Vùng biển cửa Lộc Hà - đối mặt với nguy cơ mất trắng vụ đông xuân

Khi những người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đang rộn ràng với không khí mùa vụ, với tay liềm tay hái trên những cánh đồng vàng, thì người nông dân ở các xã vùng biển cửa huyện Lộc Hà lại phải đối mặt với nguy cơ mất trắng vụ đông xuân.

Khó khăn cũng bởi tại trời

Vụ đông xuân năm nay đối với người dân ở các xã vùng biển cửa của huyện Lộc Hà thật lắm gian nan. Rét đậm, rét hại và mưa lớn liên tục kéo dài là nguyên nhân chính để những cây mạ xuống đồng chậm hơn lịch thời vụ đến 20 ngày. Dẫu đã được sự quan tâm của tỉnh, của cấp uỷ chính quyền địa phương trong các khâu hỗ trợ giống, kỹ thuật và người dân cũng hết sức nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên trong việc bắc mạ, cấy lúa. Thế nhưng biết bao công sức và niềm hy vọng kể từ khi gửi gắm cây lúa xuống đồng đến nay đã dường như đã trở nên vô vọng.

Thảm lúa xanh tươi ngày nào giờ quắt queo, khô héo

Thảm lúa xanh tươi ngày nào giờ quắt queo, khô héo

Anh Nguyễn Khắc Hậu - Cán bộ phụ trách trồng trọt – Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết: “Diện tích lúa bị chết cháy ước tính trên 500 ha/2.923 ha tổng diện tích lúa đông xuân, tập trung chủ yếu ở các xã: Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng và một phần của xã Thạch Mỹ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vẫn là do chậm thời vụ, do hạn hán kéo dài và thiếu nguồn nước tưới tiêu”.

Vùng biển ngang Lộc Hà từ xa xưa đến nay, cây lúa gieo xuống ruộng đồng chỉ biết trông chờ vào sự may rủi của đất trời. Những năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống của người nông dân có phần bớt khó khăn hơn nhờ những vụ mùa thắng lợi. Thế nhưng năm nay, sự thất thường của thời tiết, đặc biệt là nắng hạn kéo dài đã biến những chân ruộng xanh tươi thành một màu đỏ quạch. Ông Nguyễn Văn Quế - một người dân ở xã Thạch Châu cho biết: “ Lúa, lạc nhà tôi cũng bị chết cháy nhưng chỉ cục bộ thôi, nhưng ở xã Mai Phụ lúa chết hàng loạt. Đối với người dân chúng tôi, việc sản xuất chỉ trông chờ vào thời tiết nên khổ thế đấy cô ạ. Thật ra, ngay sau những ngày huyện thành lập một thời gian, chúng tôi cũng đã nghe nói đến công trình thuỷ lợi ngọt hoá sông Nghèn. Người dân mừng lắm, bởi niềm hy vọng về một hệ thống thuỷ lợi để phục vụ việc tuới tiêu chắc chắn sẽ đem về những mùa vàng no ấm. Nhưng chờ đợi mãi mà nguồn nước vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy cây trồng trên cánh đồng ngày một khô héo…”

Nỗi lo đói kém

Theo lời kể của người dân, chúng tôi đã tìm về xã Mai Phụ - vùng bị thiệt hại nặng nề nhất toàn huyện do nắng hạn kéo dài. Phơi mình dưới cái nắng như đổ lửa, cánh đồng khô hạn đã nứt nẻ chân chim. Thảm lúa xanh tươi ngày nào giờ nhuốm màu đỏ quạch. Bên cạnh đó, những nương ngô cũng cúi đầu ủ rủ phất phơ những chiếc lá cháy khô. Anh Lê Đình Mỹ- cán bộ khuyến nông xã cho biết: “ Cây trồng chết cháy hết cả chị à, người dân khổ lắm! Xã Mai Phụ có diện tích lúa 88 ha, lạc 103 ha, ngô 84,5 ha... nhưng nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước tưới tiêu cùng với chất đất nhiễm phèn, nhiễm mặn đã khiến diện tích cây trồng chết hàng loạt”

Những ruộng ngô cũng xơ xác, không thể trổ bông

Những ruộng ngô cũng xơ xác, không thể trổ bông

.

Theo số liệu thống kê của khuyến nông xã, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 44,5 ha lúa, 35 ha ngô và 37 ha lạc đã bị chết cháy. Diện tích này tập trung nhiều nhất ở các xóm: Sơn Phú 20/25 ha lúa bị chết cháy, Đồng Xuân 10/15 ; Tây Sơn 10/18 ha; diện tích lạc, ngô bị chết cháy cũng phân bổ đều ở các thôn nói trên.

Dân số đông, diện tích canh tác ngày càng thu hẹp, bên cạnh đó chất đất nhiễm phèn, nhiễm mặn lại không có hệ thống tưới tiêu nên người dân chỉ biết ngửa cổ cầu trời mưa. Thế nhưng đến thời điểm này, niềm hy vọng dường như tắt ngấm. Bà Nguyễn Thị Vị ở xóm Sơn Phú ( Mai Phụ) cho biết: “ Những năm trước đây, dẫu có mất mùa chúng tôi cũng còn vớt vát được chút ít chứ năm nay thì mất trắng. Nhà tôi trồng 4 sào lúa thì cả 4 sào đều chết cháy. Xót của nên đi bứt về cho bò ăn nhưng bò cũng chẳng thèm ăn. Hiện chi phí bỏ ra cho 1 sào lúa đã lên tới 1 triệu đồng, bây giờ không biết nhìn vào đâu để trả nợ”. Nỗi niềm của bà Vị cũng là nỗi niềm chung của biết bao người dân nơi đây trước nỗi lo về nợ nần, lương thực trong mùa mưa bão, khi với họ bát cơm cho gia đình chỉ biết trông chờ vào vụ đông xuân là chính.

Chia sẻ những khó khăn với người nông dân ở đầu mùa vụ sản xuất, tỉnh, huyện và xã đã có chính sách trợ giống cho bà con nhưng việc hỗ trợ cho người dân khi mất mùa do hạn hán thì chưa thấy cấp ngành nào đề cập đến. Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí cho mỗi sào lúa của người dân đã lên tới 1- 1,2 triệu/ sào, lạc từ 1,8- 2 triệu/sào, nhưng do mất mùa nên ngoài nỗi lo đói kém thì nỗi lo về nguồn kinh phí để trả nợ vẫn đang đè nặng lên người nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast