"Vượt qua khó khăn, nông nghiệp - nông thôn phát triển khá và có những đột phá quan trọng"

2005 - 2010 là quãng thời gian khó khăn, vất vả với ngành nông nghiệp khi liên tục đối mặt với những bất lợi của thời tiết, sâu hại và dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi. Song, vượt lên tất cả, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn chứng tỏ được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT - XH và đảm bảo an ninh, chính trị của tỉnh nhà. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đình Sơn đã chia sẻ với Hà Tĩnh Online về các kết quả đạt được cùng những mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2005 - 2010, trong phần phương hướng, mục tiêu tổng quát đã nhấn mạnh: "Hết sức coi trọng phát triển nông nghiêp - nông thôn toàn diện". Chúng ta đã cụ thể hoá mục tiêu này trong nhiệm kỳ qua như thế nào, thưa ông?

Có thể nói rằng, ngành nông nghiệp bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong điều kiện hết sức khó khăn: thiên tai, dịch bệnh liên tục xẩy ra.

Nhiều giống mới được đưa vào khảo nghiệm để áp dụng trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng
Nhiều giống mới được đưa vào khảo nghiệm để áp dụng trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng

Khắc phục xong hậu quả các cơn bão số 5 và số 7 năm 2007, ngành lại đối mặt với đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử vào đầu năm 2008. Đến gần giữa năm 2008 thì dịch cúm gia cầm, sau đó là dịch "tai xanh" ở lợn bùng phát mạnh. Cuối năm 2008, nông nghiệp lại chịu tác động chung do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, trước những khó khăn đó, được sự giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương, sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn ngành nên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn phát triển khá và có những đột phá quan trọng.

Các chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra cơ bản đạt được như: giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đến năm 2010 ước đạt 3.245 tỷ đồng, so với đầu nhiệm kỳ tăng 710 tỷ đồng (theo giá so sánh); tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 5,64% (chỉ tiêu này đạt trên mức bình quân chung của toàn quốc); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt 44 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2005 và tăng 1,76 lần so với chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra (chỉ tiêu Đại hội XV đề ra là 25 triệu đồng); độ che phủ rừng từ 41,5% ở đầu nhiệm kỳ đã tăng lên 52%; cây cao su đã khẳng định chỗ đứng trên đất Hà Tĩnh, diện tích tăng nhanh từ 3.700 ha năm 2005 lên 9.000 ha năm 2010 (chỉ tiêu Đại hội đặt ra là 6.000 ha).

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tăng cường, nhiều công trình lớn đã và đang được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp theo hướng hiện đại như: hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hệ thống kênh trục sông Nghèn, hệ thống công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ, đê La Giang. Phong trào xây dựng nông thôn mới được trung ương biểu dương và đánh giá cao...

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn cũng còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: sản lượng lương thực bình quân chỉ đạt 47 vạn tấn/năm (năm 2010 khả năng đạt mức 49 vạn tấn) trong khi chỉ tiêu Đại hội đề ra là 55 vạn tấn; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi mới chiếm 42% trong giá trị sản xuất nông nghiệp trong khi chỉ tiêu Đại hội đề ra 45%; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sau chuyển đổi ruộng đất chưa thể hiện rõ...

Nguyên nhân dẫn đến những chỉ tiêu chưa đạt có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Ngoài việc có thể do chúng ta chưa lường hết bất thường của khí hậu, thời tiết thì cũng phải nói thêm rằng, việc chuyển từ tư duy số lượng sang giá trị chưa mạnh mẽ dẫn đến chỉ tiêu đặt ra còn cao.

Nghị quyết 26 - NQ/TW của BCH TW Đảng về nông nghiêp, nông dân, nông thôn là bước ngoặt quan trọng để giải quyết vấn đề “tam nông” trong giai đoạn mới. Đã hơn 2 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, hẳn chúng ta đã có những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện chủ trương lớn này?

Nghị quyết 26-NQ/TW là cơ hội vàng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là khi nông dân - chủ thể của Nghị quyết được đặt đúng tầm. Việc quan tâm đối với nông dân không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn là đạo lý. Trước đây, Đảng ta có những quyết sách lớn như: Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; tuy mới chỉ đề cập và giải quyết được một mảng, một vấn đề nhưng đã tạo nên bước ngoặt lịch sử. Giờ đây, với Nghị quyết 26 - NQ/TW, chúng ta đã giải quyết một cách đồng bộ, toàn diện vấn đề "tam nông". Thực hiện tốt chủ trương này sẽ có tác động tích cực đến người nông dân và toàn xã hội. Để cụ thể hóa chủ trương lớn này, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08 - NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 26 của trung ương và hơn một năm thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, chúng ta đã tạo được nhiều chuyển biến từ nhận thức của người nông dân về tư duy kinh tế thị trường trong sản xuất nông nghiệp, tư duy coi trọng giá trị và lợi nhuận sản xuất.

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất có chiều hướng gắn với chế biến và thị trường. Giá trị hàng nông, lâm, thuỷ sản ngày càng tăng. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ưu tiên hơn; công tác xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tốt...

Đi sâu vào các chương trình trọng điểm, cho thấy, nhiệm kỳ qua, cùng với đẩy mạnh CĐRĐ lần 2, các địa phương đã tăng cường cơ giới hoá nông nghiệp và đã trở thành phong trào rộng khắp, hiệu quả cao. Tỉnh ta cũng đã thực hiện có hiệu quả Quyết định số 497/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu làm nhà ở khu vực nông thôn với 2.215 hộ tham gia vay trên 101 tỷ đồng.

Về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc tập trung đầu tư cho xã Gia Phố (Hương Khê) - xã điểm của trung ương về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo 12 xã điểm của tỉnh (mỗi địa phương một xã) gấp rút hoàn thành Quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các huyện, thành, thị cũng chọn 55 xã làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (chiếm 23,4% tổng số xã trong toàn tỉnh) để tạo động lực cho việc thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa phong trào này trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự thảo báo cáo chính trị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trình Đại hội XVII xác định:“Huy động đồng bộ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp và phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà giao phó?

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp như đã đề ra trong Nghị quyết 08 - NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó, ưu tiên vào 8 giải pháp chủ đạo.

Trước hết là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người, từ đảng viên đến quần chúng, từ lãnh đạo đến nhân viên, từ CB-CNVC đến người trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng...

Thứ đến là chú trọng nâng cao kiến thức và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, coi đây là mũi đột phá trong giai đoạn tới.

Thứ nữa là tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch ngành giai đoạn 2011 - 2020; hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng nhanh các tiến bộ KH&CN mới từ khâu sản xuất giống, chăm sóc cho đến bảo quản, chế biến.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chương trình, đề án, quy hoạch và chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010-2020 là giải pháp thứ tư.

Tiếp đó là xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo hướng hiện đại, đa mục tiêu.

Thứ 6 là tiếp tục đổi mới, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản.

Ứng phó nhanh nhạy, hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu; coi trọng công tác phòng chống bão lụt, vệ sinh môi trường nông thôn là giải pháp thứ 7.

Cuối cùng là đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ việc xây dựng tốt đề án, quy hoạch đến việc tổ chức thực hiện.

Cảm ơn ông đã dành thời gian tiếp chuyện và chúc cho ngành tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa để góp phần đưa sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn Hà Tĩnh đi tới thắng lợi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast