Nới rộng chính sách tín dụng- DN tiếp cận như thế nào?

Trong số các giải pháp cứu DN mà Chính phủ đưa ra, có thể nói giảm lãi suất (thuộc nhóm giải pháp điều hành vĩ mô) đi vào cuộc sống sớm nhất. Hạ trần lãi suất huy động vốn, áp, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại nợ… đã được triển khai. Tuy nhiên, chính sách chỉ có thể biến thành cơ hội để DN vượt qua “cơn bĩ cực” khi có những tín hiệu khả quan từ thị trường, sự cộng hưởng của nhiều chính sách và đặc biệt bản thân DN hết sức nỗ lực tự cứu mình.

Liên tiếp chính sách tín dụng mới

Hai tháng liên tiếp (tháng 2 và tháng 3), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các TCTD hạ trần lãi suất huy động vốn xuống 13 rồi 12%/năm, mở rộng đường cho lộ trình giảm lãi suất sau một thời gian dài cao ngất ngưởng.

Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh kiểm tra sử dụng vốn ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn
Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh kiểm tra sử dụng vốn ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn

Tiếp đó, đầu tháng 5, để khẩn cấp cứu DN, tạo động lực mới kích thích tăng trưởng kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục can thiệp thị trường bằng một giải pháp mạnh. Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế chính thức có hiệu lực vào ngày 8-5.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay tối đa bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng (+) 3%/năm. Theo mức trần huy động lãi suất hiện nay, lãi suất tối đa dành cho các đối tượng được ưu tiên sẽ chỉ còn 15%/năm. Các lĩnh vực được vay mức lãi suất này gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thông tư 14 yêu cầu, các TCTD có trách nhiệm niêm yết công khai mức lãi suất cho vay, các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn và thực hiện cho vay đối với các khách hàng quy định tại Thông tư này theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay.

Ngoài ra không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay đối với khách hàng, trừ một số khoản phí theo quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của NHNN quy định về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng mở cửa cho các TCTD cơ cấu lại nợ cho khách hàng với việc ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Theo đó, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do TCTD đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Các khoản cho vay ngắn hạn bằng VND được áp dụng lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại Thông tư 14 là các khoản cho vay nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn: Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu quy định tại Luật Thương mại; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với áp dụng Quyết định 780, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn...

Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Thêm cơ hội nữa, UBND tỉnh quyết định nới rộng đối tượng và thời gian HTLS của quyết định đã ban hành trước đó (tháng 10-2011). Theo đó, sẽ có thêm các DN, HTX ở các lĩnh vực: đầu tư chế biến nông sản; thu mua nông sản, thủy sản; thu mua, chế biến muối; môi trường, thu gom rác thải, sản xuất nông cụ và chủ trang trại ( đã được cấp giấy chứng nhận) được hỗ trợ lãi suất.

Thời gian hỗ trợ cho các khoản vay mới ngắn hạn từ 3 tháng như trước đây, nay tăng lên 9 tháng (cho các món vay giải ngân từ 1/4/2012 đến 31-12-2012) và các khoản vay trung, dài hạn được hỗ trợ lãi suất 12 tháng (cho các món vay giải ngân từ 2-4-202 đến 30-9-2012).

Có tạo động lực mới cho DN?

Lãi suất trên đà đi xuống đang giúp DN trút bớt gánh nặng chi phí lãi suất đã đè nặng suốt một thời gian dài. Nhưng lúc này, khi cơ thể DN không còn mạnh khỏe và thị trường còn bế tắc thì việc hấp thụ nguồn vốn dù là giá rẻ cũng chẳng dễ dàng.

Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi đầu tư tín dụng vẫn hết sức khó khăn
Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi đầu tư tín dụng vẫn hết sức khó khăn

Trước hết, nhìn từ ngân hàng, 4 nhóm đối tượng, lĩnh vực theo quy định trong Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước là rất rộng, ước tính có thể chiếm tới từ 60% - 80% tổng dư nợ tại mỗi ngân hàng thương mại. Độ trải rộng của lãi suất thấp như vậy là rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế mới với độ rộng đó sẽ khơi thông dòng vốn. Nhưng cũng có ý kiến nhìn nhận ngược lại rằng: chính vì độ rộng như vậy có thể sẽ khiến dòng chảy khó khơi thông.

DN tỉnh ta phần lớn nằm trong các đối tượng được vay nguồn vốn rẻ, như vậy, tỷ trọng dư nợ lãi suất thấp sẽ chiếm rất lớn, liệu các NHTM có đủ khả năng và tinh thần sẵn sàng chia sẻ mức lãi suất cho vay 15%/năm hay không?

Đó là chưa nói đến việc hiện tại nguồn vốn mà ngân hàng đang sử dụng để cho vay được huy động những thời điểm mà lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Bởi vậy, phải có một thời gian nhất định mới có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ để giảm lãi suất đầu ra.

Ở một góc độ khác, theo quy định của Thông tư 14, khách hàng vay vốn được áp dụng lãi suất cho vay quy định là các khách hàng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định và được TCTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Việc cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cũng chỉ dành cho những DN đang khó khăn nhưng có khả năng phục hồi tốt. Còn chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh cũng chỉ đến với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả và những DN được ngân hàng thẩm định đủ điều kiện được vay.

Nhưng ở thời điểm này có mấy DN có dự án khả thi, tài sản thế chấp và tài chính lành mạnh để đủ điều kiện vay vốn. Gần 600 DN ngừng hoạt động và con số ngấp nghé bờ vực phá sản cao hơn thế gấp nhiều lần là thực trạng của hơn 3.000 toàn tỉnh hiện nay.

Trong khi đó, tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng từ đầu năm đến nay đang tăng khá nhanh. Bên cạnh đó, diễn biến nền kinh tế còn nhiều thách thức thì thận trọng để phát triển an toàn vẫn là lựa chọn hàng đầu của ngân hàng.

Có thể nhận thấy khe cửa để DN lọt qua những điều kiện ràng buộc để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dẫu rất nhỏ bé nhưng là yêu cầu không thể khác mà DN phải vượt qua để tồn tại và có tương lai phát triển mới.

Nỗ lực và sáng suốt triển khai phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả bằng nguồn vốn rẻ đồng thời nắm bắt cho được các giải pháp về thuế, chi tiêu công… để mở cho mình con đường mới, đó là điểm mấu chốt.

Nhưng sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp cứu DN; tinh thần trách nhiệm cao và sự chia sẻ hiệu quả của ngân hàng cũng là yếu tố không kém phần quan trọng để cùng mang lại lời kết thỏa đáng cho DN- một thành phần kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng đến sự hưng thịnh của đất nước.

Ý kiến người trong cuộc

Ông Nguyễn Huy Tiến: Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước: "Nếu khách hàng đủ điều kiện và đúng đối tượng, ngân hàng phải cho vay đúng trần lãi suất"

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là sẽ kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trần lãi suất cho vay dành cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo Thông tư 14. Quá trình đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước mong muốn nhận được sự phản hồi từ nhiều kênh thông tin trong và ngoài ngành. Trong đó, chính khách hàng vay vốn sẽ là những người trong cuộc, có sự phản hồi sát thực về sự chấp hành chủ trương và tinh thần thái độ phục vụ của các TCTD. Nếu DN đủ điều kiện vay vốn và thuộc nhóm đối tượng ưu tiên thì sẽ có quyền đề nghị ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay theo mức trần là 15% như hiện nay. Trường hợp này, ngân hàng không có lý do gì để không thực hiện. Tuy nhiên, điều khách hàng cần lưu ý là mặc dù đối tượng được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp khá rộng nhưng điều kiện cần và đủ để cho vay vẫn bất di bất dịch là phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Diên- Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh: "Hạ lãi suất cũng là mong muốn của ngân hàng"

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp huy động được 700 tỷ đồng vốn nhưng chỉ cho vay được 300 tỷ đồng. Nhiều giải pháp đã được ngân hàng thực hiện nhưng chỉ đến lúc lãi suất từng bước giảm dần thì đầu tư tín dụng mới tăng lên. Riêng trong 3 ngày đầu áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, chúng tôi đã tăng trưởng được 45 tỷ đồng dư nợ. Thực tế này cho thấy, với một mặt bằng lãi suất thấp hơn thì ngân hàng mới sử dụng được nguồn vốn huy động được để đầu tư tín dụng, từ đó mới có lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng chính việc nguồn vốn huy động với lãi suất cao hơn ở những thời điểm trước đó còn tồn đọng lại rất nhiều(400 tỷ đồng chưa đầu tư cho vay được) khiến ngân hàng khó cho vay với lãi suất tối đa 15% một cách đồng loạt ngay ở thời điểm này. Bởi vì khi đối tượng được vay với lãi suất trần theo quy định Thông tư 14 ở Ngân hàng Nông nghiệp là rất rộng lớn.

Ông Phan Danh Tý- Phó Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ: "DN cần có năng lực để tiếp cận các chính sách về lãi suấ"t

Phải nhìn nhận rằng khi thực hiện những chủ trương mới về tín dụng để cứu DN, bản thân ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Lãi suất hạ khiến nguồn tiền gửi tiết kiệm khó tăng trong khi đó thu nợ đến hạn của khách hàng cũng đang ách tắc. Bởi vậy cho dù Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thì các NHTM cũng không dễ để thực hiện chủ trương này bởi họ cũng là một DN hoạt động trong giai đoạn nhiều rủi ro. Còn DN, trong muôn bề khó khăn lúc này cũng chẳng biết vay vốn đề đầu đầu tư như thế nào cho có hiệu quả. Còn đối với việc cơ cấu lại nợ, dù chủ trương đã có nhưng đòi hỏi DN phải có năng lực để thực hiện các quy trình, thủ tục và phải chứng minh cho ngân hàng thấy mình có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ những cái khó đó có thể thấy lãi suất giảm sẽ không có những tác động lớn cho đầu tư tín dụng và DN nếu tự bản thân không hết sức nỗ lực thì cũng không tiếp cận được chính sách nới rộng tín dụng hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast