Tập trung di dời dân tránh bão, đảm bảo an toàn hồ chứa và các công trình đang thi công

Để chủ động đối phó với bão số 3, từ chiều 29 đến trưa 30/7, các địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, di dời dân vùng xung yếu ven biển, đảm bảo an toàn hồ chứa.

BCH PCLB huyện Lộc Hà đã họp, triển khai phương án di dời các hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn. Theo kế hoạch, huyện sẽ di dời 425 hộ với 2.170 người ở vùng xung yếu thuộc 4 xã: Thạch Kim, Thịnh Lộc, Thạch Mỹ và Hộ Độ. Đến 11 h trưa 30/7, huyện đã tiến hành di dời 50 hộ với trên 200 người dân ở Thịnh Lộc về nơi trú ẩn an toàn.

Nhân viên cảng cá Cửa Sót kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn
Nhân viên cảng cá Cửa Sót kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn

Trưa 30/7, BCH PCLB Lộc Hà sẽ hội ý nhanh các biện pháp ứng phó với bão. Huyện cũng tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, đề điều, các công trình đang thi công cũng như vận hành hợp lý hệ thống thoát lũ các hồ đập trên địa bàn.

Được biết, 135 tàu thuyền, 1.397 ngư dân đã vào cảng Thạch Kim trú ẩn an toàn. Có 8 tàu, 49 thuyền viên của Lộc Hà đi đánh cá xa bờ cũng đã vào trú ẩn an toàn ở đảo Cát Bà và Bạch Long Vỹ. Ngoài ra, tại khu neo đậu Thạch Kim còn có 61 tàu thuyền, 225 ngư dân của các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã vào trú ẩn an toàn.

* Từ 19h ngày 29/7 đến sáng 30/7, trên địa bàn Hương Sơn, lượng mưa đo được tại Trạm thuỷ văn Sơn Diệm là 14mm, mực nước trên sông Ngàn Phố đoạn Sơn Diệm là 5,1 m, tốc độ gió 7 mét /giây. Lượng nước ở các hồ đập ở mức thấp, chỉ từ 70-80% công suất thiết kế.

Trước tình hình diễn biếp phức tạp của bão số 3, từ chiều 29/7, BCHPCLB huyện Hương Sơn đã họp khẩn cấp và phân công các thành viên BCĐ từng công việc và từng vùng cụ thể; kiểm tra vật tư, nhân lực, phương tiện... Hiện, Hương Sơn đã ký hợp đồng, sẵn sàng 117 xe máy các loại, trong đó: 87 ben và xe tải tải, 6 xe khách 5 xe con 12 máy xúc, 6 máy ủi, 1 máy cẩu; 147 xuồng và thuyền các loại.

Huyện Hương Sơn đã ban hành công điện khẩn cho các xã về việc tập trung các biện pháp cấp bách PCLB, đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình, đảm bảo an toàn thi công đối với các công trình đang thi công; tổ chức theo dõi chặt chẽ và thực hiện nghiêm các Công điện, đặc biệt là theo dõi, sẵn sàng phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo đó, phương án 1 (trường hợp bão từ cấp 8 - 9, lũ ở mức báo động 2), Hương Sơn sẽ di dời 56 hộ với 198 người; phương án 2 ( bão cấp 9 - 10, lũ ở báo động 2), di dời 560 hộ với 2.209 người; phương án 3 (bão trên cấp 11, lũ vượt báo động 3), di dời 991 hộ với 3.468 người.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Hiện nay, toàn bộ lãnh đạo huyện uỷ, UBND và các thành viên trong BCH PCLB huyện đã về cơ sở đốc thúc, kiểm tra phương án PCLB ở các địa phương. Các ngành, đoàn thể và địa phương trong huyện đều đã sẵn sàng cho công việc ứng phó với bão số 3. Công việc trọng tâm lúc này là tuyên truyền các biện pháp ứng phó với bão; chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa; tổ chức lực lượng trực 24/24, sẵn sàng ứng cứu, di dời dân khi có lệnh.

* Đức Thọ: Lo nhất là tuyến đê La Giang

Trước tình hình bão số 3 đổ bộ vào Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã thành lập 6 cụm công tác để chỉ đạo ứng phó với mưa bão (trong đó có 4 cụm dọc tuyến đê La Giang). Cùng với ban hành công điện chỉ đạo các địa phương triển khai công tác ứng phó, lãnh đạo huyện và các thành viên BCHPCLB huyện đã về tận cơ sở để chỉ đạo sẵn sàng các phương án “4 tại chỗ”.

Sáng 30/7, các đoàn công tác đã theo địa bàn để đi kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị ứng phó; các phương án PCBL, di dời dân, kiểm tra, chỉ đạo phương án dời dân ngoài đê, chỉ đạo bảo đảm an toàn tuyệt đối tại các công trình trọng điểm, các công trình hồ đập, công trình đang thi công…

Ông Võ Công Hàm - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Đến nay, công tác PCBL của huyện đã sẵn sàng. Các địa phương và nhân dân chuẩn bị đã chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Ngoài vấn đề chung, huyện lo nhất là tuyến đê La Giang, bởi tuyến đê này mới thi công nên đất mới không thể bảo đảm như đất cũ trước đây. Vì vậy, huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên theo dõi mực nước, tập trung tối đa lực lượng để có biện pháp ứng cứu hiệu quả nhất. Bên cạnh đê La Giang, huyện cũng chỉ đạo hoàn tất mọi vến đề liên quan đến việc di dời dân ở 7 xã ngoài đê.

*Hương Khê: Khó khăn do đường 15 đang thi công dở

Để đối phó với cơn bão số 3, huyện Hương Khê đã ra công điện yêu cầu các xã sẵn sàng mọi công tác để ứng phó với bão. Lãnh đạo huyện và các thành viên BCHPCLB đã về tận các xã để kiểm tra, nắm tình hình và đốc thúc các công tác chuẩn bị.

Theo ông Đinh Hữu Tân - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, đến thời điểm này, công tác đối phó với bão số 3 của huyện đã hoàn tất. Huyện chỉ đạo tập trung quan tâm đến các hồ đập, các công trình đang thi công dở; vận động nhân dân chuẩn bị chằng chống nhà cửa, kêu gọi người đi rừng quay về nhà trước bão…

Ông Tân lo lắng: Hiện nay, tuyến đường 15 nối từ thành phố Hà Tĩnh lên Hương Khê đang thi công dở dang; nhiều đoạn trên địa bàn Hơưng Khê đi lại rất khó khăn. Nếu lũ về sẽ rất khó khăn cho công tác ứng cứu, di dời dân cũng như công tác tiếp tế khác. Vì vậy, huyện đang đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này và đã xây dựng phương án chuẩn bị di dời dân trong một số vùng bên tuyến đờng đang thi công này khi cần thiết.

Cẩm Xuyên: Lo lũ ở các xã dưới chân công trình Kẻ Gỗ

Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Đến thời điểm này, tình hình mưa bão ở Cẩm Xuyên chưa có vấn đề gì đột biến; triều cường cũng chưa lên. Huyện đã kêu gọi, tuyên truyền người dân, nhất là nhân dân gần biển chuẩn bị sẵn sang giằng chống nhà cửa, thuyền bè. Đến trưa nay, toàn bộ 969 thuyền bè và ngư dân (100%) đã vào nơi an toàn; các thuyền bè nhỏ đã đưa vào neo cẩn thận dưới các rừng phi lao. Huyện đã tổ chức di dời 26 hộ dân ở vùng gò Cẩm Nhượng và 3 hộ dân ở vùng Mỹ Hoà (Cẩm Hoà) vào nơi an toàn. Huyện Cẩm Xuyên cũng chỉ đạo các địa phương ven biển theo dõi hệ thống đê biển, triều cường và chuẩn bị lực lượng để có phương án ứng cứu hợp lý.

Ông Hải cho biết: Hiện trên công trình hồ Kẻ Gỗ đang thi công hệ thống cống giữa hồ Kẻ Gỗ sang hồ Bộc Nguyên ở cốt 22 m nên hệ thống tràn ở cốt 19 m đang mở; nếu mưa to, lượng nước về nhiều thì không thể tích nước được. Như vậy, nước sẽ dồn về các xã vùng hạ như: Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch và gây lũ lớn… Xung quanh vấn đề này, huyện đã tuyên truyền, cảnh báo nhân dân và chuẩn bị các phương án để sẵn sang đối phó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast