Xây dựng nhà máy xử lý chế biến rác thải bằng công nghệ, thiết bị hiện đại

Theo thống kê của Công ty quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh, khối lượng chất thải rắn phát sinh tại thành phố Hà Tĩnh, các khu vực sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và các vùng lân cận năm 2006 là 79 tấn/ ngày, dự báo đến năm 2010 là 116 tấn/ ngày và sẽ đạt 155 tấn/ ngày vào năm 2015. Trong khi đó, sức chứa của bãi chôn lấp tại phường Văn Yên (thành phố Hà Tĩnh) đã quá tải.

Rác thải. Ảnh minh họa

Từ năm 2003 đến nay, rác thải của thành phố được tập kết về bãi chôn lấp tại Đồng Chùa, xã Thạch Yên (nay là phường Văn Yên) với quy mô 2ha. Theo thiết kế ban đầu, bãi rác này đủ chứa lượng rác thải của thành phố và các vùng phụ cận trong vòng 10 năm. Tuy nhiên do nhiều lý do, nhất là dân số tăng cao, mức tiêu thụ hàng hóa của người dân lớn và sự tập trung ngày càng nhiều các văn phòng đại diện, trung tâm thương mại…đã làm bãi chứa rác quá tải, ứ đọng khi thời gian chỉ mới 5 năm. Mặc dù bãi xử lý rác đã được mở rộng thêm 2000 m2 nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể đáp ứng khối lượng rác thải ngày càng nhiều trên địa bàn. Về lâu dài, thành phố cần có một bãi xử lý và chế biến rác thải có quy mô lớn hơn, phù hợp với quy chuẩn Việt Nam và đảm bảo khoảng cách an toàn. Bên cạnh đó, chôn lấp là phương pháp lưu giữ chất thải đơn giản, không thể xử lý triệt để rác thải, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong khu vực. Hiện nay, ở nước ta đã có một số dự án sử dụng công nghệ mới để xử lý chất thải rắn có hiệu quả cao như: công nghệ sản xuất phân vi sinh compost kết hợp với chôn lấp vệ sinh ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh); công trình xử lý rác Gò Cát ( TP Hồ Chí Minh); công nghệ SERAPHIN và công nghệ AN SINH-ASC tại nhà máy rác Đông Vinh (TP Vinh), nhà máy rác Thủy Phương (TP Huế).

Dự án xây dựng khu xử lý rác thải thành phố Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục dự án sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi bù lãi suất của Chính phủ Vương quốc Bỉ. Kinh phí thực hiện dự án hơn 101 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA (Vương quốc Bỉ) đầu tư dây chuyền chế biến phân compost và nguồn trong nước đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong nhà máy và hố chôn lấp. Vị trí quy hoạch bãi chôn lấp và nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hà Tĩnh được xác định trong đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trường bắn của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà), có diện tích 24,4 ha. Đây là khu vực ít dân cư, hệ thống giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển rác (cách trục đường giao thông chính 1.000m), xung quanh có rừng núi bao bọc, không có dân cư định cư lâu dài, không ảnh hưởng đến nguồn nước mặt…Sau khi một thời gian khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã triển khai nghiên cứu các chuyên đề khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực và chuyên ngành liên quan nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình và đề xuất những giải pháp có cơ sở khoa học về vấn đề bảo vệ môi trường, quy hoạch tổng thể khu xử lý, chôn lấp rác thải, công nghệ thiết bị, thi công, khai thác vận hành nhà máy. Với công nghệ sản xuất phân vi sinh compost kết hợp với chôn lấp vệ sinh, sản phẩm được chế biến từ rác thải sẽ là một loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm khác như giấy, kim loại, nhựa tái sinh…Lượng rác cần chôn lấp còn khoảng 30- 40%, điều đó có nghĩa đã tiết kiệm diện tích đất và chi phí. Dự kiến công suất hoạt động của nhà máy có khả năng đạt 120 tấn rác/ ngày đêm với tuổi thọ tối thiểu là 20 năm và 15 năm đối với bãi chôn lấp. Quy trình công nghệ của Nhà máy xử lý, chế biến chất thải được chia thành 4 khu: khu tiếp nhận và phân loại sơ bộ; khu ủ lên men hiếu khí; khu ủ chín; khu sàng tinh, trọn và đóng bao sản phẩm. Đối với hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, nước rò rỉ được thu gom triệt để về nơi tập trung để đưa đến nơi xử lý và chỉ được thải ra môi trường khi đạt tiêu chuẩn cho phép.

Vừa qua, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh phối hợp với UBND thành phố Hà Tĩnh, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về Quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Các bên đã đề xuất các phương án tối ưu, khả thi nhất để chế biến phân hữu cơ từ rác thải có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường cho thành phố và các vùng phụ cận, bao gồm cả cộng đồng dân cư thuộc 2 xã Ngọc Sơn và Thạch Ngọc, nơi trực tiếp chị sự tác động ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác thải.

Mặc dù rác thải là mối nguy hại cho môi trường và con người nhưng nếu biết tận dụng và xử lý thì không những không gây hại mà cnf là nguồn sinh lợi cho con người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast