Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường

Tiếp tục ngày làm việc thứ 9 kỳ họp thứ 7, chiều 31/5, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Tân chủ trì buổi thảo luận tại tổ gồm 5 Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, Hưng Yên và Hà Tĩnh. Các đại biểu tập trung thảo luận về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, về người nộp thuế, khung thuế, hoàn thuế và phân chia nguồn thu.

Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 7, QH khoá XII:

Đại biểu Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu ý kiến khẳng định sự cần thiết phải có một đạo luật điều chỉnh lĩnh vực này có tác dụng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường; động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về môi trường và thực hiện đầy đủ các cam kết của Chính phủ Việt nam với cộng đồng Quốc tế.

Đại biểu Trần Tiến Dũng phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Tiến Dũng phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Có 5 nhóm đối tượng chịu thuế gồm: Xăng, dầu, dung dịch HCFC; túi nhựa xốp, than và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Về thẩm quyền xác định thuế, ý kiến của đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị Quốc hội cần quy định mức thuế ngay trong luật, không quy định biểu khung thuế và sau đó giao cho UBTVQH và Chính phủ quy định cụ thể mức thuế các nhóm đối tượng chịu thuế như trong dự thảo luật nhằm đảm bảo thẩm quyền quyết định của Quốc hội về các sắc thuế, đồng thời đảm bảo tính chủ động cho các doanh nghiệp tính toán xác định chi phí vào giá thành sản phẩm để ổn định trong sản xuất và hoạch định chiến lược đầu tư.

Thuế nhóm than đá quy định mức thu từ 6.000đ đến 30.000 đ/tấn là quá thấp, đề nghị tăng lên vì đây là nhóm hàng hoá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Về phân chia nguồn thu, đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị nên ưu tiên để lại 100% cho địa phương hoặc phải để lại 70% để địa phương có nguồn ngân sách đầu tư cho các hoạt động ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, tái tạo môi trường. Một số đại biểu khác trong tổ đồng tình cao với ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Tiến Dũng.

Các đại biểu băn khoăn về một số nội dung quy định khác trong dự thảo luật cần có sự rà soát kỹ để tránh những quy định thuế chồng thuế, về nhóm đối tượng chịu thuế và dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ để tránh sự gian lận, lách luật trong việc hoàn thuế. Cần áp dụng phương pháp tính thuế như thế nào cho phù hợp với hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam và các nước trong xu thế hội nhập.

Một số đại biểu đề cập đến các loại phương tiện, máy móc hiện nay không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường (các dòng xe, máy cũ v.v đang hàng ngày gây ra ô nhiễm môi trường do động cơ quá cũ, lạc hậu) đề nghị Chính phủ nên quy định vấn đề này nhằm hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast