Khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh ta, có hàng triệu tấn nông sản được người dân sản xuất với đủ các loại như lúa, ngô, đậu, lạc đến các loại khoai sắn... Trong điều kiện của một tỉnh mà đa phần người dân còn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì mọi sinh hoạt của họ đều trông cậy vào nông sản. Tuy nhiên có một thực tế đó là những năm được mùa thì lại mất giá, được giá thì lại mất mùa, chính vì vậy cuộc sống của người dân cũng bấp bênh như giá nông sản.

Mặc dù sản lượng nông sản trên địa bàn là rất lớn nhưng lại có rất ít doanh nghiệp thu mua, chế biến lĩnh trên vực này. Ảnh minh họa

Dù đã có kinh nghiệm sản xuất từ bao đời nay, nhưng vẫn rất hiếm những người làm giàu được nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Và vẫn đang có rất ít những vùng chuyên canh sản xuất nông sản cho thu nhập cao. Người dân thì vẫn chủ yếu sản xuất tự phát, được đến đâu hay đến đấy, không ít địa phương không mấy mặn mà trong chỉ đạo, hoạch định, phát triển sản xuất, doanh nghiệp thu mua nông sản thì thất thường. Chính vì vậy làm ra nông sản đã khó khăn vất vả, việc tiêu thụ nông sản lại càng khó khăn, vất vả hơn. Vòng luẩn quẩn và những vướng mắc trong tiêu thụ nông sản đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Mặc dù năm nay theo đánh giá chung năng suất cây Lạc không cao như những năm trước. Tuy nhiên giá bán lại cao hơn nhiều so với các năm trước. Mặc dù được giá nhưng hầu hết các hộ nông dân sau khi thu hoạch xong vụ Lạc Xuân, họ đều đóng gói cẩn thận để chờ cuối vụ khi giá cao hơn thì đem bán. Mặc dù thời điểm này giá thu mua Lạc của các tư thương trên thị trường cao hơn nhiều so với các năm trước. Theo kinh nghiệm của nhiều người dân, thì nông sản càng về cuối vụ giá thu mua sẽ cao hơn, chính vì vậy nên không mấy người đem bán Lạc vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Thanh Hà Thôn An Lộc- Thạch Châu - Lộc Hà cho biết: Theo kinh nghiệm hàng năm thì cứ để đến cuối vụ thì bán được giá hơn vì thế hầu hết các hộ nông dân đều tập trung găm hàng. Trên thực tế việc găm hàng chờ đến cuối vụ được giá hơn mới bán giống như con giao 2 lưỡi, nếu như đến cuối vụ nguồn hàng mà các doanh nghiệp xuất khẩu còn cần thì nông sản của nông dân sẽ bán được giá nhưng ngược lại khi các doanh nghiệp này đã thu mua đủ sản phẩm để cung ứng cho các bạn hàng thì lúc ấy nông sản của người dân thậm chí là không bán được nữa chứ chưa nói đến được giá hơn so với đầu vụ.

Do tâm lý găm hàng chờ lên giá của người nông dân, nên nhiều doanh nghiệp thu mua rất khó để mua hàng. Doanh nghiệp thu mua nông sản Châu Tuấn là một trong những doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản lớn nhất của cả tỉnh. Vào thời điểm này của các năm trước, doanh nghiệp đã thu mua được hàng trăm tấn Lạc để xuất khẩu. Thế nhưng năm nay việc thu mua đang gặp rất nhiều khó khăn. Hợp đồng xuất khẩu đã ký với bên ngoài, thu mua trong tỉnh không được, doanh nghiệp phải tìm đến các tỉnh khác để mua. Theo doanh nghiệp này, khi doanh nghiệp cần, người dân lại không bán, khi người dân cần bán doanh nghiệp lại không mua. Và như thế cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu thiệt thòi.

Bà Bạch Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Châu Tuấn cho biết: Theo như hợp đồng mà Công ty chúng tôi đã ký kết với đối tác nước ngoài để xuất khẩu Lạc nhân thì đến thời điểm này Công ty phải giao hàng cho đối tác nước ngoài nhưng trên thực tế thời điểm này việc thu mua sản phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn do bà con găm hàng chờ đến cuối vụ hy vọng bán được giá cao hơn so với hiện nay vì thế doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo sang các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa để thu mua nông sản đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho bạn hàng như đã ký kết. Do đó doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí tăng lên cho việc vận chuyển... Thực trạng này đã gây cho doanh nghiệp xuất khẩu Châu Tuấn nói riêng và các doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn nói chung gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh là rất lớn và có rất nhiều loại thế nhưng lại có rất ít doanh nghiệp thu mua, chế biến lĩnh trên vực này. Theo một số doanh nghiệp thì kinh doanh nông sản độ rủi ro thường lớn hơn vì người dân chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sự kết hợp giữ nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà nông chưa có những chế tài, những sự ràng buộc cụ thể. Nhiều doanh nghiệp tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm với người nông dân từ đầu vụ, Dựa trên những cam kết này, doanh nghiệp có thể hạch toán được số lượng hàng hóa, từ đó để có kế hoạch chế biến, xuất hàng cho đối tác. Thế nhưng khi ký kết xong, đến mùa thu hoạch, thấy giá thị trường cao hơn người dân lại bán ra bên ngoài, giá thị trường thấp hơn, thì lại bắt doanh nghiệp thu mua theo giá đã ký kết. Chính điều này đã làm cho các doanh nghiệp không mấy mặn mà ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Khi Doanh nghiệp thu mua và người sản xuất chưa tìm thấy tiếng nói chung, chưa có những mối ràng buộc cụ thể, thì người nông dân vẫn tiếp tục kiểu sản xuất manh mún, được đâu hay đấy, doanh nghiệp thì khó lòng phát triển khi đầu vào không ổn định. Và họ không dám đầu tư để chế biến sâu, mà chỉ đứng ra làm trung gian mua đi bán lại. Nói cách khác, thì cả hai cùng kéo nhau đi xuống. Vì vậy sẽ không có gì lạ khi năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Và vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại. Người dân không dám đầu tư để sản xuất vì sợ giá nông sản làm ra không đủ bù chi phí sản xuất, địa phương không dám mở rộng quy hoạch vùng, doanh nghiệp thấy người dân không mặn mà lại phải đi tìm nguồn hàng nơi khác, và như vậy giá nông sản luôn ở tình trạng thả nổi. Và giá nông sản thấp người dân lại không mặn mà để đầu tư.

Chưa ai đứng ra, hay nói cách khác là chưa ai có trách nhiệm trong việc xâu nối doanh nghiệp với người nông dân. Không có những cơ chế, không có những sự ràng buộc nhau nên mạnh ai thì người ấy làm, doanh nghiệp thấy lợi thì làm theo kiểu doanh nghiệp, người dân thấy lợi thì làm theo kiểu của người dân. Vì vậy việc tiêu thụ nông sản luôn trở nên bấp bênh và cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast