Mùa nhung hươu Hương Sơn

Rượi huyết hươu uống một chén tiêu tan mệt nhọc, uống hai chén thấy người rưng rưng, uống ba chén thịt da bứt rứt! Chả trách gì, người Hương Sơn trông ai cũng khoẻ mạnh, hồng hào...

Đúng ngày đầu năm dương lịch, chúng tôi về Hương Sơn cắt lộc nhung. Tuy có hẹn trước, nhưng khi vào nhà anh Nguyễn Văn Lai, chủ nuôi hươu kỳ cựu ở thị trấn Phố Châu, chúng tôi phải quay ra vì nhung hươu ở đây còn non, chưa đủ ngày cắt. Anh Lai động viên: “Chẳng lo, đến nhà khác, cả huyện Hương Sơn này đều nuôi hươu, vào nhà nào mà chả có nhung hươu để cắt".

Người dân Hương Sơn nuôi hươu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đến những năm 70, ở đây có hẳn một trại nuôi hươu tập trung đến vài trăm con của Nhà nước ở Sông Con (xã Sơn Quang). Nhung hươu thời đó thu hoạch xong chuyển ra Hà Nội chế biến thành thuốc bổ cao cấp phát cho cán bộ cấp cao. Thịnh vượng nhất là vào đầu những năm 90, khi đó giá mỗi con hươu cái ba tháng tuổi khoảng 50-60 triệu đồng (tương đương với giá 10 lượng vàng vào thời điểm đó).

Nhung hươu là một trong bốn loại thuốc bổ quý (sâm, nhung, quế, phụ) có tác dụng bổ dương, thận, tuỷ; ích khí huyết sinh tinh, làm mạnh gân xương, điều hoà kinh mạch. Nhung hươu thường sử dụng trong các trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển về trí tuệ, thể lực; đàn ông thiếu tinh trùng, bất lực về sinh lý, mệt mỏi, ù tai, hoa mắt, lạnh tứ chi; đàn bà hiếm muộn do lạnh tử cung, thận suy, đau lưng, tâm nhược, xuất huyết tử cung. Chính vì tác dụng bồi bổ thượng đẳng của nó mà hồi xa xưa nhung hươu là thứ dâng vua chúa, thời nay thì giá nhung khá cao, chỉ có những nhà khá, giàu mới dám mua một vài cặp...

Lúc đó, Hương Sơn có đến sáu, bảy ngàn con hươu. Giá hươu trên trời, người mua như trẩy hội. Những ngôi nhà nghèo ở trong xóm nghèo bỗng coi tiền trăm, tiền triệu như cỏ. Tha hồ vung vinh xây nhà, mua xe, thay đời đổi kiếp. Lúc ấy, hươu là tất cả! Người ốm không ngán bằng hươu ốm!. Khổ nỗi lúc đó, do sự hiểu biết về kỹ thuật nuôi còn kém cỏi, người dân lại chăm chăm bẵm quá kỹ, thi nhau bồi bổ cho hươu nhiều món cao lương, trong lúc là con vật ăn thanh cảnh, chỉ khoái khẩu những món lộc cây có mủ (lá sung, lá mít, lá khoai lang, cỏ voi) nên hươu thường xuyên bị bệnh đường ruột

Trên xe ô tô, chúng tôi được nghe sự chìm nổi con hươu, khi giọng anh Lai chùng xuống: Người nuôi hươu Hương Sơn gặp liền một lúc hai cái hạn. Hạn thứ nhất vào cuối năm 90, đang soái ngôi Hoàng đế, đùng một cái, giá hươu rớt thê thảm, giá một con hươu chưa đầy triệu bạc.

Nhiều người dân đang sống chết với hươu bỗng quay ra tức giận với chính nó, họ thi nhau thịt hươu. Nuôi hươu lấy nhung thành hươu thịt. Phiên chợ quê nào cũng có thịt hươu bày bán. Giá thịt hươu lúc đó chỉ đắt hơn thịt bò, lợn một tý. Nhiều nhà không trụ nổi đã phóng sinh hươu vào rừng còn mình thì đi kiếm việc làm thuê ở đất khách quê người; đã không ít nhà rối ren, tan nát vì hươu. Và hạn lần 2 xẩy ra năm 2002, khi Hương Sơn xẩy ra trận lũ quét lịch sử làm nửa đàn hươu trong huyện bị chết.

Nhung hươu đến ngày thu hoạch
Nhung hươu đến ngày thu hoạch

Trong chuồng hươu nhà anh Nguyễn Văn Tình - xóm 1 xã Sơn Diệm đã có Hoan một thợ cắt nhung chuyên nghiệp cùng sáu bảy người người hàng xóm chuẩn bị cho việc cắt nhung. Một anh thợ rút ra cây gậy đầu có cái thòng lọng đặt sát mặt nền nhằm chân sau con vật. Sau vài lần nhẩy tránh, chân con vật đã bị thít chặt. Một cái giật mạnh, nó ngã xuống. Nhanh như sóc, then cửa chuồng bật mở, những người thợ nhẩy vào chuồng. Và trong nháy mắt, Hoan đã ôm cổ con vật và những người khác lần lượt lựa thế túm chặt chân hươu đè xuống. Ba trung niên to khoẻ có kinh nghiệm (trong đó có Hoan), vừa ôm giữ chặt đầu hươu, vừa dùng cưa sắt cắt nhung. Tiếng cưa nhung nghe rin rít như cưa tre dưới nước.

Chỉ một loáng cặp nhung được cắt xong. Từ chỗ cắt sát đầu, huyết tươi phun thành tia được hứng vào một cái chậu nhôm chứa rượu đặt sẵn. Đây là thứ huyết pha rượu dành cho thợ cắt nhung, khách đến mua và gia chủ thưởng thức. Nếu là thượng khách hay ông già, bà lão trong gia đình đau yếu mới có thể được ghé miệng vào chỗ cắt để thưởng thức sự tinh tuý của huyết nhung. Chỗ cắt được dịt lá cây cỏ lào (có nơi gọi là hoàng xà) hoặc cây chó đẻ, sấy khô, tán bột rắc lên, sau đó cũng loại lá này, vò nhỏ rịt bên ngoài rồi dùng vải màn bọc vào và quấn chặt bằng rơm

Anh Thắng đón lấy cặp nhung màu hồng, mới chỉ có một nhánh phụ, bóp thấy mềm mềm, gọi là nhung yên ngựa. Anh Tình giải thích, mỗi cặp nhung đầu mùa nặng trên nửa cân là tốt nhất. Cắt đúng kỳ là nhung từ 43 đến 45 ngày, kể từ lúc nhú; để lâu cân nặng, nhung cứng, không tốt; còn cắt trước 40 ngày thì nhung còn non, cũng không tốt. Nhung hươu trước đây thường để nguyên cặp ngâm rượi; nay để tận dụng hết giá trị, nhung được xay nhuyễn trộn với mật ong rừng bảo quản hay cắt lát sấy khô dùng dần.

Khi bán hươu phải có mâm cơm đãi khách và bà con làng xóm
Khi bán hươu phải có mâm cơm đãi khách và bà con làng xóm

Tục lễ xưa nay vẫn thế, người nuôi hươu khi bán nhung đều có mâm cơm đãi khách và bà con láng giềng để hưởng lộc. Đặc biệt là rượu huyết hươu. Những thợ cắt nhung hươu kháo nhau, nó công hiệu vô cùng. Uống mộtchén tiêu tan mệt nhọc, uống hai chén thấy người rưng rưng, uống ba chén thịt da bứt rứt!” Chả trách gì, người Hương Sơn trông ai cũng khoẻ mạnh, hồng hào, nhất là chị em Hương Sơn trông đẹp phơi phới, nõi nà, còn các cụ phụ lão ai da dẻ cũng đỏ au, cường tráng và sống rất thọ.

Trước Tết Nguyên đán một tháng bắt đầu mùa cắt nhung, đến tháng hai, tháng ba âm lịch có nhiều gia đình vẫn còn có nhung bán. Nhiều con hươu sau khi cắt vài tháng sau lại mọc thêm nhung, gọi là nhung tái sinh, mỗi cặp chỉ hai ba lạng. Loại nhung này các hộ gia đình thường giữ lại để dùng vì rẻ hơn nhung mọc lần đầu.

Nhà anh Tình nuôi 10 con hươu, năm trước, bảy con đực cho 5 kg nhung và 3 con cái sinh được 3 con. Tính sơ sơ cả nhung lẫn con giống anh Tình cũng thu được 60-70 triệu đồng tiền lãi. Năm nay, giá nhung hươu tăng cao, nguồn thu từ hươu của nhà anh Tình cũng chắc chắn cũng cao hơn. Để nuôi ngần nấy con hươu, vợ anh Tình nhàn hạ trong việc chăm bẵm, khi dành hẳn một sào đất bãi trồng cỏ voi, cỏ VA06 và hái thêm lá mít, lá khoai lang ở xung quanh vườn. Những ngày giá rét, anh Tình còn bồi dưỡng cho hươu ăn thêm ngô, lạc vỏ.

Đôi nhung hươu trị giá 5-6 triệu đồng
Đôi nhung hươu trị giá 5-6 triệu đồng

Anh Tình còn cho biết, nuôi từ 8-10 con hươu như gia đình anh là dạng trung bình khá ở Hương Sơn, còn hiện gia đình anh Phạm Ức Thuận ở xã Sơn Giang là đại gia nuôi hươu sao, bình quân trong chuồng nhà anh Thuận luôn có khoảng 25-35 con hươu. Năm ngoái, anh Thuận đã bán được cả chục cân nhung cùng 15 con hươu giống cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Giá trị của nhung hươu và hươu giống trong những năm gần đây ở Hương Sơn tăng ổn định theo đúng giá trị thực của nó. Nên mặc dù cơn lũ lịch sử năm 2002 đã cuốn trôi mất gần nửa đàn hươu sao, chỉ còn khoảng 3.500 con nhưng đến nay tổng đàn hươu của toàn huyện đã lên gần 20.000 con.

Nuôi hươu đầu tư không nhiều, nhưng muốn có lãi lớn thì phải nuôi nhiều con. Và chỉ tiêu, tổng đàn hươu đến năm 2010 của Hương Sơn là 22.000 - 24.000 con, sản lượng nhung 1.000kg, cung cấp khoảng 5.000-7.000 con giống đang nằm trong tầm tay. Nhiều địa phương hươi đã trở thành vật nuôi chủ lực, nhiều hơn cả đàn trâu bò. Nhiều xã miền núi như Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Quang có đàn hươu từ 1.500 con đến 2.200 con /xã và cả trăm gia đình nuôi từ 10 đến 30 con. Điều đáng nói hơn khi nhung hươu Hương Sơn đang được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, thị trường nhung hươu đang được mở rộng... Điều đó hứa hẹn hưu sẽ trở thành vật nuôi chủ lực và là con đường làm giàu gần nhất cho bà con nông dân huyện miền núi Hương Sơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast