Khống chế dịch tai xanh và bài học về công tác tiêm phòng

Đến thời điểm này, dịch lợn tai xanh trên địa bàn Hà Tĩnh đã được khống chế, mức độ thiệt hại được hạn chế đến mức thấp nhất so với những năm trước và so với các tỉnh bạn. Để đạt kết quả đó, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thì tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất.

>> Công bố hết dịch tai xanh trên lợn

Sẽ thật khó để tìm được gam màu sáng trong “bức tranh” chăn nuôi khi “bóng đen” của các loại dịch bệnh luôn thường trực không chỉ khiến người chăn nuôi lao đao mà các cấp quản lý cũng phải đau đầu. Tại tỉnh Nghệ An, dịch tai xanh đã “càn quét” hơn 1 tháng nay tại 60 xã, thị trấn thuộc 6 huyện và tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy lên đến hơn 12.000 con, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị hiện có ít nhất 1.830 con heo mắc dịch tai xanh, thuộc địa bàn 4 huyện, thành phố. Đến nay, dịch bệnh tai xanh ở 2 tỉnh trên vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Đợt dịch “tai xanh” vừa qua, toàn thôn 7, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) có 152/300 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

Đợt dịch “tai xanh” vừa qua, toàn thôn 7, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) có 152/300 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

Tại Hà Tĩnh, kể từ khi phát hiện ổ dịch tai xanh vào ngày 25-4, tại 46 hộ ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) đến ngày 16-5 đã có 520 con tại 4 phường, xã của 3 huyện, thành phố mắc bệnh tai xanh. Trước đó, ngày 13-5, dịch xảy ra tại xã Tùng Lộc và Xuân Lộc (Can Lộc) làm 87 con lợn của 65 hộ chăn nuôi trong 2 xã trên mắc bệnh tai xanh nâng tổng số lợn trên địa bàn Hà Tĩnh bị thiệt hại trong đợt dịch này là 607 con.

Theo ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, trong vòng 20 ngày, dịch tai xanh trên địa bàn Hà Tĩnh đã được khống chế. Để đạt được kết quả khả quan như vậy, ngoài thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng chống dịch như: bao vây tiêu độc, khử trùng, lập chốt kiểm dịch, cấm mua bán, vận chuyển, giết mổ các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch… thì giải pháp hết sức quan trọng là tiêm phòng. Sau khi dịch xẩy ra, UBND tỉnh đã có chủ trương khá mạnh tay và kịp thời, đó là hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng tai xanh tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Nhờ có nguồn vắc xin “bao cấp”, trong thời gian ngắn, cơ quan thú y các địa phương huy động hết lực lượng cán bộ thú y cơ sở tổ chức tiêm hơn 28.000 liều vắc xin bao vây vùng dịch.

Cơ quan chuyên môn kịp thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các vùng có dịch

Cơ quan chuyên môn kịp thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các vùng có dịch

Hiệu quả của việc tiêm phòng đã “thức tỉnh” không ít người chăn nuôi. Ông Dương Văn Hồng, một hộ dân thôn 7, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) bị thiệt hại 7 con lợn thịt trong đợt dịch tai xanh vừa qua cho rằng, do gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên không muốn tốn thêm tiền đầu tư mua vắc xin tiêm phòng. Tuy nhiên, sau trận dịch này, gia đình sẽ chủ động trong công tác tiêm phòng để hạn chế tối đa thiệt hại. Theo tính toán của ông thì 1 liều vắc xin hiện nay có giá 33.000 đồng cộng với 2.000 tiền công tiêm thì vẫn chưa bằng 1 kg lợn hơi.

Ông Trần Quang Tiến – Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Vắc xin cơ quan Thú y sử dụng là loại vắc xin nhược độc đông khô chủng JXA1-R. Sau đợt tiêm phòng tháng 11-2010, Chi cục thú y đã lấy mẫu huyết thanh để giám định mức độ bảo hộ vắc xin đều có kháng thể sinh ra ở mức độ cao, hiệu quả tiêm phòng đạt cao”.

Lật lại “lịch sử” dịch tai xanh và công tác tiêm phòng vắc xin trên địa bàn những năm qua, có thể thấy, nếu chủ động tiêm phòng sớm, tiêm phòng trước khi phát dịch chắc chắn dịch bệnh sẽ không xẩy ra.Năm 2008, lần đầu tiên dịch tai xanh tấn công trên đàn lợn 31.000 con tại 78 xã của 5 huyện làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tại thời điểm đó, do chưa có vắc xin nên thiệt hại lớn, các cơ quan chức năng phải mất hơn 3 tháng mới dập tắt được dịch.

Năm 2010, dịch tai xanh xuất hiện tại 4 xã của 2 huyện làm 1.081 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Sau khi phát hiện dịch, cơ quan thú y đã kịp thời sử dụng 45.000 liều vắc xin để tiêm phòng bao vây các xã lân cận vùng dịch nên chỉ trong vòng 1 tháng, dịch tai xanh trên địa bàn đã được dập tắt. Đầu năm 2011, dịch tai xanh xuất hiện tại trại chăn nuôi Đức Long (Đức Thọ) do nhập lợn bị nhiễm dịch từ tỉnh khác về. Đồng thời với việc tiêu hủy 23 con lợn mắc bệnh, cơ quan thú y đã sử dụng 1.000 liều vắc xin tiêm phòng cho số lợn còn lại của trại. Và kết quả, dịch bệnh tại đây đã không phát sinh thêm.

Hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin đã được cơ quan chuyên môn khẳng định qua những đợt dịch vừa qua, tuy nhiên, ý thức tự giác tiêm phòng trong người dân vẫn rất thấp, hầu như chưa có người dân nào bỏ tiền mua vắc xin tiêm phòng. Theo số liệu kết quả tiêm phòng tai xanh trên đàn lợn đợt 1-2011 chỉ mới đạt 15%. Trong số 15% này cũng do nhà nước hỗ trợ vắc xin.

Tiêm phòng vắc xin - gải pháp hiệu quả nhất trong phòng chống dịch tai xanh

Tiêm phòng vắc xin - gải pháp hiệu quả nhất trong phòng chống dịch tai xanh

Chủ trương hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng tai xanh tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp của tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh một cách kịp thời. Tuy nhiên, điều này nếu không được tuyên truyền tốt thì sẽ dẫn đến nhiều người dân, thậm chí cả một số cán bộ cơ sở có tư tưởng ỷ lại trông chờ vào nguồn thuốc bao cấp. Năm 2010, Hà Tĩnh đã phải chi ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng để bao vây, khống chế dịch tại 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà và năm nay số tiền ngân sách phải chi ra để thực hiện công tác này cũng sẽ bằng hoặc nhiều hơn năm trước.

Nhà nước chỉ thực hiện chính sách bao cấp trong những thời điểm cấp bách phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc người chăn nuôi cần phải nhận thức rõ: chủ động đầu tư cho tiêm phòng là việc cần phải làm đối với mỗi hộ khi triển khai các mô hình chăn nuôi. Nếu cứ để tình trạng “mất mất lợn mới lo tiêm phòng” thì chăn nuôi không thể phát triển bền vững và không thể trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast