Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã - hiệu quả thực tiễn và những vấn đề đặt ra

Khánh Lộc là xã đầu tiên của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời làm Chủ tịch UBND xã. Vượt qua những trở ngại và khó khăn ban đầu, sau nửa năm triển khai, việc thực hiện mô hình này mang lại những kết quả khả quan, từng bước khẳng định một cách làm mới theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Chọn mặt gửi vàng

Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Mai Khắc Tám từng là một người lính. Sau 4 năm phục vụ quân ngũ, năm 1980, anh trở về quê hương tham gia công tác xã, đã kinh qua nhiều chức vụ từ cán bộ phong trào và nay là người lãnh đạo cao nhất của xã. Anh Tám tâm sự: “Khi nhận quyết định và trực tiếp đảm nhiệm hai vị trí chủ chốt ở xã thì công việc có khó khăn, nhưng sau đó cũng dần ổn định. Các nhiệm vụ của cơ quan được phân công rõ ràng nên công việc tiến hành nhanh, gọn và tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội ở địa phương”.

Khánh Lộc triển khai thực hiện đề án đưa đường bê tông ra đồng ruộng.

Khánh Lộc triển khai thực hiện đề án đưa đường bê tông ra đồng ruộng.

Thực tế ở xã Khánh Lộc đặt ra yêu cầu đối với người Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cần phải xây dựng bộ máy giúp việc có hiệu quả, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các vị trí phó bí thư thường trực và các phó chủ tịch, tạo sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, chính quyền. Cán bộ cấp dưới phải là những người có tinh thần đoàn kết, có năng lực bao quát công việc, có chiều sâu về nghiệp vụ, dám chịu trách nhiệm với công việc được giao.

Đối với người giữ vai trò vừa là Bí thư Đảng ủy vừa là Chủ tịch UBND xã đòi hỏi trách nhiệm nặng nề hơn. Anh Tám cho biết, trong điều hành về mặt Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy xã phân công cho mỗi thành viên theo dõi, giám sát từng chi bộ trực thuộc, mỗi tháng Đảng ủy xã đều có kế hoạch công tác. Trên cơ sở đó, hằng tuần chính quyền triển khai từng nội dung công việc cụ thể. Các cuộc họp giao ban giảm nhiều so với trước, trong khi đó, công việc vẫn tiến hành nhanh, kịp thời và hiệu quả. Đối với những vấn đề nảy sinh trên địa bàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã đến tận nơi trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình để có những phương án giải quyết phù hợp.

Trên cương vị đảm nhận “hai vai” chủ chốt, Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã Mai Khắc Tám cùng tập thể Đảng uỷ xã Khánh Lộc lãnh đạo địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đưa xã vào tốp đầu của huyện về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khánh Lộc là xã đi đầu về thực hiện chương trình xây dựng các công trình nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn; là xã đầu tiên của huyện Can Lộc thực hiện thí điểm quy hoạch và phân cấp quản lý hệ thống giao thông nông thôn, phấn đấu đến tháng 3-2010 hoàn thành quy hoạch giao thông cắm mốc lộ giới; hiện xã huy động sức dân “cứng hoá” 21km đường bê thông liên thôn và đang triển khai đề án làm đường bê tông vươn ra đồng…

Điều thành công nhất từ khi thực hiện thí điểm mô hình cho đến nay chính là sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng và chính quyền. Cán bộ, đảng viên đồng tình với sự chỉ đạo tập trung về mặt Đảng và Nhà nước của cấp trên. Đồng thời, những vấn đề bức xúc, những kiến nghị của nhân dân được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn.

Khó triển khai đồng bộ

Từ mô hình thí điểm ở xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc chỉ đạo xã Tùng Lộc và sắp tới thêm xã Gia Hanh triển khai thực hiện. Bí thư Huyện uỷ Can Lộc Bùi Đức Hạnh, cho rằng: một trong những khó khăn đầu tiên khi thí điểm mô hình trên chính là yếu tố con người. Làm sao chọn được cán bộ chuyên tâm với công việc, có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, có tầm nhìn chiến lược và biết cách sắp xếp, phân định vai trò, vị trí về mặt Đảng và chính quyền. Người cán bộ đó phải khiêm tốn, cầu toàn, biết phát huy dân chủ để tránh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, biết phân công, phân nhiệm rõ ràng cho cấp dưới, không ôm đồm nhiều việc.

Bí thư Đảng ủy đồng thời làm Chủ tịch UBND xã nếu có năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, có khả năng về nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính quyền và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ uy tín thì sẽ trở thành trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngày mùa trên quê hương Thiên Lộc - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ngày mùa trên quê hương Thiên Lộc - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thực tế hiện nay, do lịch sử để lại, đội ngũ cán bộ cấp xã, phường của chúng ta còn nhiều bất cập. Ở Can Lộc, mặc dù thời gian qua huyện đã có cơ chế, chính sách phù hợp từng bước nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở nhưng hiện chỉ có 1/3 cán bộ xã có trình độ đại học (chủ yếu là hệ tại chức). Qua chỉ đạo thực hiện ở địa phương, nổi lên một vấn đề cần quan tâm, đó là tình trạng cán bộ được bầu giữ chức vụ cao không dám nhận vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những địa phương này khi thực hiện mô hình Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã sẽ rất khó khăn, dễ nẩy sinh tiêu cực.

Thường vụ Huyện uỷ Can Lộc đánh giá khách quan, nếu triển khai đại trà mô hình này sẽ có 1/3 địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, 1/3 giữ được phong trào, còn lại sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Từ thực tế đó, Can Lộc tiếp tục chỉ đạo một số địa phương làm điểm, sơ kết rút kinh nghiệm về vấn đề này và có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ can bộ vừa đủ đức, đủ tài trước khi thực hiện mô hình này ở diện rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast