Hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị định 130 và 43 của Chính phủ

Ngày 6/4, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tham dự đầu cầu Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị

Sau 6 năm thực hiện, Nghị định số 130/2005/NĐ-CP đã thể hiện được tính đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến thời điểm này, hầu hết các Bộ, địa phương trong cả nước đã giao thực hiện chế độ tự chủ cho 100% đơn vị trực thuộc, góp phần sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp; tiết kiệm kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hoá công nghệ quản lý, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Hầu hết các cơ quan Trung ương đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công. Năm 2010 tỷ lệ tiết kiệm so kinh phí tự chủ được giao đạt 13,66% đối với 17 bộ và 8,6% ở 59 địa phương.

Đối với Hà Tĩnh, tổng số cơ quan quản lý hành chính trên địa bàn là 181 đơn vị, trong đó đã giao quyền tự chủ cho 67 đơn vị (cấp tỉnh đạt 90,8%, cấp huyện còn hạn chế do chính quyền chưa quan tâm thực hiện). Từ năm 2008 đến nay đã tinh giản, tỉnh đã tiết kiệm được 256 biên chế; Kinh phí chi tiêu được tiết kiệm ngày càng tăng và đạt 8.250 triệu đồng năm 2011, theo đó thu nhập bình quân cán bộ tăng đáng kể.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 25.631 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, đạt 96,7%. Cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; đảm bảo công khai, minh bạch; tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong nội bộ đơn vị. Đến năm 2011, Hà Tĩnh đã trao quyền tự chủ cho 250/932 đơn vị. Số thu sự nghiệp của các đơn vị cấp tỉnh tăng hàng năm từ 4%- 11%; từ năm 2008, số kinh phí tiết kiệm đạt 15.647 triệu đồng. Theo đó, thu nhập bình quân của cán bộ tăng thêm 6.500 ngàn đồng/người.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và các sở ngành liên quan tam dự hội nghị phía đầu cầu Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và các sở ngành liên quan tam dự hội nghị phía đầu cầu Hà Tĩnh

Hà Tĩnh kiến nghị với các Bộ đề nghị tăng định mức phân bổ ngân sách cho địa phương để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa có nguồn tiết kiệm đáng kể để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và biên chế cho các đơn vị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực sự nghiệp; triệt để thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ các dịch vụ sự nghiệp công, tiến tới đặt hàng cung cấp dịch vụ công thay bằng cấp phát bằng dự toán theo biên chế, nhiệm vụ chuyên môn.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Nghị định 103/2005/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ- CP đã thực sự đi vào cuộc sống của từng cán bộ, công chức, góp phần nâng cao tính tự chủ và tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của mỗi người, nhờ đó thu nhập bình quân không ngừng tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vui mừng khi một số địa phương đã thực hiện đến tận phường xã, đây chính là động lực tạo sức lan tỏa lớn trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các Nghị định vẫn tồn tại một số bấp cập, hạn chế như: việc xác định biên chế theo cấp bậc; tiêu chí đánh giá kết quả của các đơn vị theo kết quả đầu ra một cách khoa học; một số cơ chế chưa được cụ thể hóa và chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp của bộ, ngành và các địa phương, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và trình lên Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast