Kỳ 2: Mối lo từ thực tế

Sau CPH, hầu hết các DN đều cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho NLĐ; nhiều DN đã chủ động khai thác tốt các lĩnh vực hoạt động khác để hỗ trợ cho ngành nghề chính. Tuy nhiên, trong quá trình làm quen với hình thức sản xuất mới này cũng bộc lộ nhiều hạn chế đáng lo ngại...

Doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề sau cổ phần hóa

Kỳ I: Mảng sáng - Gam màu chủ đạo

“Công tác quản lý nhà nước đối với các DN sau CPH chưa rõ ràng, còn thiếu các quy định cụ thể, phân cấp cho cơ quan nào quản lí trực tiếp và cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp chung. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Trách nhiệm của một số sở, ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực chưa cao, chưa thực sự tạo điều kiện để các DN hoạt động SXKD. Quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai chưa được các ngành chức năng và địa phương quan tâm đúng mức nên việc nắm bắt, kiến nghị xử lý vi phạm sử dụng đất của các DN chưa kịp thời, đầy đủ. Có nơi còn xảy ra tình trạng DN hết thời hạn thuê đất, làm thủ tục trả đất nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm giải quyết kịp thời thủ tục thu hồi và bàn giao đất. Có DN đã được giao đất, cho thuê đất nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong việc huy động vốn của DN. Đến nay, còn một số DN chưa làm thủ tục chuyển đổi hình thức thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sau CPH...”, ông Nguyễn Trí Lạc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát về công tác CPH, khẳng định.

Lương và thu nhập bình quân của công nhân sau CPH còn thấp
Lương và thu nhập bình quân của công nhân sau CPH còn thấp

Mối lo dễ nhận thấy khác là, tốc độ CPH chậm, việc xác định giá trị DN tài sản, đất đai (tài chính, thương hiệu, công nghệ…) vẫn còn nhiều bất cập; việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược gặp nhiều khó khăn; mô hình DN sau CPH tại Hà Tĩnh đa số có quy mô nhỏ, vốn ít, chủ yếu kinh doanh bằng vốn vay, vốn NLĐ trong cơ cấu vốn điều lệ chiếm tỷ lệ thấp. Trong thực hiện quy trình tăng vốn điều lệ, một số DN chưa đảm bảo theo quy định của luật, thực chất việc tăng vốn là để tăng quy mô (giá trị) chứ không phải do nhu cầu tăng vốn điều lệ thực sự của DN. Cá biệt có DN tăng vốn điều lệ quá lớn trong khi vốn thực tế huy động quá ít mà không có lộ trình, phương án tăng vốn làm cho vốn điều lệ trở thành hình thức như Công ty Tư vấn và Xây dựng, vốn điều lệ 45 tỷ đồng trong khi vốn cổ đông thực góp chỉ được 1,4 tỷ đồng. “Tại nhiều DN, phương pháp, tư duy quản lý, lề lối làm việc vẫn còn mang tư tưởng bao cấp, thụ động, điều hành theo kiểu gia đình... không khác trước CPH”, một giám đốc công ty CP sản xuất VLXD, thừa nhận.

Nhân sự sau CPH thay đổi nhiều lần nên công tác điều hành sản xuất thiếu tính liên tục, không nhất quán... vẫn xẩy ra tại nhiều đơn vị... Một số DN kinh doanh thua lỗ, thậm chí số lỗ cao hơn vốn chủ sở hữu. Đến nay, tổng nợ thuế của các DN CPH là 2.492 triệu đồng, trong đó có những đơn vị nợ lớn như: Công ty CP Xây dựng cầu đường 971 triệu đồng, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 1.020 triệu đồng… Cá biệt, có DN không bảo toàn được vốn, SXKD thua lỗ dẫn đến phá sản như Công ty CP Xây dựng thủy lợi II.

Trong nhiều công ty cổ phần, NLĐ (cổ đông), do thiếu hiểu biết pháp luật nên quyền làm chủ chưa được phát huy. Việc tuyên truyền pháp luật lao động đến người sử dụng lao động và NLĐ chưa được DN chấp hành tốt; lương và thu nhập bình quân còn thấp; các chế độ chính sách chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến kí kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng nội quy lao động, không thực hiện thanh toán chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động; cá biệt, có đơn vị chuyển nhượng lại nhiều chủ sở hữu, gây tâm lý lo lắng dẫn đến người lao động không gắn bó, chuyển sang doanh nghiệp khác như: Công ty CP Xây dựng và Đầu tư, Công ty CP Vận tải ô tô, Công ty CP Du lịch, Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 1, Công ty CP Thương mại. Nhiều DN không thực hiện trích quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ Tài chính... là những vệt tối trên bức tranh CPH.

Còn nữa, việc sử dụng đất sai mục đích, trái thẩm quyền, không hiệu quả; chuyển nhượng cổ phần ưu đãi của NLĐ trái với quy định của pháp luật khiến cho mục tiêu gắn bó NLĐ với DN không đạt được kết quả như mong đợi, dễ dẫn đến việc thao túng trong điều hành, quản lý DN. Giá trị đất đai do chưa đánh giá đúng khi CPH, nay trở thành lợi thế lớn trong kinh doanh của DN còn Nhà nước bị thua thiệt, tuy nhiên, phần lợi thế này chỉ tập trung vào một bộ phận những người quản lý, điều hành DN còn NLĐ không được hưởng...

Trước tình hình trên, Đoàn Giám sát hoạt động của các DN sau CPH đã có những kiến nghị cụ thể một số nội dung đối với: Chính phủ, bộ, ngành T.Ư; HĐND tỉnh; UBND tỉnh; Ban đổi mới DN tỉnh; các DN về chính sách ưu tiên, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi... cho DN trong hoạt động SXKD, đảm bảo chế độ cho NLĐ...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast