Tiết kiệm điện ở công sở: Vẫn còn thờ ơ!

Do tình hình hạn hán kéo dài và một số nguyên nhân khách quan khác nên những tháng qua và cả thời gian tới, tình hình thiếu điện trên toàn hệ thống xảy ra rất gay gắt. Để giải quyết vấn đề thiếu điện, Chính phủ đã có các văn bản, chỉ thị; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh cũng đã ký cam kết tiết kiệm điện; ngành chức năng tích cực tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, ở khối hành chính nhà nước, đa số cán bộ, công chức vẫn đang thờ ơ với việc tiết kiệm điện!

Từ lâu, nếu chịu khó quan sát, chúng ta có thể thấy rằng, hầu hết thiết bị điện ở các văn phòng, công sở đều được “xài” một cách vô tội vạ ”. Về mùa đông, hầu hết các văn phòng công sở đều bật đèn trong giờ làm việc, trong khi thực tế có khi chưa thật cần thiết. Mùa hè thì việc sử dụng điện ở công sở càng trở nên “tàn bạo” hơn. Các phòng làm việc của cơ quan hành chính, trong mùa hè hầu như lúc nào các thiết bị làm mát (quạt điện, điều hoà) cũng đều được huy động tối đa. Có những lúc, chỉ một phòng làm việc nhưng chủ nhân có thể xài 1 lúc cả quạt cây lẫn quạt trần, mặc dù thời tiết có thể chưa nắng nóng lắm..

Hiện nay, nhiều cơ quan, hầu hết các phòng đều được trang bị điều hoà và cán bộ, nhân viên các cơ quan này cũng mặc sức xài “của chùa” một cách khá mạnh tay. Mùa hè, có thể nói 100% điều hoà trang bị cho công sở đều được phát huy tối đa tính năng. Có những lúc, thời tiết chỉ ở mức bình thường nhưng những cái máy làm lạnh ở công sở vẫn chạy hết công suất khiến cho những người không quen dùng khi vào phòng bỗng cảm thấy quá lạnh. Đối với chủ nhân của những phòng này, đó là nhu cầu, là thói quen nên không thể không bật. Trong số người được trang bị điều hoà ở công sở nhà nước, không ít người cứ hễ sáng đến cơ quan là bật; chiều rời cơ quan mới tắt; còn buổi trưa họ vẫn để vậy bởi buổi chiều đến kẻo phải mất công… chờ mát. Điều hoà nhiệt độ được trang bị cho phòng làm việc tại các công sở hiện nay thường có công suất từ 1.200 W trở lên và thường được bật cả ngày nên việc tiêu thụ điện năng là cực kỳ lớn.

Không còn nhân viên trong phòng làm việc nhưng đèn vẫn mở sáng choang. Ảnh minh họa

Ngoài việc dùng “thả cửa” thiết bị điện trong phòng làm việc, không ít các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, vào mùa hè, sau giờ làm việc, người ta tụ tập nhau đánh cầu lông đến tận 21-22 h đêm. Quãng thời gian từ tối đến gần nửa đêm này, các bóng đèn cao áp công suất 500W cứ phải nài hết công năng phục vụ các công chức. Nếu tính mỗi sân cầu lông có ít nhất 2 bóng đèn, đem nhân với số sân cầu lông hiện đại hiện tại trên địa bàn tỉnh ta nhân với công suất 500W nhân với nhiều giờ mỗi ngày và nhiều ngày trong mỗi tháng... sẽ ra một sản lượng điện vô cùng kinh khủng! Với rất nhiều tiền điện chi phí cho các trò thể thao này nhưng chắc chắn một điều rằng, kinh phí trả tiền điện không bao giờ là tiền túi của bất kỳ cá nhân nào mà 100% là tiền nhà nước!.

Mặc dù tuyên truyền khá nhiều nhưng nhà nước vẫn chưa có biện pháp khống chế khối hành chính sự nghiệp về vấn đề tiết kiệm điện nên chuyện sử dụng điện lãng phí ở các cơ quan nhà nước là điều dễ hiểu. Được biết, hiện tại, trong nội bộ Điện lực và một số cơ quan như Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và một số ít cơ quan đã thực hiện tắt điều hoà khi không quá cần thiết (chỉ sử dụng khi thời tiết quá nóng) nhưng ở hầu hết các cơ quan nhà nước khác từ cấp tỉnh đến các huyện, thị thì chưa có động tĩnh gì. Do nhu cầu gia tăng phụ tải nhiều, khả năng cung cấp điện hạn chế nên việc thiếu điện năm nay sẽ vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, đã đến lúc các cấp ngành liên quan cần có biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng sử dụng điện lãng phí ở các cơ quan nhà nước, nhằm mục đích thực hiện tiết kiệm điện một cách hiệu quả nhất, góp phần xây dựng đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast