế hoạch trọng tâm trong năm 2011 của Trung tâm.

Theo ông Nguyễn Viết Nhất – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2011, Trung tâm sẽ tăng cường phối kết hợp với ngành cấp tỉnh và các địa phương để thống nhất chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời rà soát lại các văn bản pháp quy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và điều kiện sống của các vùng nông thôn; nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các địa phương, đơn vị đầu tư phát triển phải phù hợp với các chính sách hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên. Đối với các công trình cấp nước tập trung, chú trọng đưa các thiết bị, máy móc, các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến để xử lý nguồn nước theo tiêu chuẩn TC 09 của Bộ Y tế.

Cùng đó, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình cấp nước xã Khánh Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), khởi công công trình cấp nước xã Thạch Sơn (Thạch Hà), công trình cấp nước xã Gia Phố (Hương Khê), công trình cấp nước xã Thiên Lộc (Can Lộc); nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ). Đặc biệt, Trung tâm đang tập trung chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng công trình cấp nước xã Thạch Bằng (Lộc Hà).

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân dân xây dựng khoảng 3.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và nhân dân tự đóng góp, đồng thời dự kiến xây dựng khoảng 30 công trình cấp nước - vệ sinh công cộng (trường học, trạm y tế xã, trụ sở UBND xã và chợ nông thôn), xây dựng khoảng 10.000 hố xí, 4.000 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia và nhân dân đóng góp.

"Để đảm bảo hiệu quả các công trình sau đầu tư, Trung tâm tuỳ theo tính chất nhiệm vụ, quy mô của công trình, mức độ phức tạp của công nghệ khoa học - kỹ thuật để thiết lập mô hình quản lý phù hợp, làm bước đệm cho việc tiến tới hình thành xã hội hoá về cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ", ông Nhất nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast