Kiểm soát giá ở khâu nào?

Bộ Công Thương thừa nhận “tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào nhưng về đến chợ thì giá lại leo lên”. Có nghĩa là cần tập trung vào khâu lưu thông.

>> Làm gì để hàng bình ổn giá đến được với người dân?

Những ngày qua, giá vàng tăng liên tục lên rất cao, giá ngoại tệ cũng tăng mạnh so với tiền Đồng và tiền Đồng thì giảm giá. Hàng loạt giá bán các mặt hàng ở thị trường trong nước tăng lên, có loại tăng ít, có loại tăng kha khá, đây đó cục bộ có loại tăng mạnh.

Hàng loạt ý kiến phản ánh đang được đưara và kiến nghị có giải pháp để kiểm soát, kiềm chế tăng giá và để kéo giá trở lại. Vấn đề quan trọng là cần thực hiện các giải pháp quản lý giá ở khâu nào để mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát giá?

Không thể cố gắng giữ giá hay kéo giá xuống một cách duy ý chí, thiếu tính toán khoa học (Ảnh:baodatviet)

Không thể cố gắng giữ giá hay kéo giá xuống một cách duy ý chí, thiếu tính toán khoa học (Ảnh:baodatviet)

Trong điều kiện giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao (và kéo theo giá vàng ở trong nước tăng lên và khi quy đổi ra tiền Đồng thì có phần tăng hơn giá thế giới), giá USD ở thị trường trong nước tăng và đương nhiên kèm đó là tiền Đồng giảm giá thì hàng hóa nhập khẩu (bằng USD hoặc các ngoại tệ khác) đương nhiên đắt lên, bởi giá ngoại tệ tăng thì giá nhập khẩu cũng tăng.

Hàng hóa nhập khẩu với mức giá cao hơn, mang về bán ở thị trường trong nước cũng phải tăng giá (ít nhất là tăng tương ứng mức tăng khách quan kia). Và như vậy, hàng nhập khẩu “tự nhiên” được xác lập một mức giá bán mới ở thị trường trong nước – cao hơn trước.

Trong điều kiện ấy, hàng loạt các loại hàng hóa sản xuất trong nước sẽ ra sao? Thực tế, mọi hàng hóa đều liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với giá ngoại tệ hay giá vàng. Lúa gạo, tôm cá, mía, cà phê, vải vóc, quần áo, giày dép, đồ nhựa, gạch ngói, xi măng, bát đĩa, nồi niêu… đều có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với mặt bằng giá chung.

Giá vàng và ngoại tệ tăng, (cho dù là tăng vô lý, tăng do tâm lý) thì đương nhiên giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất cũng tăng. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, bông sợi, nguyên liệu nhựa, clinke và trăm ngàn nguyên liệu khác đều phải nhập khẩu bằng ngoại tệ. Cùng đó là ở trong nước, vốn vay khó hơn, lãi suất ngân hàng tăng thêm, công lao động tăng thêm… Trong điều kiện ấy, hàng hóa sản xuất trong nước khó giữ nguyên giá bán như trước đây.

Những ngày này, một số thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng kèm theo lời bình là “tin vui” đối với người sản xuất. Ví như các tin giá mía tăng cao nên người trồng mía thu lãi lớn, hay giá tôm tăng mạnh nên người nuôi tôm đang vui... Thực tế, mía nguyên liệu cung cấp cho ép đường hay tôm cho chế biến thủy sản đang bán được với giá cao hơn trước thật, nhưng mức lãi và niềm vui mà người trồng mía và nuôi tôm có thật sự như thông tin đưa ra hay không?

Đồng ý rằng, giá bán này cao hơn so với vụ trước, nhưng với thị trường hiện nay, khi chi phí về nguyên liệu đầu vào của sản xuất và chi phí của đời sống đã tăng, mặt bằng giá mới cao hơn đã được xác lập thì lợi nhuận tuyệt đối sẽ không phải như được tính toán thế. Hãy làm sao để thu nhập của người sản xuất tăng thêm để tương xứng với công sức của họ.

Trở lại vấn đề tăng giá hàng hóa. Giá thành sản xuất tăng lên, tất nhiên giá bán hàng của người sản xuất phải tăng thêm. Đó là khách quan. Bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất đều muốn đầu ra của sản xuất thuận lợi, hanh thông, đều muốn tiêu thụ được hàng để quay vòng vốn, để tái sản xuất. Trong điều kiện khắt khe của thị trường hiện nay, mục tiêu giữ được khách hàng ổn định bền vững là mục tiêu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vậy kiểm soát giá cần tập trung vào khâu nào trong quá trình từ sản xuất đến lưu thông? Bộ Công Thương thừa nhận “tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào nhưng về đến chợ thì giá lại leo lên”. Có nghĩa là cần tập trung vào khâu lưu thông.

Tuy nhiên, cũng không nên kết luận kiểu “giới kinh doanh đang mượn cớ vàng, USD biến động để điều chỉnh giá bán”. Trong điều kiện hiện nay, cần phải chấp nhận việc tăng giá khách quan. Cùng với sự chấp nhận ấy là việc phải kiểm soát giá một cách hợp lý ở khâu lưu thông sau khi tính đến yếu tố giá bán hàng hóa tăng lên do giá thành và chi phí thực sự tăng lên. Không thể cố gắng giữ giá hay kéo giá xuống một cách duy ý chí, thiếu tính toán khoa học.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thành lập các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai và niêm yết giá, phải xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Thực tế lâu nay, có nhiều quy định tương tự đã được ban hành nhưng thật khó thực hiện và ít mang lại hiệu quả. Lần này, trong nhiệm vụ quản lý giá để kiềm chế lạm phát như mục tiêu đặt ra, cần phải triển khai các giải pháp một cách cụ thể và rất kiên quyết./.

Theo Vovnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast