Mô hình tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt đạt hiệu quả cao

Vụ thu đông 2010, Trung tâm KN - KN Hà Tĩnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân và xã Xuân Phổ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất có lót bạt tại một hộ dân. Sau gần 3 tháng thực hiện, mô hình khẳng định hiệu quả kinh tế cao với doanh thu 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Kỳ là hộ dân được chọn để tham gia thực hiện mô hình, với diện tích ao nuôi là 5.500m2, lượng giống thả là 660 ngàn con tôm thẻ chân trắng (mật độ 150 con/m2). Sau gần 3 tháng, tỷ lệ tôm nuôi sống đạt 85%, hiệu quả kinh tế đạt 120 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm trong ao đất lót bạt mở ra hướng sản xuất mới cho người dân vùng bãi ngang, ven biển
Mô hình nuôi tôm trong ao đất lót bạt mở ra hướng sản xuất mới cho người dân vùng bãi ngang, ven biển

"Nuôi tôm theo phương pháp lót bạt đã cho hiệu quả cao do môi trường nuôi không bị chi phối bởi nguồn nước từ trong đất khi trời mưa to, ít ô nhiễm môi trường. Sau 85 ngày đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tấn; cỡ tôm đạt 93 con/kg, tăng so với nuôi ao đất từ 10 - 12%. Với giá bán trên 60 ngàn/kg, gia đình thu được 378 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi trên 120 triệu đồng" - ông Kỳ phấn khởi chia vui.

Chủ hộ này còn cho biết thêm, mặc dù thời gian triển khai mô hình gặp điều kiện thời tiết bất thuận, nhất là cơn bão số 3 đã làm ảnh hưởng đến môi trường các hồ nuôi xung quanh nhưng gia đình ông vẫn không bị tác động lớn nhờ áp dụng phương pháp lót bạt này. Hơn thế, quá trình sử dụng ao lót bạt giảm được tiền mua hóa chất, khánh sinh nhưng tôm vẫn phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình đã giảm chi phí để tăng hiệu quả kinh tế.

Kỹ sư Thái Hoàng Dương - Trung tâm KN - KN Hà Tĩnh cho biết: Nuôi tôm trong ao được lót bạt đã hạn chế sự thẩm thấu của môi trường nước với các hồ liền kế, tạo ra sản phẩm sạch bệnh. Nuôi tôm trong ao đất phủ bạt có thể nâng mật độ thả con giống lên 150 con/m2 (thông thường chỉ từ 80 - 85con/m2) nên hiệu quả kinh tế vì thế mà cao hơn.

Để nhân rộng mô hình này, thiết nghĩ, cần có sự phối hợp từ các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho người dân vay vốn ưu đãi để họ phát triển sản xuất. Mô hình nuôi tôm theo phương pháp mới này, nếu được áp dụng đại trà ở các địa phương sẽ tạo ra nguồn tôm sạch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast