Phát hiện sớm để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa từ nay đến cuối vụ

Thạc sĩ Lê Anh Ngọc - Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Tĩnh vừa cho hay, hiện nay, lúa hè thu đang bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng, một số diện tích đã trổ bông, lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, qua điều tra của bộ phận chuyên môn cho thấy, nhiều đối tượng sâu, bệnh đã phát sinh, gây hại và đe dọa ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Phát hiện sớm sẽ giúp công tác phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả hơn
Phát hiện sớm sẽ giúp công tác phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả hơn

Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện mật độ trung bình từ 2 – 3 con/m2, cục bộ nơi cao 5 - 7 con/m2 (Cẩm Xuyên và Hương Sơn, nhưng chủ yếu là nhộng, một số đã xuất hiện trưởng thành, rải rác mật độ 1 – 2 con/m2); sâu đục thân gây hại tỷ lệ trung bình từ 1 – 4% dảnh héo, chủ yếu sâu tuổi 5, nhộng và trưởng thành.

Dự báo, sâu non lứa tiếp theo có thể sẽ ra rộ thời điểm từ 20/8 trở đi (trùng với giai đoạn lúa đòng già trổ bông); nếu mật độ sâu cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa.

Cùng với các loại sâu bệnh hại, hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng xuất hiện với mật độ phổ biến từ 10 - 50 con/m2, cục bộ nơi cao 700 - 1.000 con/m2 (Cẩm Xuyên, Đức Thọ); đây cũng là thời điểm rầy nâu đang tích lũy số lượng và có thể sẽ phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa đòng già - trổ bông.

Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng phát sinh gây hại tại Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Can Lộc... tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, cục bộ nơi cao 15 - 25% (Đức Thọ, Can Lộc), diện tích nhiễm bệnh 750 ha; dự báo thời gian tới, bệnh khô vằn tiếp tục tăng nhanh về diện tích nhiễm và mức độ hại, đặc biệt tại những chân ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, gieo cấy dày.

Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại chính trên cây lúa từ nay đến cuối vụ, Chi cục BVTV tỉnh khuyến nghị các địa phương chủ động phòng trừ đối tượng dịch hại bằng cả biện pháp xử lý hóa học lẫn thủ công.

Theo đó, đối với sâu cuốn lá nhỏ, cần phát hiện sớm khi sâu đang tuổi 1, tuổi 2 và phòng trừ bằng các loại thuốc hóa học như: Ammate 30WG, Ammate 150SL, Proclaim 1.9EC, Angul 5WDG, Tasieu 1.9EC, Dylan 2EC...

Đối với sâu đục thân, áp dụng biện pháp thủ công ngắt ổ trứng; nếu sử dụng thuốc hoá học, cần phun thuốc khi sâu non tuổi 1 chưa đục vào thân lúa (tức là sau khi thấy bướm ra rộ 5 - 7 ngày) bằng việc sử dụng các loại thuốc hóa học như: Tango 800WG, Regent 800WG.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, khi phát hiện rầy mật độ cao cần phun trừ bằng các loại thuốc hóa học: Bassa 50 EC, Focin 50 EC, Excel Basa 50 ND Bascide 50 EC, Chess 50 WG, Alika 247 SC. Đối với bệnh khô vằn, tiến hành phun khi bệnh chớm xuất hiện bằng các loại thuốc: Vida 5SL; Damycine 5SL, Tilsuper 300 ND...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast