Hành trang vững chắc để chuẩn bị thực hiện Dự án IFAD 3

Tiến sỹ Rolf Dieter Drescher - Thống đốc IFAD (Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế) tỏ ra rất hài lòng sau chuyến khảo sát, kiểm tra tại một số cơ sở đầu tư của dự án. Còn bà Atsuko - Giám đốc Quản lý Chương trình IFAD tại Việt Nam vui mừng nói: “Tôi thật sự ấn tượng sau chuyến đi. Cảm ơn các bạn thật nhiều về những gì đã làm được…”. Đánh giá của các chuyên gia là cơ sở để chúng ta tin rằng sẽ có những dự án hỗ trợ phát triển kinh tế được tiếp tục đầu tư vào Hà Tĩnh.

Mục sở thị: Hài lòng

Để đánh giá hoạt động của tổ chức IMPP (Dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh) một cách thật khách quan, đoàn công tác do Thống đốc IFAD dẫn đầu đã chọn cơ sở sản xuất rượu nếp Khánh Lộc (Can Lộc) làm điểm đến đầu tiên. Chị Trần Thị Phi Yến - Phó Chủ nhiệm HTX rượu Khánh Lộc tỏ ra khá bất ngờ vì không kịp chuẩn bị nước uống cũng như bàn ghế tiếp đón đoàn.

Dường như không quan tâm đến băn khoăn của chị, ngài Thống đốc đi thẳng vào một số vấn đề: Việc sản xuất như thế nào? Có thuận lợi không? Lời lỗ ra sao?... Cảm giác về sự tiếp đón thiếu trọng thị biến mất, chị Yến trình bày về quy trình sản xuất rượu, về “chiêu” tiếp cận thị trường tiêu thụ… Ngài Thống đốc chăm chú lắng nghe, gật đầu liên tục, rồi nở nụ cười thật tươi.

Các chuyên gia IFAD trong một buổi làm việc với IMPP Hà Tĩnh
Các chuyên gia IFAD trong một buổi làm việc với IMPP Hà Tĩnh

Tiếp tục chương trình, đoàn đến thăm và tìm hiểu những hoạt động của dự án tại xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Tại đây, sau màn chào hỏi mang nghi thức xã giao với những người thuộc Ban điều phối dự án, ngài Thống đốc yêu cầu được gặp nhóm sở thích đang thực hiện việc chăm sóc và phát triển 12 con bò. Vẫn là những câu hỏi mà ngài quan tâm: Nguồn thức ăn nuôi bò được lấy ở đâu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?. Chỉ đến khi nhìn thấy những “chú” bò béo mập và cánh đồng cỏ mơn mởn xanh, ngài Thống đốc mới gật gù khen: “Tốt lắm! Tốt lắm!”.

Không vội nhưng cũng không để thời gian làm việc bị lãng phí, trong hành trình tham quan, khảo sát hoạt động ở cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Đại Hùng (Xuân Viên); cơ sở chế biến đậu phụ Bình Lộc (Lộc Hà), ngài Thống đốc và bà Giám đốc hiểu rõ “trăm nghe không bằng một thấy”. Thỉnh thoảng hai người lại hội ý với nhau bằng những câu tiếng Anh. Dù không “sành” nhưng qua cử chỉ và điệu bộ tôi hiểu là họ hài lòng.

Đối thoại: Cởi mở và thẳng thắn

“Không còn nhiều thời gian nữa, năm 2011, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Hiệu quả thực hiện từ 2007 có thể nói là rất tốt. Tôi đánh giá cao về đội ngũ cộng sự ở đây. Tất nhiên tôi không khẳng định là việc gì cũng tốt cả, nhưng nếu chúng ta tìm được tiếng nói đồng thuận thì việc hợp tác sẽ tốt hơn. Điểm mạnh và điểm yếu của các hợp phần như thế nào? Việc phân bổ nguồn vốn ra sao” - bà Atsuko nêu vấn đề.

Đối với hợp phần 1 (lập kế hoạch KT-XH theo định hướng thị trường có sự tham gia của người dân), ông Phan Thành Biển - Giám đốc dự án IMPP cho rằng: “Thách thức lớn nhất là năng lực nhận thức. Mặc dù công tác tập huấn đã được phổ biến nhiều, người dân cũng đã nhận biết về vấn đề này, nhưng để trở thành kỹ năng, chúng tôi cần có thêm thời gian”. “Tôi đồng ý với ông Biển. Vấn đề này chúng ta có thể tiếp tục làm trong năm 2011. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là ở những địa phương làm hay, chúng ta cần nhân rộng. Hiện nay hợp phần này đang được triển khai tại 50 xã, nếu tiếp tục thực hiện thêm ở 44 xã trong 2 năm tới, tôi nghĩ có thể làm được” - Ngài Lothar - Cố vấn GTZ (Tổ chức hợp tác Quốc tế thuộc Chính phủ CHLB Đức) bày tỏ.

Ngược lại, ngài Jog Reichert - Cố vấn GTZ không đồng tình với quan điểm này khi cho rằng: “Điều quan trọng không phải là bao nhiêu xã mà vấn đề là chất lượng. Đánh giá dự án không chỉ nhìn bằng kết quả mà phải có các con số, chỉ tiêu cụ thể để chứng minh. Các tiêu chí phải đảm bảo hai yếu tố là chất lượng và số lượng. 50 xã là quá nhiều, theo tôi 12 xã là đủ và dễ thực hiện hơn”.

Đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của hợp phần này, ông Biển nói: “Nếu không có 2 đợt lũ xảy ra vừa qua, công việc này chúng tôi đã hoàn tất”.

Bà Atsuko tiếp tục đặt câu hỏi: “Với hợp phần 2 là hỗ trợ doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm, làm thế nào để chứng minh là chúng ta đã giảm được nghèo và nhân rộng các doanh nghiệp? Giải pháp nào để phát triển các HTX và các DN?

“Bên cạnh việc tổ chức tập huấn, các HTX, DN cần được hỗ trợ vốn. Vay vốn không dễ nhưng khó nhất vẫn là thuê đất lâu dài, vì liên quan đến Luật Đất đai. Đây là vấn đề vượt ngoài tầm dự án” - ông Biển băn khoăn.

Một trong những điều trăn trở hiện nay được nhiều người quan tâm là làm thế nào để ứng phó với sự biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Ông Biển báo cáo tại buổi làm việc là đã manh nha ý tưởng phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ xây dựng đề án này. Tuy nhiên, khó khăn là vốn và cách thức tổ chức thực hiện.

“Tôi sẽ lấy trong các thông số của các anh những con số ấn tượng để thuyết phục mọi người rằng Hà Tĩnh là một trong 6 địa phương thuộc diện nghèo nhất Việt Nam nên rất cần các chương trình hỗ trợ dự án của các tổ chức, chính phủ các nước. Đó là ý kiến cá nhân tôi. Nói gì thì nói, kết thúc dự án 2 vào năm 2012, chúng ta còn phải đánh giá lại hiệu quả, sau đó mới có thể xây dựng IFAD 3 ” - Bà Atsuko bày tỏ quan điểm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast