"Sớm nhất phải giữa tháng 6, việc thiếu nước sinh hoạt mới được cải thiện"

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh đưa ra, sau phản ánh của giới truyền thông tỉnh nhà trước những bức xúc của người dân một số khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận (thị trấn Thạch Hà) về việc thiếu nước sinh hoạt từ giữa tháng 4 đến nay.

Chia sẻ với người dân một số khu vực thuộc các phường: Trần Phú, Bắc Hà, Nguyễn Du, Thạch Linh, Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà trước tình trạng thiếu và mất nước sinh hoạt trong thời gian qua, người đứng đầu đơn vị cấp nước Hà Tĩnh cũng mong nhân dân thấu hiểu những khó khăn mà Công ty đang gặp phải. Thể hiện rõ nhất chính là hệ thống cấp nước cũ ngày một quá tải, hệ thống cấp nước mới (dự án giai đoạn 2) đang thi công trong khi nhu cầu dùng nước của các hộ khách hàng không ngừng tăng do tốc độ đô thị hóa. Bởi thế, mặc dù Xí nghiệp cấp nước thành phố đã chạy vượt công suất (trên 17.000m3/ngày đêm so với thiết kế của nhà máy là 16.000m3/ngày đêm) nhưng vẫn bị thiếu hụt hơn 3.000m3/ngày đêm.

Giải pháp điều tiết giảm ở vùng trung tâm để đẩy nước ra vùng ngoài khiến khu vực Bắc Hà và Nguyễn Du bị "hẫng" dẫn đến thiếu và mất nước cục bộ
Giải pháp điều tiết giảm ở vùng trung tâm để đẩy nước ra vùng ngoài khiến khu vực Bắc Hà và Nguyễn Du bị "hẫng" dẫn đến thiếu và mất nước cục bộ

Sự thiếu hụt nguồn dẫn đến các vùng cuối nguồn (Thạch Linh, Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà) mất nước đã đành, nhưng việc, một số vùng thuộc Trần Phú, Bắc Hà, Nguyễn Du cũng mất an toàn về nước thì đúng là hơi lạ. Giải thích cho vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh cho rằng: khu vực Khu đô thị mới Sông Đà ở phường Trần Phú thiếu là do hệ thống không đồng bộ khi nhà đầu tư chỉ cho lắp đặt đường ống phi 110 để cung cấp cho 1.200 hộ dân. Đối với một số vùng ở Bắc Hà và Nguyễn Du có tình trạng nước yếu hoặc mất là do bị rơi vào vùng "hẫng" khi Công ty tiến hành điều tiết, tức là làm cho khu vực nội thành yếu đi để đẩy nước ra vùng ngoài.

Cũng theo ông Quý, ngoài giải pháp điều tiết nguồn, Công ty đã chủ động xử lý tạm thời bằng việc trích kinh phí 180 triệu đồng để lắp đặt một đường ống phi 110 từ trước trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh sang Khách sạn Bình Minh nhằm giải quyết cho khu vực Khu đô thị Sông Đà. Đối với vùng Nguyễn Du thì đưa ống phi 160 chạy từ Trường Cao đẳng nghề Việt Đức về. Các vùng khó xử lý hơn như: Linh Tiến (Thạch Linh) hay Tân Trung và Tân Phú (Thạch Trung) thì Công ty chỉ còn cách hướng dẫn người dân hạ cốt lấy nước để tranh thủ tối đa nguồn bơm khi điều tiết từ vùng trung tâm ra. Bên cạnh đó, Công ty đã bố trí một xe tải chở 3 bồn nước tương đương 4,5m3/chuyến để phục vụ miễn phí những khu vực mất nước hoàn toàn, nhất là ưu tiên các cơ sở công cộng như: trường học, trạm xá…

Công ty buộc phải bố trí một xe tải chở 3 bồn nước với 4,5m3/chuyến để phục vụ miễn phí những khu vực mất nước hoàn toàn nhưng chẳng thấm vào đâu
Công ty buộc phải bố trí một xe tải chở 3 bồn nước với 4,5m3/chuyến để phục vụ miễn phí những khu vực mất nước hoàn toàn nhưng chẳng thấm vào đâu

Trả lời câu hỏi "chừng nào việc thiếu nước sinh hoạt của người dân thành phố và vùng phụ cận mới được cải thiện?", lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh khẳng định: chỉ khi Dự án cấp nước thành phố và vùng phụ cận (giai đoạn 2) đáp ứng tiến độ, trong đó, có hạng mục quan trọng và cần kíp nhất đòi hỏi phải hoàn thành trước 30/6 là tuyến ống truyền tải nước sạch HDPE D560 dài 7.847m từ Nhà máy xử lý nước Thạch Điền theo Tỉnh lộ 17 về Trạm bơm tăng áp Đại Nài.

"Hiện nay, các đơn vị thi công đã bố trí xe máy, nhân lực và tập kết vật tư ngay chân công trình. Nếu giải quyết được vấn đề mặt bằng phục vụ thi công tuyến ống này thì có thể hoàn thành thi công gần 2km còn lại trước tháng 6, sớm nhất là giữa tháng 6 để chuyển tải lượng nước lớn hơn về bổ sung cho sự thiếu hụt hiện nay", ông Quý nhấn mạnh.

Liên quan đến tiến độ thi công dự án giai đoạn 2, Giám đốc BQL dự án Võ Ngọc Vinh cho biết thêm: Hiện nay, các nhà thầu đã tiến hành thi công trên hầu hết các tuyến ống (đường Quang Trung, đường Nguyễn Du, đường Ngô Quyền, đường Hàm Nghi, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh...), song, vấn đề GPMB đang bị ách tắc nhiều đoạn. Đặc biệt là trên tuyến truyền tải nước sạch, một vài điểm thuộc xã Thạch Điền chưa được GPMB do còn một số hộ chưa nhận tiền đền bù hoặc cho là đền bù chưa thỏa đáng.

Cũng theo ông Vinh, để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhất là kịp thời đưa tuyến ống truyền tải nước sạch vào hoạt động nhằm sớm khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay, Công ty đề nghị Hội đồng GPMB huyện Thạch Hà tập trung xử lý dứt điểm các hộ cố tình cản trở thi công và tính đến phương án bảo vệ thi công trong trường hợp xấu nhất. Cùng đó, đơn vị cũng mong UBND tỉnh sớm cấp bổ sung nguồn vốn đối ứng cho dự án trong năm 2012 này tối thiểu 8 tỷ đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast