Làm gì để khôi phục làng nghề truyền thống ?

Trước xu thế hội nhập sâu rộng với các ngành nghề hiện đại khác thì lực lượng lao động ở vùng nông thôn nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Thực tế là nhiều làng nghề ở Hà Tĩnh không thể trụ vững và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Từ trong vốn cổ

Làng nghề truyền thống ở Hà Tĩnh có lịch sử hàng trăm năm. Đến nay, những làng nghề ấy vẫn tồn tại, thâm chí có một số làng nghề phát triển thịnh vượng. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, các nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hoá địa phương mà không nơi nào có được như: nghề nồi đất Cổ Đạm (Nghi Xuân), làng mộc Thái Yên, làng rèn Vân Chàng (Đức Thọ), làng rèn Minh Lương (TX Hồng Lĩnh), làng gốm Cẩm Trang (Vũ Quang), làng thợ bạc Nam Trị (Thạch Hà), làng nước mắm Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), làng áo tơi Yên Lạc (Can Lộc).

Phát triển làng nghề truyền thống sẽ tạo thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
Phát triển làng nghề truyền thống sẽ tạo thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Tuy nhiên, qua những thăng trầm khiến nhiều làng nghề ở Hà Tĩnh không thể trụ vững và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Kinh tế làng nghề trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn mang nét cục bộ, được duy trì thông qua việc nối truyền của các thế hệ, dựa trên đúc rút kinh nghiệm là chủ yếu. Thêm vào đó, sản phẩm của những làng nghề chưa thể vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Tính chất khép kín ấy đã kìm hãm sự phát triển của làng nghề trong thời đại công nghệ và hội nhập như hiện nay. Vậy nên, chủ trương khôi phục làng nghề ngoài mục đích tạo việc làm còn có ý nghĩa phục hồi, duy trì những giá trị văn hoá truyền thống trong lao động sản xuất.

Trước xu thế hội nhập với các ngành nghề khác thì lực lượng lao động ở vùng nông thôn nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng ở Hà Tĩnh đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Thiếu việc làm, lao động nông thôn phải tìm kiếm việc làm mới ở các đô thị. Thực trạng này sẽ tạo ra những áp lực đáng kể về sức tăng dân số cơ học và việc làm ở các đô thị, đặc biệt là lao động trẻ khi thiếu việc làm sẽ dẫn đến những tai tệ nạn, là “gánh nặng” cho gia đình và xã hội.

Làng nghề truyền thống bị mất hoặc mai một thì những lợi ích kéo theo của nó như: du lịch văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế, tạo việc làm, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống, giáo dục văn hóa truyền thống…cho thế hệ sau trở thành điều cần phải quan tâm suy nghĩ. Phát triển, khôi phục làng nghề truyền thống, được xem là biện pháp ổn định lâu dài để giải quyết công ăn việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp - nông thôn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Theo kết quả điều tra của Ban quản lý Dự án “Xây dựng mô hình phát triển làng nghề truyền thống” của Hội Liên hiệp Khoa học – Kỹ thuật Hà Tĩnh, hiện nay, các làng nghề truyền thống ở địa phương vẫn được duy trì, nhưng lượng người tham gia ngày càng ít. Số hộ chuyên làm nghề chỉ chiếm 30%, còn lại vừa làm nghề thủ công, vừa làm nông nghiệp. Sản phẩm làm ra chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chưa được đầu tư phương tiện kỹ thuật, sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, phân tán. Người thợ làm nghề có kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống, nhưng chưa được tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ, thiếu các thông tin về thị trường nên sản phẩm làm ra chất lượng thấp, mẫu mã chưa đẹp, khó tiêu thụ.

Hướng đi nào cho làng nghề truyền thống?

Để khôi phục có hiệu quả những làng nghề truyền thống, thiết nghĩ cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: khẩn trương rà soát, khảo sát xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề nông thôn nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề, ngành nghề nông thôn phù hợp nhằm khai thác, phát huy những ngành nghề lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề của các huyện, thị xã, thành phố để có định hướng đầu tư phát triển hiệu quả.

Thiếu việc làm buộc lao động ở các làng nghề truyền thống phải tìm kiếm việc làm mới ở các đô thị
Thiếu việc làm buộc lao động ở các làng nghề truyền thống phải tìm kiếm việc làm mới ở các đô thị

Muốn phục hồi và duy trì phát triển bền vững của các làng nghề thì vấn đề quan trọng nhất là nguồn kinh phí. Do đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách để phát triển các ngành nghề nông thôn; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề hiện có theo hướng đồng bộ, đồng thời chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; gắn công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng với việc ban hành và thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư…

Cùng đó, cần chú trọng việc hỗ trợ chính sách phát triển thị trường, hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn; xây dựng chính sách kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để thu hút lao động địa phương; ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông, lâm, ngư nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp phát triển làng nghề truyền thống, tỉnh cần khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề kỹ thuật cao như: sửa chữa cơ khí, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, sản xuất linh kiện, phụ kiện, lắp ráp, gia công thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông... để thu hút thêm nguồn lao động có tay nghề, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong phát triển ngành nghề ở nông thôn.

Cuối cùng cần gắn chặt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội ở vùng nông thôn.

Sự lớn mạnh của làng nghề kéo theo sự phát triển các loại dịch vụ liên quan khác sẽ làm thay đổi diện mạo của một vùng quê, góp phần tích cực trong việc tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, từ đó đẩy nhanh công cuộc xây dựng thôn mới ở Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast