Thủy lợi Hồng Lam nỗ lực đảm bảo nguồn nước sản xuất hè thu

Tuy diện tích tưới hàng năm chỉ hơn 2.000 ha, nhưng do các công trình nằm rải rác trên 2 địa bàn (Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh) với vị trí khá xa nhau, lại không cùng hệ thống nên việc phục vụ tưới cho cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên vùng đất cát luôn đặt Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam trước nhiều thách thức.

Bước vào vụ hè thu 2011, nguồn nước sông suối, hồ đập khá dồi dào, kết hợp với nguồn điện ổn định, những tưởng Công ty có thể chủ động hơn trong việc điều hành cung cấp nước nhưng cũng gặp phải không ít trở ngại về máy móc thiết bị lẫn sự xuống cấp của hệ thống kênh mương do hệ quả của một quá trình dài không được đầu tư thỏa đáng.

Trạm bơm Đức Hồng (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam bơm nước phục vụ sản xuất hè thu
Trạm bơm Đức Hồng (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam bơm nước phục vụ sản xuất hè thu

Với diện tích tưới 244 ha, Trạm bơm 1 Nghi Xuân là đơn vị chủ lực của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, do hệ thống máy bơm quá cũ (đầu tư từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước) nên CBCNV điều hành nguồn nước nơi đây luôn phải đánh vật trước mỗi vụ sản xuất vì sự trở chứng của động cơ. Vào vụ hè thu 2011, tổ máy số 2 bỗng dưng ngừng quay khiến Ban lãnh đạo Công ty và Trạm bơm Nghi Xuân phải ra tận Hải Dương cầu cứu các chuyên gia đầu ngành, rồi sau đó lại bám trụ mấy tuần liên tục để vừa động viên, vừa đốc thúc anh em kỹ thuật khắc phục sự cố để kịp thời mở nước phục vụ bà con các xã Xuân Lam và Xuân Hồng làm đất, gieo cấy đúng thời vụ. Hoàn thành sửa chữa tổ máy số 2, Trạm bơm Nghi Xuân chạy một hơi suốt 5 ngày, có ngày vài chục giờ liên tục - điều chưa từng xảy ra ở công trình thủy lợi thuộc loại đầu đời của Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam chia sẻ: Khí hậu đầu năm lại nay khá chiều lòng anh em thủy nông khi nguồn nước từ thượng nguồn đổ về đều đặn nên tránh được sự xâm nhập mặn trên sông La. Tuy nhiên, không vì thế mà CBCNV-LĐ Trạm bơm Nghi Xuân và Trạm bơm Lam Hồng được phép chủ quan khi lơi lỏng trong việc đo nồng độ mặn hàng ngày tại các cửa lấy nước từ sông La. Đối với các trạm bơm điện còn lại (Đức Hồng, Đức Thuận, Thuận Lộc 1, Thuận Lộc 3), Công ty đã tiến hành bảo dưỡng, thay thế thiết bị như: bi, bạc, trục động cơ, đầu bơm, ống xả, ống hút... để đảm bảo vận hành.

Cũng theo ông Hùng, để điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh thất thoát, từ đầu vụ, Công ty đã giao các cụm, trạm chủ động xây dựng kế hoạch tu sửa, nạo vét hệ thống kênh dẫn, kênh tưới, cắt cỏ dọn lác lòng kênh, mái kênh ở các trạm bơm, hồ chứa... Căn cứ vào diện tích hợp đồng, các cụm trưởng, trạm trưởng giao cán bộ địa bàn thường xuyên bám sát địa phương mình phụ trách, đôn đốc các xã, phường vận động bà con nông dân be bờ giữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Công ty cũng chỉ đạo các cụm, trạm đóng mở các cống đầu kênh hợp lý, khi dẫn nước thì ưu tiên tưới cho đồng cao, đồng xa trước, đồng thấp và đồng gần sau.

Đo độ mặn tại Trạm bơm 1 Nghi Xuân
Đo độ mặn tại Trạm bơm 1 Nghi Xuân

Do thời vụ bị trễ hơn 1 tháng nên đến nay lúa hè thu mới bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đồng nghĩa với chặng đường phía trước của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam còn nhiều thách thức phải vượt qua. Theo đó, cùng với chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ Xuân Hoa, hồ Đá Bạc (Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh) điều tiết nước hợp lý; vận hành cống Đá Bạc (Cương Gián - Nghi Xuân) đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, Công ty cũng chỉ đạo các trạm bơm theo dõi chặt chẽ nồng độ mặn trước khi lấy nước, đồng thời chuẩn bị máy bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước từ sông suối, luồng lạch nhằm chủ động chống hạn.

Nghi Xuân và một phần của TX Hồng Lĩnh vốn là những vùng khó khăn về nguồn nước sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Với trách nhiệm của nghề "làm dâu trăm họ", những năm qua, mỗi CBCNV Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam đã nỗ lực để giải khát nhiều cánh đồng khô hạn vùng Xuân Lam, Xuân Hồng, Cổ Đạm, Đức Thuận, Thuận Lộc...

Tuy nhiên, vấn đề nan giải với Công ty là hiện nay hệ thống máy móc Trạm bơm 1 Nghi Xuân đã lỗi thời nên hiệu suất hoạt động thấp, tiêu hao điện năng lớn, đó là chưa kể bất thình lình xảy ra sự cố khi hoạt động liên tục; cùng đó là hệ thống kênh mương không đồng bộ và đang xuống cấp nghiêm trọng sau trận lũ lịch sử năm 2010. Đã đến lúc UBND tỉnh cần có cái nhìn trực quan để có giải pháp sát hợp nhằm hỗ trợ Công ty khắc phục triệt để những công trình xuống cấp cũng như giải quyết phần tiện điện vượt định mức từ hệ lụy của hệ thống máy bơm vốn đã lỗi thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast