Không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Cuối tháng 11 tỉnh ta đã xuất hiện dịch bệnh LMLM ở gia súc tại huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên nhưng đã được khống chế kịp thời. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tết Nguyên đán do không có vác xin để tiêm phòng, độ ẩm không khí cao cùng với việc vận chuyển, giết mổ gia tăng… thì nguy cơ xẩy ra dịch bệnh sẽ rất cao. Vì vậy, việc tập trung cho công tác phòng chống dịch hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.

Cuối tháng 11, dịch LMLM gia súc được phát hiện tại xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) và xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) với 13 con gia súc mắc bệnh, trong đó 6 con trâu bò và 7 con lợn. Nguyên nhân xẩy ra dịch được xác định do ổ dịch cũ tái phát của bệnh LMLM type O. Được biết, số gia súc mắc bệnh trên hầu như chưa được tiêm phòng vácxin LMLM đợt 2 (do không có vắcxin) cùng với thời điểm chuyển mùa, không khí ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.

Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng dịch LMLM ở Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên)
Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng dịch LMLM ở Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên)

Ngay sau khi phát hiện ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp xuống kiểm tra triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch; tiến hành phun hoá chất tiêu độc khử trùng vùng dịch và tiêu huỷ ngay những con lợn mắc bệnh. Chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để chủ động phòng ngừa dịch bệnh bùng phát và lập cam kết với các hộ nuôi phải cách ly khi có gia súc bị ốm. Mặt khác, lập nhiều chốt canh không cho người dân vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc ra vào địa bàn trong thời gian xẩy ra dịch bệnh.

Trước yêu cầu cấp bách do không có vácxin LMLM, tỉnh “quyết” cho Chi cục thú y liên hệ mua gấp 20.000 liều vắc xin LMLM đa type để khống chế, không cho dịch lan ra diện rộng. Sau khi được cấp vắcxin LMLM, các xã nằm trong vùng khống chế đang tiến hành tổ chức tiêm cho số gia súc có trên địa bàn.

Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong việc chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã khống chế kịp thời dịch LMLM. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn hai xã bị dịch chưa phát hiện thêm thêm một con gia súc nào bị mắc bệnh. Tuy nhiên, theo ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì từ nay cho đến tết Nguyên đán không thể chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm. Ngược lại, cần tập trung cao cho công tác này một cách quyết liệt và đồng bộ hơn. Bởi, tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm trong nước đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó vắcxin tiêm phòng các bệnh LMLM cho gia súc và vác xin tiêm cho gia cầm đến thời điểm này vẫn chưa có; việc gia tăng buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm vào ra địa bàn tỉnh và chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp tết nguyên đán cũng là một trong những nguyên nhân quan trong gây ra dịch bệnh. Vào mùa này thời tiết trở lạnh, mưa nhiều tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh tồn tại và phát triển. Vì vậy, nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Mặc dù dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nhưng cán bộ Chi cục thú y vẫn tiếp tục giám sát địa bàn theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Trong thời gian tới Chi cục thú y và chính quyền địa phương cần phải tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Đặc biệt chú trọng đến công tác truyên truyền một cách sâu rộng cho ngành chăn nuôi về tác hại của dịch bệnh. Hướng dẫn cho người dân chăn nuôi cách nhận biết gia súc mắc bệnh để chủ động sử dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch và thông báo kịp thời khi phát hiện dịch. Tổ chức ký cam kết với các hộ có gia súc, gia cầm trên địa bàn nếu gia súc bị mắc bệnh phải cách ly triệt để và chăm sóc, chữa trị theo hướng dân của cơ quan thú y. Tiếp nhận hoá chất và tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vùng có ô dịch cũ vùng có nguy cơ cao phát dịch. Mặt khác, tăng cường quản lý công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển việc nhập giống vật nuôi vào địa bàn, giết mổ tiêu thụ gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm; quản lý hành nghề kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast