Màu xanh trên miền nước bạc

Hơn nửa năm, sau trận lũ hủy diệt lịch sử tháng 10 năm 2010, chúng tôi trở lại xã Phương Mỹ, rốn lũ của huyện Hương Khê. Trên con đường bê tông liên xã phẳng lì, lọt thỏm giữa bốn bề màu xanh của ngô, lúa và cây ăn quả xa hút tầm mắt, thật khó có thể nhận ra, nơi đây từng mênh mông một vùng nước bạc với sự tàn phá khủng khiếp của lũ dữ.

Màu xanh đã hồi sinh trên vùng đất lũ
Màu xanh đã hồi sinh trên vùng đất lũ

Trong căn phòng làm việc tầng hai còn loang lỗ dấu nước ngang lưng chừng tường, Bí thư Đảng ủy xã Trần Hồng Lam bộc bạch: “Đối với người dân Phương Mỹ, chuyện lũ lụt chỉ là “chuyện thường ngày của xã” bởi có trận lũ nào mà bà con không phải đương đầu đâu! Nhưng trận lũ kép “Tháng 10” thì quả là điều chưa từng thấy”.

Trong khó khăn hoạn nạn, người dân Phương Mỹ vẫn vững vàng vươn lên với một sức vươn mãnh liệt; bên cạnh đó là sự chung tay góp sức bằng cả những trái tim thương yêu, chia sẻ của cả cộng đồng, đã dệt nên một thiên cổ tích giữa đời thường về tình cảm và lương tri của nhân loại cũng như sức sống tiềm tàng của con người nơi rốn lũ.

Cũng như nhiều địa phương khác, trong và sau lũ, cùng với sự có mặt kịp thời, sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, có hàng trăm đoàn cứu trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến với đồng bào, với hàng vạn thùng mỳ tôm, nước sạch, hàng chục tấn gạo, hàng ngàn bộ quần áo, gần 5 tỷ đồng tiền mặt…

Khi cơn lũ đi qua, Phương Mỹ hầu như phải làm lại từ đầu trên ngổn ngang đổ nát. Hệ thống cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề, sản xuất nông nghiệp gần như trở về số không. Vấn đề khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân được Đảng ủy và chính quyền xã đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Cùng với huy động mọi lực lượng ứng cứu, khắc phục thiệt hại, xử lý môi trường, ngăn chặn dịch bệnh, xã khẩn trương xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức sản xuất. Đặc biệt xã thành lập ban chỉ đạo trực tiếp bám sát chỉ đạo sản xuất đến tận từng địa phương với quyết tâm cao nhất là dành được những vụ mùa bội thu để bù lại những gì đã mất.

Triển khai sản xuất trong điều kiện thiếu thốn từ nhiều phía, đặc biệt nan giải nhất là nguồn giống. Cùng với sự hỗ trợ về nguồn giống của tỉnh và huyện, xã tranh thủ tất cả các nguồn tài trợ khác để đảm bảo giống cho bà con, với quan điểm chỉ đạo là cơ cấu các loại giống ngô, lúa và lạc ngắn ngày để sản xuất kịp lịch thời vụ; tận dụng triệt để quỹ đất, luân chuyển một số diện tích đất để bố trí các loại cây rau màu hàng hóa.

Là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng cũng là một trong những vụ, Phương Mỹ cơ cấu được 100% diện tích canh tác. Đất không phụ công người, từ sự trống trơ, hoang tàn, những mầm non bắt đầu hiện hữu và sinh sôi. Lượng phù sa màu mỡ kết tinh từ nước lũ cũng đã góp phần tô điểm màu xanh mênh mông của ngô, lúa và lạc.

Mặc dù thời tiết đầu năm nay bất thuận, mưa rét kéo dài hàng mấy tháng trời, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nhưng nhờ chủ động các phương án đối phó, các cánh đồng Phương Mỹ vẫn căng tràn sức sống. Những ngày này thời tiết thuận lợi, gần 200 ha lúa của Phương Mỹ đang vào giai đoạn trỗ bông, 160 ha lạc và 70 ha ngô (trà thứ 2 sau lũ) đang chuẩn bị bước vào thu hoạch, dự kiến năng suất các loại cây trồng đều đạt cao hơn nhiều so với những năm trước. Một mùa vàng bội thu đang đến rất gần với người dân Phương Mỹ.

Ở một vùng đất “chưa mưa đã lũ” như Phương Mỹ, bên cạnh nỗi lo thiếu đói cho nhân dân mỗi khi đến mùa mưa lũ, là việc khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Hoàng Quân, mùa lũ năm nay, xã tạm yên tâm so với trước, đó là đã bồi trúc và kiên cố hóa được 3 con đập lớn, góp phần điều tiết nước; nâng cấp nhiều tuyến đường dân sinh; đặc biệt đã huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và sức dân, xây dựng và sửa chữa được hàng chục ngôi nhà dân, trước đây là những đối tượng có nguy cơ cao trong đối phó với bão lũ.

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên từ sự chung tay của cả cộng đồng, không những làm đẹp cho diện mạo của vùng quê nghèo, mà còn có tác dụng trực tiếp trong việc giúp bà con cùng tránh lũ.

Ngôi nhà mơ ước của gia đình anh Nguyễn Đình Cường

Gia đình anh Nguyễn Đình Cường, một hộ giáo dân nghèo từng trắng tay bởi toàn bộ nhà cửa và tài sản bị cuốn trôi theo lũ, được sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng, anh đã xây được ngôi nhà 2 tầng theo mô hình nhà tránh lũ. Anh tâm sự: “Được chính quyền cứu giúp cả nhà thoát nạn, nay lại được giúp đỡ xây được căn nhà như thế này, tôi không biết nói gì để cảm ơn Đảng và Nhà nước. Trong khi nhiều người chưa có nhà tránh lũ, gia đình chúng tôi sẽ coi đây là ngôi nhà chung để mỗi khi ngập lũ, bà con lân cận được kịp thời có chỗ tránh lũ an toàn”.

Một mùa mưa bão mới đang cận kề, người dân Phương Mỹ đang chuẩn bị bước vào một trận chiến mới. Mặc dù đã sẵn sàng các phương án đối phó một cách có hiệu quả nhất, nhưng địa phương vẫn chưa thể yên tâm, khi nhiều đoạn sông xung yếu dễ sạt lở và trực tiếp đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân chưa có kinh phí để làm kè chắn; ý tưởng xây dựng các trung tâm vượt lũ trên địa bàn vẫn chưa trở thành hiện thực; dự án cầu Phương Mỹ đang nằm trên giấy…

Hy vọng rằng, những khó khăn này tiếp tục được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời để người dân vùng lũ Phương Mỹ có thể sống chung với lũ, giảm bớt nỗi lo mỗi khi lũ về.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast