Sản xuất rau - củ - quả an toàn

Trong xây dựng nông thôn mới, rau màu đã được chọn làm một trong rất ít sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để sản phẩm rau - củ - quả đảm bảo chất lượng và an toàn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, đang cần một sự đồng hành có hiệu quả của các cấp, ngành, đoàn thể và của mọi người dân.

Trong bữa ăn hằng ngày, rau - củ - quả là sản phẩm thiết yếu thứ hai đứng sau hạt gạo. Đặc biệt, xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn càng cao hơn. Tuy nhiên, chính một trong những thực phẩm quan trọng hàng đầu này lại đang là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng khi phía người sản xuất, với việc chạy đua với lợi nhuận đã không quan tâm đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Nông dân xã Đức La (Đức Thọ) chăm sóc su hào phục vụ Tết
Nông dân xã Đức La (Đức Thọ) chăm sóc su hào phục vụ Tết

Vấn đề dùng thuốc kích thích, thuốc BVTV tràn lan và không đảm bảo an toàn trong sản xuất rau - củ - quả diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên phạm vi cả nước và Hà Tĩnh chúng ta cũng không nằm ngoài thực tế đáng lo ngại đó. Mặc dù vậy, từ trước đến nay rất ít vụ vi phạm về vệ sinh an toàn rau củ được phanh phui và xử lí, rất ít những lời cảnh báo đối với người sản xuất về những ẩn họa từ việc sản xuất rau không an toàn. Còn người tiêu dùng, mặc nhiên sử dụng, bởi không còn cách nào khác, dù ít nhiều lo lắng về độ an toàn của sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những yếu tố góp phần gây nên khó khăn trong việc quản lý và giám sát quá trình sản xuất rau củ đảm bảo an toàn, đó là việc trồng rau phần lớn còn diễn ra manh mún, cục bộ, chưa có nhiều vùng sản xuất rau chuyên canh được quy hoạch một cách quy mô, đảm bảo quy chuẩn, hoặc chưa có nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, tổ hợp tác trồng rau… Chưa tính đến vấn đề sử dụng phân bón, thuốc BVTV… do người sản xuất sử dụng, việc lựa chọn vùng đất đủ tiêu chuẩn để trồng rau cũng là một yếu tố cần thiết. Theo đó, cần có sự nghiên cứu đầy đủ về điều kiện thổ nhưỡng để quy hoạch các vùng trồng rau đảm bảo đến mức an toàn đối với sức khỏe con người như: hàm lượng kim loại nặng, các loại độc tố trong đất và nước thấp, đảm bảo cách ly với các vùng bị ô nhiễm như: chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, lò giết mổ tập trung, nghĩa trang… Ngoài ra, còn phải quy hoạch dựa trên yêu cầu về hạ tầng cơ sở, về lợi thế, tiềm năng để đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho sản xuất rau hàng hóa quy mô lớn.

Thực tiễn sản xuất trong những năm qua, với tập quán sản xuất lạc hậu, tùy tiện, không tuân thủ nguyên tắc ứng xử với thiên nhiên, qua thời gian đã dần làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, thậm chí đất đai, không khí và nguồn nước còn bị ngộ độc nghiêm trọng bởi sự bồi lắng của các loại thuốc BVTV nguồn gốc hóa học có độc tính cao.

Để từng bước tái tạo được nguồn đất đảm bảo tiêu chuẩn trồng rau an toàn, không còn cách nào khác, ngay từ bây giờ, việc sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường như: phân hữu cơ, phân vi sinh; hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng là việc làm hết sức cấp thiết. Đồng thời, có các biện pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, vi sinh trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Có các biện pháp quyết liệt và hữu hiệu trong quản lý thị trường các loại vật tư nông nghiệp, chế phẩm công nghệ sinh học; xử lý nghiêm các cơ sở buôn bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường theo Pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản xuất được rau - củ - quả sạch, đảm bảo an toàn, đòi hỏi phải thực hiện một qui trình sản xuất khắt khe và chi phí khá lớn. Vì vậy, sản phẩm làm ra cũng phải có giá bán cao hơn hình thức sản xuất truyền thống thì người sản xuất mới có lãi và chấp nhận được. Tuy nhiên, thực tế là khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng, dù “thông thái” đến đâu cũng sẽ rất khó phân biệt được đâu là rau an toàn và đâu là không an toàn, nếu như sản phẩm đó không có một thương hiệu có uy tín và đáng tin cậy.

Là địa phương được lựa chọn sản xuất rau hàng hóa theo Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (gọi tắt là VIETGAP), xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã thực hiện thành công mô hình đầu tiên với gần 4 ha. Giá trị thu nhập đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Với sự kiểm soát chặt chẽ về qui trình sản xuất, chất lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn. Hiện xã đang tích cực triển khai tiếp 3 mô hình, đưa diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VIETGAP lên 15 ha và tiếp tục chỉ đạo tăng diện tích trong những năm tới. Đây là một tín hiệu rất khả quan để chúng ta có thể nghĩ tới sự “lên ngôi” của sản phẩm rau an toàn trên thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, một lực cản đối với sự phát triển của hướng đi mới này, đó là vấn đề thương hiệu. Do chưa có thương hiệu, sản phẩm rau an toàn vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc và có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Và như vậy, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn vẫn là một bài toán khó.

Sản xuất rau - củ - quả an toàn là một hướng đi mới và nhiều khó khăn, mà căn nguyên của nó vẫn là vấn đề lợi ích của người sản xuất. Vì vậy, cần giải quyết được cơ bản những vấn đề nêu trên gắn với thực hiện tốt mối quan hệ “bốn nhà” và có cơ chế chính sách hợp lý trong quá trình sản xuất. Từng bước nâng cao được nhận thức của người nông dân, tạo động lực cho họ yên tâm sản xuất; tự phá bỏ tính tùy tiện trong tư duy sản xuất truyền thống để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn và hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast