Nghị quyết 11/NQ-CP: Những thông điệp mới và sự kỳ vọng

Những quyết sách mới mạnh mẽ và dứt khoát đã được Chính phủ nêu trong Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô.

Không mâu thuẫn giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng

Không có sự ổn định vĩ mô và đồng thuận xã hội cao thì chắc chắn sẽ không thể có phát triển kinh tế
Không có sự ổn định vĩ mô và đồng thuận xã hội cao thì chắc chắn sẽ không thể có phát triển kinh tế

Thông điệp nổi bật và đáng chú ý nhất của Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ là việc ổn định vĩ mô là ưu tiên chủ đạo của toàn bộ hoạt động điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2011.

Đây là lựa chọn hết sức đúng đắn của Chính phủ phù hợp trước các sức ép mới nhiều mặt từ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và nhạy cảm.

Thực tế đã, đang và tiếp tục cho thấy, cũng như cần nhấn mạnh rằng, ổn định chính trị-kinh tế-xã hội là một thành tựu và tài sản quốc gia vô giá của Việt Nam; đồng thời, không có sự ổn định vĩ mô và đồng thuận xã hội cao thì chắc chắn sẽ không thể có phát triển kinh tế và những thành tựu khác.

Hơn nữa, việc “dũng cảm” hạ chỉ tiêu thâm hụt NSNN và tiết giảm tối đa đầu tư công, nhất là đầu tư của khu vực DNNN và các chi tiêu NSNN không thiết yếu khác, đồng thời định hướng lại ưu tiên cho vay các nguồn vốn, tín dụng phát triển cũng là điểm nhấn quan trọng, cho thấy những phát triển mới trong nhận thức lý luận và quyết tâm hành động của Chính phủ về chuyển dần động lực phát triển kinh tế từ bề rộng sang bề sâu, từ chủ yếu dựa vào đầu tư công sang tăng dần vai trò của đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế lớn và lâu dài của các khu vực kinh tế và cả nền kinh tế trong bối cảnh tăng cường hội nhập và nâng cao chất lượng phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Cần nhấn mạnh rằng, nội dung Nghị quyết không hề có sự mâu thuẫn trong việc tô đậm tính chất thắt chặt của chính sách tài chính-tiền tệ với yêu cầu tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tái cơ cấu của năm 2011.

Nói cách khác, chính nhờ tiết giảm các khoản chi NSNN không cần thiết và kém hiệu quả trong khu vực kinh tế Nhà nước cũng như hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán nhiều rủi ro, phi sản xuất, cùng với nâng tỷ giá USD sẽ giúp tiết kiệm các nguồn lực xã hội, cả NSNN và tín dụng ngân hàng, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho mở rộng và tiếp cận các nguồn vốn và động lực phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt trong sản xuất, xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ và sản xuất nông nghiệp...thuộc danh mục ưu tiên hỗ trợ phát triển mà Chính phủ đã đưa ra.

Sự đồng bộ chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể trong hoạt động điều hành cũng là một điểm nhấn mới đáng chú ý trong Nghị quyết.

Nghị quyết đã bao quát nội dung các lĩnh vực và phân công nhiệm vụ chặt chẽ hơn cho các địa phương, cấp, ngành có liên quan (nhất là ngành tài chính và ngân hàng, Bộ Công Thương và các địa phương - đô thị lớn trên cả nước) với thời gian và yêu cầu cụ thể, từ đó giúp bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả thực tế của triển khai Nghị quyết này trong thực tế.

Cần thấy rằng, việc điều chỉnh tăng cùng lúc cả tỷ giá, lẫn giá xăng, dầu và điện lần này là việc chẳng thể đặng đừng trước các sức ép thị trường cả trong và ngoài nước, để tránh méo mó thị trường và những hệ lụy bất ổn định từ chênh lệch quá mức giữa 2 giá (chênh lệch tới trên dưới 30% giá xăng dầu giữa giá trong nước và nước ngoài, cũng như chênh lệch tới trên dưới 10% giữa tỷ giá USD quy định chính thức với giá thực tế trên thị trường tự do) có thể xảy ra cho cả nền kinh tế, cũng như cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, mức tăng giá kể trên cũng chưa thể cắt lỗ cho các doanh nghiệp khi mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang đà tăng mạnh. Riêng trong năm 2010, tổng lỗ do không điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường thế giới đã lên đến khoảng 16.400 tỷ đồng.

Hơn nữa, như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này được tiến hành với nguyên tắc nhà nước chưa thu thuế, người kinh doanh xăng dầu chưa có lãi. Đồng thời với việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thu nhập thấp.

Cần sự đồng bộ trong chính sách và điều hành

Sự đồng thuận xã hội sẽ cao hơn, áp lực tác động mặt trái của đợt tổng điều chỉnh lớn về giá cả và tỷ giá tháng 2/2011 này sẽ nhẹ hơn, nhất là những ưu tư trĩu nặng trong mắt người dân nghèo, đối tượng có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương trong xã hội sẽ vợi bớt khi cả trong Nghị quyết lẫn trong điều hành của Chính phủ có sự đồng bộ chính sách và một số giải pháp cần thiết khác.

Trước hết, cần có thêm những quy định, nội dung cụ thể hóa yêu cầu thực hiện “đi bằng cả 2 chân” (một chân là cạnh tranh thị trường bước trước và chân kia là giá cả thị trường bước sau) thúc đẩy hành trình tiến tới thị trường hóa giá cả các ngành xăng dầu, điện và các mặt hàng khác trong diện bình ổn giá của Chính phủ.

Đặc biệt, cần sớm đẩy nhanh thị trường hóa kinh doanh xăng dầu, điện, cũng như cần sớm tách hoạt động kinh doanh xăng dầu và điện vì lợi nhuận ra khỏi nhiệm vụ chính trị bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tránh sự mập mờ giữa lợi ích và nhiệm vụ chính trị quốc gia với lợi nhuận ngành, nhóm và doanh nghiệp, cũng như những lợi ích cục bộ và ngắn hạn của nếp tư duy nhiệm kỳ.

Trước mắt, trong khi chưa tạo được “sốc cạnh tranh" thị trường đầy đủ và lành mạnh cho các doanh nghiêp này, để giá cả thị trường trở nên minh bạch, dễ dự báo và dễ được thị trường chấp nhận hơn, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện công khai và kiểm toán sự chính xác của các con số tự kê, tự giải trình, liên quan đến chi phí thực tế đầu vào; các nghĩa vụ tài chính với NSNN và lợi nhuận định mức tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để có căn cứ hợp lý xác định mức điều chỉnh giá xăng dầu bán ra của các doanh nghiệp này.

Đây sẽ là giá cơ sở để các doanh nghiệp này định mốc tối thiểu và cho phép họ được chủ động thông báo, giải trình, cũng như thực hiện việc tăng, giảm giá bán ra theo sát giá thị trường phù hợp các mức tăng giảm thực tế của các chi phí đầu vào... Khi đó, các cơ quan chức năng Nhà nước cũng sẽ “nhàn” hơn, điều hành hợp lý hơn theo cơ chế thị trường, không can thiệp vào quá trình ra quyết định về giá của các doanh nghiệp mà chỉ giám sát các chỉ số cấu thành giá cả cũng như có chế tài nghiêm khắc cả về hành chính và tài chính răn đe và xử lý các vi phạm từ phía các doanh nghiệp. Khi đó, sự phản biện và đồng thuận về giá cả thị trường từ xã hội cũng trở lên dễ dàng, hợp lý, hài hòa hơn.

Ngoài ra, cũng cần thận trọng, tránh cực đoan, duy ý chí trong triển khai những giải pháp có tính “sốc” cả về kinh tế và xã hội, nhất là khi chúng liên quan đến tâm lý và truyền thống phổ biến, lâu đời chính đáng vốn có của nhân dân. Chẳng hạn,việc cơ quan quản lý sẽ tiến tới hạn chế và xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đồng thời tập trung đầu mối nhập khẩu vàng để kiểm soát thị trường vàng, khắc phục tình trạng tích trữ vàng không làm lợi cho nền kinh tế là những bước cần thiết song phải làm sao đạt mục tiêu giữ ổn định tài chính-tiền tệ quốc gia, không để gây bùng nổ nạn đầu cơ và buôn lậu quy mô khó kiểm soát.

Bởi khi đó sẽ có nhiều “chiêu” lách luật dễ dàng, với sự xuất hiện các loại vàng trang sức “khủng”, tân kỳ, nặng cả cây, thậm chí cả hàng kg nhằm hợp pháp hóa vàng miếng thành vàng trang sức như đã từng thấy trong quy trình biến gỗ cẩm lai cấm xuất khẩu thành gỗ mỹ thuật, với các hoa văn chế tác mỏng và đơn giản trên bề mặt để xuất khẩu hợp pháp qua Đài Loan cả chục mét khối như giới buôn lậu gỗ có tổ chức đã thực hiện cách đây chưa lâu.

Tương tự, những vấn đề về điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư khác nhằm khuyến khích phát triển kinh tế theo nguyên tắc thị trường, kích thích xuất khẩu và nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội được nêu trong Nghị quyết 11 cũng cần được phân cấp và phân công cho các cơ quan hữu quan thể hiện cụ thể và hiệu quả hơn, thực chất hơn trong chức trách và hoạt động thực tiễn của mình, để biến nhận thức mới và quyết tâm chính trị cao của Chính phủ thành hiện thực sinh động và mang lại hiệu quả chung cho đất nước…/.

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội)

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast