Phong trào giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh: Sức bật từ lòng dân

Vẫn biết giao thông là huyết mạch, là cánh tay vươn dài đề mở rộng giao lưu kinh tế - văn hoá, xoá đói giảm nghèo, thắt chặt nghĩa tình làng xóm, nhưng lối đi nào đễ làm được điều đó quả không đơn giản ở một tỉnh quá nghèo như Hà Tĩnh...

Nhân dân xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) làm đường giao thông

Lòng dân là chìa khoá tạo nên thành quả làm giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh. Đảng bộ đã biết tin dân, dựa vào dân, biết tích luỹ từ lao động sống, khơi dậy mọi nguồn lực vốn có từ trong dân và cơ sở để phát triển kinh tế xã hội nói chung, làm giao thông nông thôn nói riêng. Các cấp đã chú trọng việc lồng ghép các chương trình dự án, hỗ trợ một phần từ ngân sách, song điều cốt yếu là tạo cơ chế, môi trường thông thoáng để bật dậy phong trào quần chúng từ cơ sở.

Với những chủ trương và giải pháp đúng đắn, sau 13 năm , đến nay toàn tỉnh đã làm được 4.118km đường nhựa và đường bê tông giao thông nông thôn, hơn 8.000 cây cầu vĩnh cửu, tổng giá trị 2.189 tỷ đồng. Trong số 12 huyện, thị, thành, có 5 huyện làm được từ 416km – 646km là Đức Thọ, Hương Sơn, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên; 4 huyện, thành làm được từ 258 – 374km là Can Lộc, Hương Khê, Lộc Hà, Thành phố Hà Tĩnh. Có 30 xã, thị trấn làm từ 25 km – 58km, trong đó có 13 đơn vị làm trên 35km đường nhựa, đường bê tông là Tùng Ảnh, Trường Sơn, Sơn Trung, Gia Phố, thị trấn Hương Khê, Phú Gia, Thiên Lộc, Thạch Châu, Thạch Bằng, Cẩm Yên, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Thạch Hạ. Càng về sau phong trào càng có sức lan toả nhanh. Riêng hai năm 2008 – 2009 cả tỉnh làm được 887km đường nhựa và bê tông giao thông nông thôn, có huyện 2 năm làm được 140km.

Với những kết quả nói trên, liên tục 6 năm từ 2004 – 2009, Hà Tĩnh được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc phong trào làm giao thông nông thôn - miền núi, có 3 huyện được Chính phủ tặng cờ và 17 lần các huyện được nhận cờ thi đua của Bộ giao thông vận tải.

Có được những thành quả nói trên, trước hết cấp uỷ chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hết sức quan tâm công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, giao thông nông thôn nói riêng; Xây dựng định mức, tiêu chí và chính sách hỗ trợ từng loại đường để cơ sở có sự vận dụng hợp lý. Ngành giao thông vận tải tham mưu kịp thời cơ chế chính sách, thiết kế định hình về kỹ thuật và dự toán các loại đường (không thu lệ phí). Tổ chức tập huấn tại cơ sở về kỹ thuật thi công và giám sát công trình, nhất là kỹ thuật thi công đường bê tông nhằm khai thác vật liệu và nguồn nhân lực tại chổ, giảm chi phí đầu tư. Tỉnh chủ trương lồng ghép nguồn vốn dân góp với vốn các chương trình dự án, nhất là nguồn ODA từ các dự án WB, IFAP, JBIC để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến tỉnh lộ, hệ thống cầu cống, chuyển phần vốn làm nền đường đá dăm để hỗ trợ nhân làm mặt nhựa và bê tông. Mỗi khi đã có các trục đường chính và hệ thống cầu cống thì việc huy động dân làm đường sẽ thuận lợi hơn.

Việc khai thác nguồn vốn hết sức đa dạng, tỉnh hỗ trợ mỗi km 50 triệu đồng, cấp huyện từ 10 – 20 triệu đồng. Những đơn vị có nguồn thu khá thì hỗ trợ cao hơn. Bốn năm gần đây do phong trào phát triển mạnh, tỉnh huyện không thể cân đối theo kết quả thực tế đã làm nên phân bố chỉ tiêu ổn định từ đầu năm. Cơ sở huy động vốn từ quỹ đất, ngân sách địa phương, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn và con em xa quê đóng góp, huy động trong dân bằng vật liệu, ngày công và bằng tiền theo nhân khẩu hoặc lao động. Những hộ có lợi thế mặt đường hoặc có điều kiện kinh tế thì tự nguyện đóng góp nhiều hơn.

Nhân dân xã Thạch Hải (Thạch Hà) mở đường ven biển

Nhiều địa phương đã vận động nhân dân tự nguyện phát quang, giải toả và hiến đất làm đường. Phân tích giá trị đầu tư 294 tỷ đồng làm giao thông nông thôn năm 2009 cho thấy: Nguồn trích từ dự án chiếm 33,2%, nguồn ngân sách tỉnh huyện 12,4%, còn 160 tỷ đồng (54,4%) từ nguồn ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Từ quy hoạch, thiết kế dự toán từng cung đường, chính quyền cơ sở công khai hoá trước dân về thời gian và hình thức thi công, cân đối nguồn vốn, dự kiến mức huy động đóng góp để nhân dân bàn bạc và quyết định, tạo sự đồng tâm nhất trí của mọi người. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cử thành viên, nhất là Hội Cựu chiến binh trực tiếp giám sát công trình. Hàng năm vào thời điểm hợp lý tỉnh phát động toàn dân ra quân làm giao thông nông thôn. Từng cấp thành lập ban chỉ đạo chiến dịch để trực tiếp tổ chức và phát động phong trào, chú trọng sơ tổng kết để rút kinh nghiệm. Với những chủ trương và giải pháp đồng bộ nói trên, phong trào giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh không chỉ được công trình còn được lòng dân yên, hạn chế những biểu hiện lãng phí, tham nhũng trong xây dựng cơ bản.

Khi được hỏi về bí quyết thành công phong trào làm GTNT ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Minh Châu - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: “Cấp uỷ chính quyền phải có chủ trương sát đúng, biết tổ chức và phát động quần chúng. Ngành phải chịu trách nhiệm về chuyên môn, tham mưu kịp thời về cơ chế, giải pháp và tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi nhất trong các thủ tục hành chính. Cơ sở phải thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ, năng động trong huy động nguồn lực và cách tổ chức phát động phong trào. Mọi việc được công khai minh bạch sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”.

Quả vậy, càng làm càng sáng tạo ra những cách làm mới, càng thấm đẫm một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Nếu cứ nhìn vào những khó khăn để chùn bước, không biếttổ chức và phát động quần chúng, thì làm sao có được thành quả đó, một thực thể vật chất để góp phần làm khởi sắc mọi miền quê, đưa Hà Tĩnh thoát nghèo đi lên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast