Tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong vụ đông

Ngành nông nghiệp cùng các địa phương và đông đảo các hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã lần lượt vượt qua các khó khăn, trở ngại để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trước các trận "bão tai xanh" bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong nước từ cuối tháng 4 đến nay. Liệu thành tích này có được giữ vững khi mùa mưa rét đang đến gần?...

Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho rằng, thật khó để khẳng định là dịch có thể xảy đến hay không, bởi, thời tiết trong vụ đông luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi như: mưa phùn, giá rét kéo dài, thậm chí là các đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ ở mức rất thấp.

Thực tiễn công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian qua ở Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định: tiêm phòng là biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất
Thực tiễn công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian qua ở Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định: tiêm phòng là biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất

Tuy nhiên, muốn đảm bảo an toàn dịch bệnh thì yếu tố quyết định nhất vẫn là tiêm phòng đúng tối tượng, đúng liều lượng và đúng kỹ thuật.

Trở lại với công tác phòng chống dịch bệnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh. Ngoại trừ đợt dịch tụ huyết trùng tại xã Kỳ Lợi vào đầu tháng 7 làm chết 16 con trâu bò thì kể như ngành nông nghiệp đã chỉ đạo thành công công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm ở cơ sở, đặc biệt hơn cả là mặc dù tỉnh ta nằm giữa hai ổ dịch "tai xanh" là Nghệ An và Quảng Bình nhưng đến thời điểm này, hoạt động chăn nuôi Hà Tĩnh vẫn an toàn tuyệt đối.

Ngoài việc thiết lập được hàng rào bảo vệ bên ngoài với các chốt kiểm dịch và đoàn liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý kịp thời các vụ buôn bán, vận chuyển gia súc bất hợp pháp vào địa bàn, thì không thể không kể đến vai trò của công tác tiêm phòng. Nhờ tiêm phòng nên gia súc đã có sức đề kháng để chống chọi với các loại vi rút gây hại.

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, trân trọng kết quả đạt được trong thời gian qua nhưng ngành cũng không cho phép mình tự mãn, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới.

Theo đó, vấn đề trọng tâm nhất hiện nay đối với ngành thú y là tập trung cao cho chiến dịch tiêm phòng đợt 2 (tiêm phòng vụ đông).

Để làm cơ sở cho việc thực hiện ở cơ sở, từ đầu tháng 8, Chi cục đã có công văn hướng dẫn các trạm thú y huyện, thành, thị tham mưu để UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai kế hoạch tiêm phòng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn bổ sung kỹ thuật tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm; đăng ký nhu cầu sử dụng vắc xin...

Điểm mới trong công tác tiêm phòng vụ đông này chính là ngoài vắc xin LMLM gia súc, cúm gia cầm H5N1 được cấp không thu tiền (theo Chương trình khống chế, thanh toán bệnh LMLM và cúm gia cầm quốc gia), người chăn nuôi còn được Nhà nước hỗ trợ miễn phí 80 ngàn liều vắc xin dịch tả lợn và 80 ngàn liều vắc xin tụ huyết trùng lợn.

Trên cơ sở chỉ tiêu của UBND tỉnh tại Quyết định 421/QĐ-UBND ngày 8 - 2 - 2010 và kết quả rà soát tổng đàn của các huyện, thành, thị thì vụ đông này, toàn tỉnh sẽ tiến hành tiêm 195.038 liều vắc xin LMLM trâu bò, 195.038 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 39.257 liều vắc xin LMLM lợn, 233.211 liều vắc xin dịch tả lợn, 233.211 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn; đối với gia cầm: chỉ tiêu tiêm cho đàn gà là 1.765.656 liều vắc xin H5N2, chỉ tiêu tiêm cho đàn vịt là 934.849 liều vắc xin H5N1.

Theo tổng hợp của cơ quan thường trực, đến thời điểm này phần lớn các địa phương đã ra quân tiêm phòng vụ đông. Tuy nhiên, do thời điểm này trùng với thu hoạch lúa hè thu nên kết quả còn rất hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ tiêm vắc xin LMLM trâu bò mới đạt 19,3%, tụ huyết trùng trâu bò đạt 16,1%, dịch tả lợn 9,6%, tụ huyết trùng lợn 10%.

Đối với các mũi vắc xin cho đàn gia cầm, thay vì tiêm trong các tháng 9 và 10 như lâu nay thì riêng vụ đông này, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã có chủ trương lùi thời hạn tiêm sang tháng 11 để các địa phương nằm trong diện thí điểm tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh có thêm thời gian thực hiện.

Liên quan đến chủ trương thí điểm tiêm vắc xin phòng bệnh "tai xanh" ở lợn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, cả nước có 21 tỉnh triển khai chương trình này (chủ yếu thuộc khu vực phía Nam) và Hà Tĩnh không nằm trong số đó.

"Đây đang là chương trình thí điểm nên chưa ai có thể kết luận được hiệu lực của loại vắc xin còn khá mới mẻ này. Trong khi chờ đợi sự ra đời của loại vắc xin mới, đề nghị các địa phương và đông đảo các chủ hộ chăn nuôi thực hiện tốt các mũi vắc xin được UBND tỉnh quy định như hiện nay" - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, cùng với khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, thời gian này, các địa phương cần tập trung quyết liệt cho việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vụ đông và lên kế hoạch dự trữ lương thực để phòng chống dịch bệnh và đổ ngã trâu bò trong mùa mưa rét.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast