Trang trại tiền tỷ

Sau thành công từ chuyển đổi ruộng đất lần 2, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại. Trang trại trồng rừng kết hợp phát triển chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Sơn và chị Nguyễn Thị Nga ở xã Đức Nhân là một điển hình.

Theo lời giới thiệu của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức, chúng tôi tìm về trang trại anh chị Sơn - Nga ở xã Đức Nhân. Đang mải mê bên đàn bò béo mộng, dưới tán rừng sum suê, gặp chúng tôi, chị Nga vui vẻ kể chuyện trồng cây gây rừng và phát triển trang trại nơi trước đó không ai ngó ngàng tới.

Chị Nga kể, năm 2007, thấy vùng đất mênh mông bỏ hoang ngoài đê La Giang, vợ chồng chị làm đơn gửi lên xã xin thuê 7,5 ha đất để phát triển kinh tế trang trại. Có quyết định cho thuê đất, anh chị đi vay vốn ngân hàng, vay anh em bạn bè được 300 triệu về đầu tư khai hoang, đào hố, mua cây trồng; đồng thời, kết hợp xây dựng các khu vực chăn nuôi bò, gà, cá, lợn siêu nạc…

Ngoài 7 vạn cây keo, bạch đàn, xoan đâu... đang trên đà phát triển, bình quân mỗi năm, trang trại này cho anh chị Sơn - Nga thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi
Ngoài 7 vạn cây keo, bạch đàn, xoan đâu... đang trên đà phát triển, bình quân mỗi năm, trang trại này cho anh chị Sơn - Nga thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi

Bước đầu, anh chị trồng 3 vạn cây giống bạch đàn, keo và xoan đâu; nuôi thả đàn trâu, bò 10 con, đàn gà 300 con với ao cá hơn 1 ha. Những ngày đầu nhập cuộc, anh chị gặp không ít khó khăn, thử thách. Chị Nga nhớ lại: Các năm 2007 - 2008 là 2 năm đầu chập chững vào làm mô hình trang trại, áp lực từ lời bàn tán ra vào khá nặng. Nhiều người cho rằng, không sớm thì muộn vợ chồng anh chị sẽ thất bại, bởi vùng đất cằn cỗi thế này mà bỏ tiền, bỏ của ra xây dựng trang trại thật chẳng đáng.

“Tôi còn nhớ, ngày ấy đào hố trồng cây được một thời gian thì nước lũ ập về, cây cối héo rũ hết, tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng mấy ngày nước lũ rút, vườn cây dần lại tái sinh xanh lên mơn mởn. Vợ chồng tôi nhìn nhau thở phào: “vậy là thoát chết”. Đến nay, trang trại có trên 7 vạn cây keo, bạch đàn, xoan đâu thân lớn bằng cái phích nước, hứa hẹn sẽ cho nguồn thu lớn trong ít năm tới” - Chị Nga cho biết thêm.

Theo nhẩm tính của anh Sơn, nếu với đà phát triển như hiện nay, chỉ cần 3 - 4 năm nữa, rừng cây này sẽ cho thu nhập ít nhất 6 - 7 tỷ đồng.

Ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Nhân, nói: “Trang trại của anh chị Sơn - Nga là mô hình đa cây - đa con, không những tận dụng tối đa quỹ đất bỏ hoang, chắn sóng cho vùng ngoài đê La Giang mà còn góp phần lớn cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong vùng".

Năm 2011 này, trang trại chăn nuôi trong vườn cây của anh chị có gần 20 con trâu, bò, trên 500 con gà, một ao cá vừa thả trên 2 tạ cá giống. Theo chị Nga, từ ngày làm trang trại đến nay, bình quân mỗi năm anh chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Có tiền, anh chị trả hết nợ nần, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn và mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị trong gia đình.

Từ một vùng đất bỏ hoang, nhờ dám nghĩ dám làm, vợ chồng Nga Sơn đã biết làm cho đất nở hoa, góp phần cải thiện môi trường, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast