Nổ lực giành lại vụ đông

Suốt thời gian triển khai vụ đông, tất cả địa phương trên toàn tỉnh không có lấy đủ một tuần nắng. Đất bị mưa ngâm nhão, cây trồng bị vùi dập nát, phải làm đi làm lại nhiều lần. Dẫu vậy, hơn lúc nào hết tinh thần nổ lực hết mình để quyết tâm giành lại cây trồng vụ đông đang được của bà con nông dân khắp nơi khẩn trương thực hiện…

Ra quân sản xuất vụ đông xuân ở xã Tiến Lộc (Can Lộc)
Ra quân sản xuất vụ đông xuân ở xã Tiến Lộc (Can Lộc)

Sau những ngày mưa kéo dài, mấy hôm nay trời đã hửng nắng. Dù đất còn ướt nhưng từ rất sớm bà con nông dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) đã ra đồng từ rất sớm, thoăn thoắt tay cuốc, tay cào vun đất trồng cây. Là vùng đất được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau cộng với lợi thế phụ cận thành phố, nhiều năm nay đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Hàng năm, lợi nhuận từ rau, củ của vùng chiếm 20% thu nhập từ nông nghiệp, trung bình mỗi sào rau người nông dân thu được 7- 8 triệu đồng, có người trên 10 triệu đồng mỗi vụ. Đặc biệt, một số hộ đã chuyển sang làm giống, cung cấp hạt giống bắp cải, xu hào cho bà con trong xã và bán tại một số chợ đầu mối. Tuy vậy, năm nay, do thời tiết mưa nhiều, gây ảnh hưởng xấu đên cây trồng vụ đông, do đó đến nay toàn xã chỉ mới thực hiện được trên 5 ha trong số 25 ha theo kế hoạch ban đầu. Các loại cây trồng chủ yếu là xu hào, bắp cải, dưa cải và các loại rau ăn lá ngắn ngày. Được biết, để làm lại vụ đông kịp thời vụ, bà con phải ra tận miền bắc mua cây xu hào, bắp cải về cho đồng ruộng mình với giá đắt đỏ. Tính ra, chưa kể công, thuốc BVTV và các chi phí khác, người trồng rau phải đầu tư 600 nghìn đồng cây con cho mỗi sào. Dẫu vậy, tinh thần và quyết tâm làm bằng được rau màu vụ đông của những người nông dân nơi đây đang cao hơn bao giờ hết. Bác Lê Hữu Xuân, xóm Thọ cho biết: “Bình thường như các năm thì bây giờ bắp cải, xu hào đã lên lá xanh cả cánh đồng rồi. Nhưng năm nay, mưa suốt cả tháng, cứ trỉa hạt xong là bị mưa vùi dập nát hết, cả lần này nữa là lần thả giống thứ 3 tôi phải làm lại đồng rau này rồi. Thế nhưng, rau là nguồn thu nhập chính của gia đình nên cứ còn cơ hội là làm thôi”. Không chỉ gia đình bác Xuân, anh Nguyễn Đình Cường cũng quyết tâm cao: “Thua keo này thì bày keo khác, trời cho thuận ngày nào thì cố ngày đó, thu nhập của cả nhà đều trông chờ vào mấy sào xu hào, bắp cải này. Chúng tôi cũng phải gắng để kịp thời vụ thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán tới chứ để ra năm vừa khó tiêu thụ, giá lại rẻ mạt lắm”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Dần, Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho hay, lợi thế nhất của xã là màu được trồng bốn mùa, do vậy rất thuận tiện để trồng các loại cây theo phương án luân phiên, vừa đa dạng hóa cây trồng, vừa đảm bảo thu nhập cho người dân. Đồng thời, do tập quán làm màu lâu năm nên bà con nơi đây cũng đã chủ động chuẩn bị đầy đủ vật dụng, phương tiên để che chắn cho cây trồng ruộng nhà. Trước mắt, xã đang chỉ đạo người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày và dưa chuột bên cạnh xu hào, bắp cải và dưa phục vụ Tết.

Bà con nông dân xã Thạch Liên vun đất trồng lại xu hào, bắp cải bị mưa vùi dập
Bà con nông dân xã Thạch Liên vun đất trồng lại xu hào, bắp cải bị mưa vùi dập

Ngay cả vùng tiểu khí hậu đặc biệt như xã Thiên Lộc (Can Lộc) cũng không nằm ngoại lệ trước sự ảnh hưởng của thời tiết xấu năm nay. So với mọi năm, vụ đông 2011 chậm thời vụ gần một tháng, cực chẳng đã, đất ẩm ướt suốt mùa vụ khiến cho việc gieo các loại trồng cây trồng hết sức khó khăn. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã gieo trỉa được 90 ha diện tích, còn 40 ha nữa chưa sản xuất hết. Dẫu vậy, hoàn cảnh không thể làm nản chí những người nông dân vốn nhiều kinh nghiệm sản xuất vụ đông nơi đây. Với việc xác định được sản phẩm chủ lực của địa phương mình là hành tăm, cà chua và rau màu, Thiên Lộc đã có những bứt phá trong sản xuất. Trong khi nhiều nơi đang loay hoay khắc phục khó khăn thì không ít diện tích cà chua và cà ta đã sớm cho thu hoạch và được bán với giá bình quân từ 13- 15 nghìn đồng/kg. Anh Nguyễn Xuân Huy, Trưởng ban nông nghiệp xã cho biết: “Nhờ làm tốt kỹ thuật làm đất, tuân thủ quy trình chăm sóc nên sản phẩm chủ lực chuẩn bị cho Tết là hành tăm phát triển rất tốt. Thời gian còn lại, chúng tôi động viên bà con tranh thủ mọi lúc mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày nhằm phủ đầy diện tích canh tác theo kế hoạch, đồng thời đảm bảo tính luân phiên thời vụ để chuẩn bị cho lạc xuân tới”.

Không còn nhiều thời gian cho vụ đông, nhưng không có nghĩa là không thể giành lại. Được biêt, hiện nay 5 tấn giống rau ngắn ngày do Trung ương hỗ trợ đã được chuyển về các địa phương. Mỗi địa phương đã lên “dây cót” để sẵn sàng chạy đua với thời gian trong thời điểm nước rút. Mũi nhọn được tập trung, đó là rau ngắn ngày, vốn thấp, thu nhập cao và quay đầu vốn đất nhanh, nhằm tận dụng hết hiệu quả kinh tế hậu hĩnh mà những sản phẩm này đưa lại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast