Xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2010: Ngành nào cũng khó

2 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD, chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu trong các tháng tới và cả năm 2010 sẽ khó khăn hơn. Đây là nội dung chính tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2010 do Bộ Công thương tổ chức tại TPHCM ngày 11-3.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng vừa qua vẫn giữ được mức tăng 0,1% là do giá một số mặt hàng xuất khẩu tăng. Dẫn đầu là sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 92%, cao su tăng 86%, dầu thô tăng 74%, than đá tăng 45%, gạo tăng 24%, hạt điều tăng 19%… Như vậy, chỉ tính riêng yếu tố tăng giá các mặt hàng này đã giúp kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng qua tăng thêm 600 triệu USD.

Theo nhận định của ông Biên, xuất khẩu năm 2010 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và phải cạnh tranh khốc liệt hơn nữa với hàng hóa cùng chủng loại của các nước châu Á. Đối với các mặt hàng nông sản, khoáng sản có thế mạnh thì năng lực sản xuất đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao.

Vốn được ví như “mạch máu” của DN, nhưng hiện tại hầu hết các DN đều lâm vào tình trạng thiếu vốn. Theo ông Vũ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện hiệp hội đang triển khai việc mua dự trữ 200.000 tấn tiêu để tạo áp lực giá trên thị trường thế giới. Vấn đề rất cấp bách nhưng các DN lại không có vốn để triển khai.

Các doanh nghiệp kiến nghị, Ngân hàng Phát triển VN sớm giải ngân và dành khoản tín dụng cho vay ngắn hạn 2.000 tỷ đồng để các DN trong ngành mua nguyên liệu từ tháng 3 tháng 5-2010, dành khoản tín dụng cho vay trung hạn ưu đãi 1.500 tỷ đồng để giúp các DN cải tạo nhà xưởng và đầu tư trang thiết bị phục vụ chế biến. Đối với các ngân hàng thương mại cần cho vay theo dạng tín chấp và thế chấp theo hạn mức bằng 90% giá trị kho hàng hoặc tài sản DN.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định, tất cả những kiến nghị của DN sẽ được tập hợp để trình Chính phủ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho DN, trong đó có việc yêu cầu ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi về thời hạn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu.

Trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt với rất nhiều thách thức, nếu chúng ta không có những giải pháp điều hành linh hoạt và dồn sức cho DN thì sẽ khó đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định an sinh xã hội.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast