Mặn xâm nhập, điện phập phù, đồng khô hạn...

"Cơn mưa vàng" vào đầu tháng 6 vừa qua đã bổ sung một lượng nước đáng kể cho các hồ, đập, sông suối nhưng chỉ chừng đó thôi vẫn không đủ để cứu vãn hàng ngàn ha lúa hè thu trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài như hiện nay. Các cống ngăn mặn giữ ngọt luôn được đóng chặt vì nồng độ mặn luôn gấp vài ba lần giới hạn cho phép, cộng với tình trạng cắt điện thường xuyên đang làm nhiều diện tích cây trồng chết khô...

Hơn một tuần nay, cứ vài tiếng đồng hồ, chị Đinh Thị Hà - Công nhân kỹ thuật Trạm bơm 1 Nghi Xuân (thuộc Công ty KTCTTL Hồng Lam) - lại cần mẫn xách máy đo nồng độ mặn của nước và cuốn sổ ghi chép đã úa màu ra cửa sông La đoạn qua xã Xuân Lam để làm thí nghiệm mẫu nước. Một công việc không mấy vất vả nhưng lại rất nhàm chán, nhất là khi hầu hết các kết quả thu về đều không như mong đợi.

Cán bộ, công nhân Công ty KTCTTL Hồng Lam đo độ mặn tại Trạm bơm 1 Nghi Xuân
Cán bộ, công nhân Công ty KTCTTL Hồng Lam đo độ mặn tại Trạm bơm 1 Nghi Xuân

Theo quan sát của chị Hà, kể từ ngày 10 - 6 đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập cửa sông tại Trạm bơm 1 Nghi Xuân với nồng độ thấp nhất là 2,08%o, cao nhất là 3,8%o, còn trung bình thì dao động trong khoảng từ 2,5 - 2,7%o (cao gấp 2 lần so với khuyến cáo của Bộ NN&PTNT: chỉ bơm tưới khi nồng độ mặn ở mức dưới 1,28%o).

Ông Cao Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty KTCTTL Hồng Lam cho biết, Trạm bơm 1 Nghi Xuân có tổng công suất 40 ngàn m3/h (gồm 5 máy, mỗi máy có công suất 8 ngàn m3/h), làm nhiệm vụ cấp nước tưới cho 254 ha thuộc hai xã Xuân Lam và Xuân Hồng. Trước tình trạng mực nước sông La xuống thấp, nước mặn từ cửa biển ùa về đã làm cho việc thiếu nước ngọt diễn ra nghiêm trọng. Bởi thế, Trạm bơm 1 Nghi Xuân đã phải treo máy liên tục từ hơn 10 ngày nay trong khi hàng trăm ha lúa hè thu thuộc các xã Xuân Lam, Xuân Hồng đang lịm dần vì khô héo.

Nằm sát bên hệ thống kênh chính của Trạm bơm 1 Nghi Xuân nhưng hàng chục ha lúa thuộc xứ Đồng Mốt (xóm 4), Đồng Lăm (xóm 5) của xã Xuân Lam đã héo khô từ nhiều ngày nay.

Hàng chục héc-ta lúa hè thu của xã Xuân Lam (Nghi Xuân) đang chết dần vì thiếu nước tưới
Hàng chục héc-ta lúa hè thu của xã Xuân Lam (Nghi Xuân) đang chết dần vì thiếu nước tưới

Ông Phạm Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam thống kê được: toàn xã đã có từ 30 - 40 ha lúa hè thu chết hẳn, hàng chục ha khác cũng đang chết dần chết mòn trong vài ba ngày tới.

Theo ông Đại, vụ hè thu này, toàn xã gieo cấy 160 ha lúa, trong đó, diện tích gieo thẳng chiếm 30%. Trong số diện tích đã chết hẳn vì khô cháy thì chủ yếu đang rơi vào số gieo thẳng (do cây gieo bao giờ cũng yếu hơn so với cây được bắc mạ cấy). Trước tình hình khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập không thể bơm được như hiện nay thì số diện tích cấy cũng không thể kháng cự nổi. Đó là chưa kể, thời gian qua, dịch sâu cuốn lá nhỏ đã "gọt" trụi lá trên nhiều cánh đồng trong khi người dân chỉ biết bất lực đứng nhìn mà không thể phun thuốc bảo vệ thực vật được vì ruộng khô quá.

"Xuân Lam là vùng hè thu chạy lụt. Chúng tôi đã cố gắng làm sớm so với thời vụ nhưng giờ chỉ như "dã tràng xe cát". Dưới sông mặn, trên trời khô (trên dãy núi Ngàn Hống), chính quyền và nhân dân chỉ còn cách ngửa cổ chờ trời" - Phó Chủ tịch xã Xuân Lam ngao ngán lắc đầu.

Không chỉ uy hiếp phía hạ nguồn sông La mà nước mặn còn xâm nhập lên tận cống Trung Lương.

Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Công ty KTCTTL Linh Cảm thì hiện tượng nước biển dâng lên khu vực cống Trung Lương đã xuất hiện từ đầu vụ hè thu đến nay.

Sau đợt mưa đầu tháng 6 được một tuần thì nồng độ bắt đầu nhích dần lên hàng ngày, đặc biệt, từ trung tuần tháng 6 đến nay, độ mặn dao động trong khoảng 2,2 - 2,9%o.

Tình thế đó buộc cống Trung Lương phải đóng cửa từ nhiều ngày qua. Dẫu vậy, cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn luôn phải trực chiến để quan sát nước ròng nhằm tranh thủ mở cống lấy nước dù biết khoảng thời gian đó thường khá ngắn ngủi (trung bình mỗi ngày may lắm cũng chỉ mở được vài ba giờ đồng hồ là phải đóng cống lại).

May thay, nước biển chỉ leo đến cống Trung Lương chứ chưa một lần đặt chân đến cống Đức Xá. Nhờ đó, khi Trung Lương đóng thì đã có Đức Xá mở nên không ảnh hưởng lớn đến việc phục vụ sản xuất hè thu, nhất là phía thượng nguồn đã có Trạm bơm Linh Cảm gánh vác. Nhưng, hạn hán kéo dài cũng đang đặt trạm bơm Linh Cảm trước nhiều thách thức, đó là nước sông La đang ở thời kỳ kiệt nhất (-1,3m) còn vấn đề điện thì dù điện lực đồng ý cấp đủ nhưng cũng lại yêu cầu Công ty phải giảm máy bơm để tránh sập lưới.

Nếu như vùng các trạm bơm lớn đã giải quyết được nguồn điện thì các vùng thuộc trạm bơm nhỏ lại đang đau đầu với tình trạng cắt điện thường xuyên.

Anh Nguyễn Văn Duy - Phó Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết, toàn huyện hiện có 1.700 ha bị khô hạn, trong đó có 1.000 ha bị hạn nặng, tập trung ở các vùng cuối kênh Kẻ Gỗ, vùng cuối các trạm bơm điện. Ngoài nguyên nhân thời tiết, dẫn đến hạn còn do nguồn điện bị cắt liên tục đã làm gián đoạn quá trình bơm nên gây ra khó khăn trong việc điều tiết, vận hành và phục vụ nước tưới.

Nhằm kịp thời cứu lúa, huyện Thạch Hà đã họp bổ cứu với ngành điện, Công ty Thủy nông Kẽ Gỗ để bàn thống nhất các phương án đảm bảo ưu tiên điện phục vụ sản xuất; điều tiết nước hợp lý trên các tuyến kênh Kẽ Gỗ để ép nước cho các xã, cuối kênh. Ngoài ra, Thạch Hà cũng chỉ đạo các địa phương tiến hành nạo vét kênh mương, hỗ trợ nhân dân huy động mọi phương tiện chống hạn như: máy bơm dầu, bơm cá nhân, gàu tát tay...

Kỹ sư Trần Đức Chiến - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết thêm, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 10.394 ha bị khô hạn, trong đó 3.760 ha bị hạn nặng. Cụ thể: Thạch Hà có 1.700 ha bị khô hạn, 1.000 ha bị hạn nặng (tập trung vùng Bắc Thạch Hà); Can Lộc 2.095 ha bị khô hạn (tập trung vùng Xuân Lôc, Thanh Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc, Kim Lộc); Cẩm Xuyên 2.500 ha khô hạn, 350 ha hạn nặng (tập trung vùng Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Huy); Hương Sơn 764 ha; Hương Khê 380 ha (tập trung vùng Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh); Lộc Hà 350 ha...

Do nắng nóng gay gắt kéo dài, cộng với giò Lào thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh nên đa phần các hồ, đập nhỏ đều thiếu hụt nguồn, nhiều công trình đã ở mực nước chết. Cùng với thiếu nước là thiếu điện để bơm tạo nguồn. Kỹ sư Chiến lấy ví dụ, nước sông Nghèn hiện chưa phải ở mức thấp nhưng một số xã nằm trong vùng lấy nước này như: Quang Lộc, Xuân Lộc lại đang thiếu nước vì không có điện để bơm liên tục.

Giải quyết vấn đề này ra sao? Thiếu nước là bất khả kháng nhưng thiếu nước vì thiếu điện thì oan ức quá! Vẫn biết ngành điện có nỗi khổ riêng nhưng quyền lợi chính đáng của người dân, nhất là khi họ cũng chỉ vì hạt lúa, củ khoai nhằm đảm bảo an ninh lương thực mà phải chịu thiệt thòi thì quá vô lý!?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast