Nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác xử lý chất thải

Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã đạt được những thành quả quan trọng trên con đường CNH-HĐH. Tuy nhiên nhận thức về việc thu gom, xử lý rác thải của cộng đồng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, khiến môi trường sống xung quanh bị đe dọa, kéo theo đó là nhiều hệ lụy không đáng có...

Theo thống kê năm 2010, tổng dân số trên toàn địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 1.244.544 người trong đó dân số nông thôn chiếm gần 85%, tốc độ gia tăng dân số 0,778%, mật độ dân số trung bình là 217 người/km2, lượng chất thải rắn theo định mức: Đô thị loại III,I V là 0,9 kg/người/ngày, đô thị loại V là 0,8 kg/người/ngày, khu vực nông thôn là 0,4-0,6 kg/người/ngày.

Cùng với sự gia tăng dân số, kinh tế, đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các đô thị trên địa bàn tỉnh ngày một tăng (khu vực nông thôn tăng 0,5%/năm, đô thị tăng 1÷1,5%/năm. Trong khi đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình chưa được thực hiện. Các hộ ở xa đường giao thông, có vườn rộng tự chôn lấp tại vườn. Chất thải rắn từ các làng nghề hầu hết vẫn thu gom chung cùng với chất thải rắn sinh hoạt và các loại chất thải rắn khác rồi đưa đi chôn lấp tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung của huyện, thành phố, thị xã.

Xử lý chất thải cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Xử lý chất thải cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới có 2 công ty quản lý môi trường là Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị ở thành phố Hà Tĩnh với nhân lực khoảng 165 người; công ty công trình dịch vụ đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh với nhân lực khoảng 72 người. Ở tại các huyện thị chỉ có HTX môi trường với nhân lực còn ít từ 5-20 người.

Theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng: Tỷ lệ CTR được xử lý bằng công nghệ chôn lấp không vượt quá 15% tổng lượng chất thải rắn thu gom được. Tỷ lệ CTR xử lý bằng các công nghệ khác (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ…) ≥85%. Nhưng thực trạng ở Hà Tĩnh chỉ có bãi chôn lấp chưa có nhà máy xử lý nào. Cụ thể: ở thành phố Hà Tĩnh thì đến cuối tháng 12/2010 phải đóng cửa nhưng chưa quy hoạch được bãi mới; ở thị xã Hồng Lĩnh đang nâng cấp mở rộng thêm bãi rác nhưng còn đang trong quá trình xây dựng; 2 huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên mới xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng 2 bãi rác theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công trình xử lý rác; còn ở các đô thị khác như: thị trấn Phố Châu, thị trấn Hương Sơn, thị trấn Nghèn..., bãi rác còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc hơn với hầu hết là các bãi tạm bợ, thậm chí không có tường bao quanh

Tại hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại nhiều bức xúc

Tại hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại nhiều bức xúc

Bãi rác của một vài địa phương khác (thị trấn Thạch Hà, thị trấn Đức Thọ) có xây tường bao, song chất thải được đổ bừa bãi, lấn chiếm ra ngoài tường bao, gây mất mỹ quan, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, tác động đến sức khỏe người dân.

Điều đó cho thấy chất thải rắn sinh hoạt thu gom được chiếm tỷ lệ còn thấp so với thực tế, đặc biệt là các địa phương: Thạch Hà tỷ lệ thu gom rác thải chỉ đạt 1,4 %, Đức Thọ 14%, Hương Khê 9 %, Can Lộc 10,5%... Chất thải rắn công nghiệp thu gom từ các nhà máy, khu công nghiệp đạt 75-80%, tuy nhiên chất thải rắn từ các nhà máy độc lập, các làng nghề hầu như chưa được thu gom, xử lý. Các bãi rác hiện nay đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh.

Đáng buồn hơn, chính quyền nhiều địa phương còn có thái độ thờ ơ, lơ là với việc xử lý và thu gom rác. Chỉ đến khi tình trạng rác thải ứ đọng, người dân phản ứng mới thì chính quyền sở tại mới có những động thái vội vàng.

Chất thải được đổ bừa bãi, lấn chiếm ra ngoài tường bao, gây mất mỹ quan

Chất thải được đổ bừa bãi, lấn chiếm ra ngoài tường bao, gây mất mỹ quan

Việc xử lý chất thải chưa có quy hoạch tổng thể, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải mang tính tự phát, chưa đúng quy trình, kỹ thuật dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm; không chỉ làm mất cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; gây thiệt hại về kinh tế, sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhật cho rằng, mục tiêu của Hà Tĩnh là đến năm 2020 sẽ giải quyết đồng bộ, cơ bản vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; phấn đấu để mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng đạt tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, góp phần xây dựng đời sống mới văn minh, hiện đại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhật thị sát bãi rác ở thị xã Hồng Lĩnh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhật thị sát bãi rác ở thị xã Hồng Lĩnh

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần nhận thức rõ công tác quản lý, xử lý chất thải rắn là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp và mỗi người dân. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ chế chính sách tạo nguồn vốn, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, phù hơp với điều kiện phát triển của tỉnh…

Phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường nhất là trong thời kỳ tỉnh ta đang phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Bảo vệ môi trường là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và thúc đẩy kinh tế hội nhập quốc tế. Vì vậy công tác thu gom, xử lý chất thải phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast