4 bài học quý từ CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ngành Giáo dục Hà Tĩnh

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 4 năm qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, đưa phong trào trở thành sinh hoạt chính trị liên tục, sâu rộng, có tác dụng giáo dục lớn, thu hút đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia.

Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các cấp uỷ Đảng, BCĐ CVĐ từ Sở đến các đơn vị trong toàn ngành được thành lập để tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2007, ngành tổ chức Hội nghị Xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó, tập trung làm rõ thực trạng của sự suy thoái đạo đức, lối sống làm nảy sinh tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Sau hội nghị đó, Sở ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. Để có thêm chiều sâu và sát với thực tiễn, ngành đã phát động phong trào tích cực hưởng ứng CVĐ theo hướng: mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo..., đồng thời tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến cấp ngành, sơ kết các CVĐ theo từng năm học nhằm đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Giờ thực hành môn Hoá học Học sinh của cô trò Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh)
Giờ thực hành môn Hoá học Học sinh của cô trò Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh)

Ngành Giáo dục cũng đã tổ chức tốt Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ Cơ quan Văn phòng Sở đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh với 95,86% đơn vị tham gia.

Ngoài ra, hằng năm, ngành còn tổ chức các chuyên đề riêng, đi sâu học tập, quán triệt các nội dung thuộc phạm trù đạo đức, tư tưởng của Bác; chỉ đạo chuyên môn tích hợp nội dung CVĐ vào bài giảng các môn học phù hợp và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá bổ ích; chỉ đạo các đơn vị, căn cứ nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu thực tiễn để gắn chặt nội dung CVĐ vào nhiệm vụ cụ thể.

Giáo dục là lĩnh vực nổi trội trong phong trào thi đua yêu nước của Hà Tĩnh khi 4 năm liên tục là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc, được Chính phủ và Bộ GD&ĐT tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Đặc biệt, năm 2010, giáo dục Hà Tĩnh vinh dự đón nhân Huân chương Độc lập Hạng nhất.

Từ nhận thức đến hành động, nội dung làm theo và chỉ đạo thực hiện của ngành đã đạt những kết quả nổi bật như: việc tính toán lại định mức xăng xe ô tô của cơ quan, đã tiết kiệm được mỗi năm 45 triệu đồng; thay đổi phương thức tổ chức các hội nghị chuyên đề và chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 mỗi năm tiết kiệm được gần 800 triệu đồng; cải tiến nhiều thủ tục như xác minh văn bằng, chứng chỉ, thuyên chuyển và tiếp nhận học sinh THPT đi, đến ngoại tỉnh ... giảm sự phiền hà trong việc đi lại, chờ đợi của người dân.

CVĐ đã có tác động tích cực đến tư tưởng của đại bộ phận cán bộ, giáo viên, HSSV toàn ngành; ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của mọi người được nâng lên; nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới nâng cao hiệu quả công việc quản lý, thi đua làm theo lời Bác: dạy thật tốt, học thật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học.

Từ thực tiễn sinh động trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ, Giáo dục Hà Tĩnh rút ra 4 bài học quý:

Thứ nhất, sự tập trung lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy là yếu tố có ý nghĩa then chốt trong công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là nhân tố quyết định thắng lợi của CVĐ.

Thứ hai, nơi nào Bí thư, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, đội ngũ cán bộ chủ chốt nhận thức đầy đủ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện phương châm "nói đi đôi với làm, kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo, xây đi liền với chống"... thì ở đó CVĐ và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến đồng bộ, rõ nét và hiệu quả.

Thứ ba, trong quá trình triển khai, phải luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết; biết coi trọng cả diện rộng và chiều sâu, tạo ra ý thức bền bỉ, kiên trì trong việc học tập tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác; gắn chặt việc thực hiện CVĐ với nhiệm vụ chính trị của cá nhân, đơn vị và các phong trào của ngành theo từng đợt thi đua, từng chủ điểm phù hợp.

Thứ tư, chú trọng tuyên truyền về những cá nhân, đơn vị điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ để ngày càng có nhiều việc làm ý nghĩa, kể cả nhưng việc đơn giản, bình thường nhất trong cuộc sống.

Nhằm đưa CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể, tích hợp nội dung đạo đức Hồ chí Minh, trong đó chú trọng vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào chương trình, quá trình giáo dục một cách hệ thống, sâu sắc. Theo đó, cùng với chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, hiệu lực quản lý của Ban Giám hiệu, ngành tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy để hiện thực hoá phong trào thi đua “hai tốt” theo lời Bác dạy; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp phát triển giáo dục; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi tiêu cực khác trong ngành; nâng cao đạo đức cách mạng trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý và HSSV; tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện CVĐ cấp ngành vào năm học 2011 - 2012.

Sau 4 năm triển khai CVĐ, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã có 6 tập thể và 7 cá nhân trong tổng số 55 tập thể và 57 cá nhân được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến cấp tỉnh; 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 22 người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; tỷ lệ đảng viên trong ngành tăng 5,1%%, giáo viên trên chuẩn tăng 7,2%, trường đạt chuẩn quốc gia tăng 11%; chất lượng giáo dục đại trà ngày càng ổn định và thực chất; chất lượng mũi nhọn tiếp tục giữ vững và phát triển. Số Học sinh giỏi Quốc gia tăng đều hàng năm: năm 2006 đạt 51%; năm 2007, đạt 68,3%; năm 2008 đạt 65,5%; năm 2009 là 76,6% và năm 2010 đạt 81,6% trên tổng số học sinh dự thi; số học sinh trúng tuyển các trường ĐH, CĐ tăng mạnh: năm 2006 là 5.768 em, năm 2007 là 7.720, năm 2008 là 9.731, năm 2009 là 12.510 và năm 2010 được xếp vào tốp 20 tỉnh thành dẫn đầu toàn quốc.Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010 vừa qua, Hà Tĩnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành về số học sinh đạt từ 27 điểm trở lên (3 môn).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast