Kỳ Anh phòng, chống dịch tai xanh

Với 60km nằm trên tuyến đường huyết mạch QL 1A, Kỳ Anh trở thành một trong những vị trí chiến lược trong chiến dịch phòng, chống tai xanh của tỉnh. Khi tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp đã đặt ra cho vùng đất thuộc điểm mút cực Nam này nhiều vấn đề đáng quan tâm…

Có nhiều nguyên nhân khiến Kỳ Anh trở thành địa bàn “nóng” của dịch tai xanh ở lợn. Các dự án tại khu kinh tế Vũng Áng thu hút một số lượng đông người đến sinh sống và làm việc đã tạo ra thị trường tiêu thụ lớn, trong đó có thực phẩm từ thịt lợn. Để đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều tể lô trong vùng đã nhập lợn với giá rẻ từ vùng dịch về bán kiếm lời, khiến cho thị trường thịt lợn đang có chiều hướng trở nên sôi động. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát việc mua bán, vận chuyển thịt lợn trên địa bàn hiện vẫn là một bài toán khó khi Kỳ Anh có đường biên giao lưu với tỉnh Quảng Bình khá rộng cả về phía Nam và phía Tây. Địa bàn rộng, lực lượng chức năng lại quá mỏng, do đó, bằng nhiều hình thức và phương tiện, lợn từ vùng ngoài vẫn tràn vào địa phương một cách khó khống chế.

Dich tai xanh có nhiều nguy cơ bùng phát ở huyện Kỳ Anh
Dich tai xanh có nhiều nguy cơ bùng phát ở huyện Kỳ Anh

Hiện nay, trên tuyến đường QL 1A đi qua địa bàn huyện đã được BCĐ phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm tỉnh đặt chốt kiểm tra tại xã Kỳ Nam. Cùng với điểm ở Gia Lách (Nghi Xuân) thì đây là vị trí chiến lược số 1 trong việc kiểm soát và ngăn chặn tối sự tấn công của dịch tai xanh thông qua con đường vận chuyển vào tỉnh ta. Điều đáng nói, một hiện trạng đã từng xảy ra ở những đợt dịch trước, xe vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên tuyến đường này vẫn đổ hàng xuống địa phận bằng cách lợi dụng sơ hở của các ngành chức năng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Khắc Dạ- Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, giấy thông hành của các phương tiện chuyên chở gia súc (chủ yếu là lợn) thường ghi điểm đến vào vùng trong (thường là TP Huế) nên không thể ngăn chặn việc lưu thông. Mặt khác, do đã có “móc ngoéo” với một số tế lô trong vùng nên ngay khi có điều kiện chúng sẽ đổ hàng trước khi đến điểm kiểm dịch thứ hai ở xã Kỳ Nam. Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng tôi trong thời điểm này là thắt chặt công tác quản lý mua bán, vận chuyển, giết mổ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trên địa bàn”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Anh, ngoài điểm chốt kiểm dịch Kỳ Nam, BCĐ phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm huyện đã bố trí thêm điểm chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Kỳ Sơn, nhằm chặn dòng xe từ Quảng Bình qua QL 12 tràn vào địa phận xã. Đồng thời, huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm. Khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi hoặc được cấp báo , đoàn sẽ trực tiếp kiểm tra và lập biên bản cho tiêu huỷ ngay nếu gia súc có dấu hiệu dương tính với dịch bệnh. Đối với hoạt động mua bán, giết mổ và vận chuyển lợn tại địa phương, huyện giao trạm thú y kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và cung ứng đầy đủ số thuốc vắc xin, thuốc thú y phục vụ cho công tác chống dịch. Theo đó, chủ buôn bán và chủ phương tiện vận chuyển lợn trên địa bàn phải chấp hành báo cáo với chính quyền và cơ quan thú y trước khi đưa lợn và sản phẩm từ lợn vào địa phương. Tất cả số lợn được lưu hành đều phải có phiếu đăng ký kiểm dịch và giấy tờ ghi rõ xuất xứ- điểm đến của nguồn hàng. Được biết, đến thời điểm này, một số chủ phương tiện vận chuyển lợn trên địa bàn huyện đã tạm thời dừng hoạt động kinh doanh, không đưa lợn từ vùng ngoài về bán tại huyện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Dẫu vậy, thêm một dấu hiệu lơ là, chủ quan đáng lo ngại tại huyện Kỳ Anh trước sự đe doạ của dịch bệnh, đó là tỷ lệ tiêm phòng của toàn huyện trong đợt I đạt quá thấp. Điều đáng nói, phần lớn các địa phương chỉ chú trọng tiêm phòng trâu, bò và gia cầm trong khi đàn lợn có những nơi không có một con nào được tiêm dù chỉ tiêu giao lên đến hàng trăm con. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dịch ở lợn chỉ đạt 26% kế hoạch. Trong đó, một số xã có tỷ lệ tiêm phòng ở dưới mức đạt yêu cầu như: Kỳ Châu, Kỳ Long, Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Lợi...

Cũng theo ông Phạm Khắc Dạ, xuất phát từ nhận thức của người dân còn nặng tư tưởng nuôi mỗi lứa lợn chỉ trong vòng thời gian 3 tháng là cho xuất chuồng. Bởi vậy, việc tiêm phòng cho lợn được xem là không cần thiết! Trước tình hình đó, BCĐ huyện đã có công văn phê bình một số xã chấp hành không nghiêm trong đợt tiêm vắc xin đợt I. Kết hợp theo đó là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, giúp họ có tinh thần tự giác chấp hành nghiêm túc mọi quy định, tuyệt đối không mua lợn hay sản phẩm từ lợn từ nơi khác về mà không có dấu kiểm dịch. Bên cạnh đó, huyện đã có chính sách hỗ trợ 25 nghìn đồng /kg lợn và 23 nghìn đồng/ con gà, vịt đối với diện đã tiêm phòng, nhằm thúc đẩy công tác tiêm phòng trên gia súc, gia cầm tại các địa phương. Thông qua đó, mỗi người dân là một điểm chốt quan trọng trong việc phát hiện và kiểm soát sự tấn công của dịch bệnh, trước mắt là bệnh tai xanh.

Mới đây, Phòng cảnh sát môi trường và cơ quan Thú y tiếp tục bắt giữ thêm 1 xe ô tô vận chuyển lợn con không có giấy kiểm dịch trên đường đi tiêu thụ từ TP Vinh vào bán tại Kỳ Anh, chứng tỏ nguy cơ về bùng phát dịch bệnh luôn có cơ hội để bùng phát. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm tại vùng “nhạy cảm” Kỳ Anh càng trở nên quan trọng, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh từ vùng ngoài tràn vào thông qua các đầu mối giao thông, bảo vệ an toàn tài sản và sức khoẻ cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast