Mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND - từ “điểm” đến “diện”

Thực hiện Hướng dẫn số 25 ngày 06-03-2009 của Ban Tổ chức TW và Kế hoạch 42 ngày 10-04-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, toàn tỉnh lựa chọn 16 xã, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời làm Chủ tịch UBND. Sau nửa năm triển khai thực hiện, mô hình này bước đầu mang lại những kết quả khả quan, đồng thời cũng bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm.

Cán bộ - yếu tố quan trọng hàng đầu

Sơn Lâm là xã miền núi, trình độ dân trí thấp, có gần 50% đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, tình hình kinh tế-xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,5%. Những năm trước đây, Đảng bộ Sơn Lâm bị đánh giá tinh thần đoàn kết chưa cao. Nhằm tạo bước chuyển mới và cũng là bước thể nghiệm táo bạo, Ban Thường vụ Huyện uỷ Hương Sơn quyết định chọn Sơn Lâm thực hiện thí điểm mô hình bí thư Đảng uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã. Người được “chọn mặt gửi vàng” là anh Lê Trọng Lài, người có nhiều kinh nghiệm làm công tác Đảng lẫn chính quyền. Anh Lài có thâm niên 17 năm làm Chủ tịch UBND xã và 5 năm làm bí thư Đảng uỷ nên việc đảm nhiệm “hai vai” có nhiều thuận lợi.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", quý 3-2009, xã miền núi Sơn Lâm (Hương Sơn) làm được 11km đường bê tông liên thôn, liên gia - Ảnh: V.H.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", quý 3-2009, xã miền núi Sơn Lâm (Hương Sơn) làm được 11km đường bê tông liên thôn, liên gia - Ảnh: V.H.

Anh Lài tâm sự: Khi nhất thể hóa hai vị trí chủ chốt này, nhiều người e ngại sẽ có sự chuyên quyền, độc đoán và thiếu tập trung, thống nhất trong giải quyết các vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở địa phương. Tuy nhiên, qua triển khai công việc, không hề có sự chồng chéo, lấn sân giữa vai trò của Đảng với vai trò của chính quyền. Ngược lại, bí thư Đảng ủy có thể nắm bắt rõ hơn tình hình ở địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng Nghị quyết, đề ra các chủ trương sát với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, những chủ trương mà Ban Thường vụ Đảng ủy xã đưa ra được chính quyền tổ chức thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Việc áp dụng mô hình này đã giảm được khâu truyền đạt, báo cáo, xin ý kiến, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm và chấm dứt thực trạng Đảng ra Nghị quyết, chính quyền chậm triển khai thực hiện.

Điều thành công nhất từ khi thực hiện thí điểm mô hình cho đến nay chính là sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng và chính quyền. Cán bộ, đảng viên đồng tình với sự chỉ đạo tập trung về mặt Đảng và Nhà nước của cấp trên. Đồng thời, những vấn đề bức xúc, những kiến nghị của nhân dân được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn. Nhờ thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành triển khai các nhiệm vụ, năm 2009, Sơn Lâm vươn lên nằm trong tốp đầu của huyện Hương Sơn. Trong năm, Sơn Lâm triển khai thực hiện nhiều dự án, tiến hành giải phóng mặt bằng hàng ngàn m2 đất đảm bảo dân chủ, công khai, được nhân dân đồng tình. Đặc biệt, từ một xã “đói” đường bê tông, năm 2009 phong trào làm đường giao thông nông thôn của Sơn Lâm được triển khai rầm rộ, chỉ sau 2 tháng ra quân toàn xã làm được 11km đường bê tông liên gia.

Huyện Can Lộc là địa phương mạnh dạn lựa chọn 3 xã ở ba vùng khác nhau thực hiện thí điểm mô hình và cũng là địa phương thực hiện thành công nhất mô hình này. Xã Gia Hanh, một xã bán sơn địa địa hình đa dạng và phức tạp, có gần 50% giáo dân, được Huyện uỷ Can Lộc chọn làm điểm cho mô hình xã miền núi. Người được chọn làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Gia Hanh là anh Nguyễn Văn Trinh - người lính trở về từ chiến trường, từng kinh qua nhiều chức vụ, có thâm niên 10 năm làm chủ tịch và 5 năm làm bí thư Đảng uỷ xã.

Sau CĐRĐ giai đoạn 2, toàn xã Gia Hanh (Can Lộc) phát triển được 220 mô hình trang trại, trong đó có 50 mô hình thu nhập từ 50-200 triệu đồng/năm - Ảnh: V.H.
Sau CĐRĐ giai đoạn 2, toàn xã Gia Hanh (Can Lộc) phát triển được 220 mô hình trang trại, trong đó có 50 mô hình thu nhập từ 50-200 triệu đồng/năm - Ảnh: V.H.

Anh Trinh tâm sự, khi nhận quyết định và trực tiếp đảm nhiệm hai vị trí chủ chốt ở xã thì công việc có khó khăn, nhưng sau đó cũng dần ổn định. Người giữ vai trò vừa là bí thư Đảng ủy vừa là chủ tịch UBND xã đòi hỏi trách nhiệm nặng nề hơn, nhưng quan trọng nhất anh phải thể hiện được vai trò trung tâm trong chỉ đạo, điều hành cũng như phân công trách nhiệm cho các thành viên, cả cơ quan đảng lẫn chính quyền. Điều cốt yếu nhất để tạo nên sự thống nhất trong bộ máy đòi hỏi phải xây dựng được quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các bộ phận rõ ràng, khoa học và dân chủ. Các nhiệm vụ của cơ quan được phân công rõ ràng nên công việc tiến hành nhanh, gọn và tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội ở địa phương.

Chẳng hạn như ở Gia Hanh, trong điều hành về mặt Đảng, theo quy chế phân công trách nhiệm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã phân công cho mỗi thành viên theo dõi, giám sát từng chi bộ trực thuộc, mỗi tháng Đảng ủy xã đều có kế hoạch công tác. Trên cơ sở đó, hằng tuần chính quyền triển khai từng nội dung công việc cụ thể. Nhờ vậy, các cuộc họp giao ban giảm nhiều so với trước, trong khi đó, công việc vẫn tiến hành nhanh, kịp thời và hiệu quả. Biểu hiện rõ nét nhất ở Gia Hanh là hiệu quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội có sự chuyển biến tích cực. Năm 2009, Gia Hanh là địa phương nằm trong tốp đầu của huyện về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đi đầu của huyện, đặc biệt là phong trào làm đường bê tông nông thôn, với 8,5 km đường liên thôn, liên gia và 1,5km kênh mương thuỷ lợi được xã “cứng hoá” trong vòng 2 tháng ra quân.

Đảng và chính quyền – “2 vai” phải cân nhau

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Trần Nam Hồng cho rằng, khó khăn đầu tiên khi thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND chính là yếu tố con người. Nếu quá trình lựa chọn không đảm bảo sẽ dẫn đến phản tác dụng, nẩy sinh độc đoán, chuyên quyền hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Thực tế ở Hà Tĩnh, một số địa phương phải thay đi đổi lại nhiều lần mô hình điểm, thậm chí có văn bản xin không thực hiện, khi có ý kiến chỉ đạo kiên quyết của Thường trực, BTV Tỉnh uỷ mới chọn và tập trung chỉ đạo.

Qua thực hiện làm điểm mô hình ở một số địa phương, bên cạnh những mặt tích cực, trong hoạt động bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND do chưa có kinh nghiệm hoạt động công tác Đảng, kinh nghiệm điều hành chính quyền còn non nên chưa thể hiện được vai trò của mình. Mặc dầu các đơn vị thực hiện thí điểm đều xây dựng quy chế làm việc, mối quan hệ phối hợp, nhưng trong hoạt động của cá nhân đồng chí bí thư kiêm chủ tịch vẫn còn lúng túng, bị động, lẫn lộn và nặng về điều hành nhà nước.

Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) Nguyễn Sỹ Huyền cho biết, anh vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã chưa được 7 tháng thì được chọn đảm nhận “2 vai” mặc dù bản thân chưa trải qua ngày nào làm công tác Đảng. Điều này đã hạn chế rất nhiều trong chỉ đạo, điều hành và phân công nhiệm vụ cho cấp dưới. Chính vì thế, xét về mặt điều hành chính quyền một số việc xem ra thuận lợi hơn nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy còn lúng túng, chưa tạo được sự đồng tình thống nhất cao do người đứng đầu còn ôm đồm quá nhiều việc.

Tùng Lộc là 1 trong 3 xã được huyện Can Lộc chọn làm điểm mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, năm 2009, xã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia - Ảnh: V.H.
Tùng Lộc là 1 trong 3 xã được huyện Can Lộc chọn làm điểm mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, năm 2009, xã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia - Ảnh: V.H.

Theo ông Trần Nam Hồng, yêu cầu cán bộ đảm đương chức vụ bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND rất cao, cả về năng lực thực thi nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức lối sống. Người cán bộ này phải chuyên tâm với công việc, có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, có tầm nhìn chiến lược và biết cách sắp xếp, phân định vai trò, vị trí về mặt Đảng và chính quyền. Người cán bộ đó phải khiêm tốn, cầu toàn, biết phát huy dân chủ để tránh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, biết phân công, phân nhiệm rõ ràng cho cấp dưới, không ôm đồm nhiều việc. Bí thư cấp ủy đồng thời làm chủ tịch UBND nếu có năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, có khả năng về nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính quyền và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ uy tín thì sẽ trở thành trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chuẩn bị nhân lực để nhân rộng mô hình

Với những địa phương như Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ.., được đánh giá làm tốt công tác cán bộ, có tỷ lệ cán bộ cấp cơ sở đồng đều nhưng khi đề cập đến việc nhân mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND ra diện rộng đều gặp phải những rào cản nhất định. Bí thư Huyện uỷ Hương Sơn Nguyễn Xuân Thọ cho rằng, nếu triển khai đại trà mô hình này sẽ có 1/3 địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, 1/3 giữ được phong trào, còn lại sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Nhận định này cũng trùng hợp với ý kiến của Bí thư Huyện uỷ Can Lộc Bùi Đức Hạnh.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng cho rằng, nếu thực hiện đại trà mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND sẽ rất khó khăn, dễ nẩy sinh tiêu cực do hiện nay Hà Tĩnh chưa có đội ngũ cán bộ đáp ứng đủ tiêu chuẩn, khó đảm đương nổi chức trách, nhiệm vụ được giao. Để giải quyết vấn đề này, ngày 19-08-2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09 về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, phấn đấu đến năm 2015, các chức danh cán bộ, công chức cấp xã được chuẩn hoá theo Quyết định 04 ngày 16-01-2004 của Bộ Nội vụ.

Tỉnh đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc luân chuyển, đưa những cán bộ, công chức cơ sơ đảm bảo tiêu chuẩn, có triển vọng lên công tác ở cấp trên, đồng thời có chính sách đưa một số công chức trẻ, có triển vọng về rèn luyện, thử thách ở cơ sở; tích cực thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở các xã, phường, thị trấn. Thực hiện nhất quán xã, phường, thị trấn là cấp hành chính hoàn chỉnh, tạo sự liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở. Đây sẽ là bước chuẩn bị tích cực trong chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở vừa đủ đức, đủ tài trước khi thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND ở diện rộng.

Đội ngũ cán bộ cấp xã, phường của Hà Tĩnh hiện còn nhiều bất cập, việc trẻ hoá đội ngũ cán bộ cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng trên 260 bí thư xã, phường, thị trấn, có tới 44,27% trên 50 tuổi, không có người nào dưới 31 tuổi; số uỷ viên ban chấp hành đảng bộ cơ sở dưới 31 tuổi chỉ chiếm 8,4%. Đội ngũ cấp uỷ viên cơ sở xã, phường, thị trấn năng lực, trình độ thấp, có 57,62% chưa có trình độ chuyên môn và 21,09% chưa được đào tạo trình độ lý luận. Trong tổng số trên 960 thành viên UBND cấp xã, phường, thị trấn, số chưa qua đào tạo và chỉ có trình độ sơ cấp về chuyên môn chiếm 38,51%; số chưa qua đào tạo trình độ quản lý hành chính chiếm 82,11% và chưa qua đào tạo trình độ quản lý kinh tế là 89,54%.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast