“Quá tải”... hội họp!

(Baohatinh.vn) - Từ lâu, câu chuyện hội họp đã được bàn tới trong nhiều diễn đàn cũng như ngoài đời sống. Họp nhiều đã tác động không tích cực tới chức năng điều hành, quản lý và xử lý công việc của các cơ quan công quyền, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.

Theo lịch làm việc trong ngày nghỉ thứ 7 (1/10), huyện Nghi Xuân bố trí đến 6 cuộc họp, trong đó có 4 cuộc tổ chức tại UBND huyện. Thực tế, không chỉ tại Nghi Xuân mà hầu hết các sở, ngành và huyện, thị đều cùng chung nỗi niềm về việc chuẩn bị và tham dự họp.

Tiếp cận lịch công tác của huyện Lộc Hà, trong ngày 9/8, lãnh đạo huyện phải vào vai “chủ tọa” hoặc “thượng khách” tại 8 cuộc hội nghị, họp. Dõi theo trình tự ngày và thứ, lịch công tác của tháng 8 đã cho thấy nỗi vất vả vì họp của các lãnh đạo UBND huyện này, bởi lẽ, rất ít ngày trong tháng, lãnh đạo huyện có một buổi làm việc tại phòng.

qua tai hoi hop

Hội nghị trực tuyến là một giải pháp giảm đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cấp cơ sở. (Trong ảnh: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng)

Cùng chung thực trạng, lịch công tác của UBND huyện Cẩm Xuyên trong tháng 8 cũng kín các cuộc họp từ tỉnh, huyện chủ trì đến làm việc tại xã và các đơn vị. Xem thử một số ngày, tôi ngạc nhiên thấy những vạch kẻ phân ô sáng - chiều nối tiếp là họp, hội nghị. Như ngày 23/8, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên phải tham gia tới 11 cuộc làm việc và hội họp, trong đó, riêng buổi chiều có tới 6 cuộc, 3 cuộc tham dự tại tỉnh.

Với lịch họp như vậy có thể thông cảm vì sao Chánh văn phòng UBND huyện Can Lộc Ngô Đức Thư mới đây đã nói với tôi: “Họp nhiều quá! Có ngày không đủ lãnh đạo để tham dự”.

Cấp huyện, hầu hết lãnh đạo chính quyền có 3 người (chủ tịch và 2 phó chủ tịch) vậy mà nhiều khi vẫn rơi vào cảnh “thiếu lãnh đạo để tham dự”. Điều này càng khiến nhiều người đồng cảm hơn với cấp cơ sở (đa phần chỉ có chủ tịch và 1 phó chủ tịch).

Một cán bộ ở xã Thạch Văn (Thạch Hà) xin giấu tên, cho biết: có hôm trùng đến 3 cuộc họp ở tỉnh và huyện, trong khi lãnh đạo chỉ có 2 người nên phải cử công chức đi để tiếp thu; những khi công chức đi thay thường phải giải trình rõ ràng với cơ quan chủ trì họp vì yêu cầu của cơ quan chủ trì là lãnh đạo phải dự. Cán bộ này cũng thành thật: Nhiều hôm cán bộ đi họp, người dân đến giao dịch đành phải hẹn cuối giờ hoặc hôm sau vì không có lãnh đạo ở trụ sở để ký giấy; thậm chí, nhiều hồ sơ, vì cấp thiết quá, công chức phải đánh đường hơn 10 km lên huyện gọi lãnh đạo từ phòng họp ra hành lang để ký cho người dân.

Câu chuyện ở Thạch Văn dẫu được lãnh đạo nọ hết sức e dè, đến mức phải nói dưới dạng “tâm sự thật với anh”, nhưng đã không còn là điểm riêng của một địa chỉ. Theo tìm hiểu, hầu hết các xã, thị trấn đều có chung thực trạng này. Nguyên nhân quan trọng ở đây là chịu tác động thụ động từ các cấp. Đáng nói, nhiều khi cùng là cấp huyện, nhưng lại nhiều ban, ngành cùng tổ chức họp trong một thời gian nên lãnh đạo cơ sở chỉ còn cách là "vi phạm" văn hóa hội họp một cách bất đắc dĩ.

qua tai hoi hop

Biếm họa của Satế (Nguồn: internet)

Thực tiễn cơ sở đòi hỏi phải giải quyết nhiều sự vụ, sự việc liên quan đến người dân. Người dân cũng là khách của tổ chức hành chính cấp huyện, tỉnh – nơi có các phòng tiếp công dân, giải quyết thủ tục hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, giải pháp giảm các cuộc họp xem ra đành phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp điều hành, thay vì những khẩu hiệu đại loại như “đổi mới phương pháp điều hành hội họp”, “giảm các cuộc họp không cần thiết”...

Trong cuộc họp tại Tỉnh ủy gần đây, ông Võ Công Hàm - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, kiến nghị: nên chăng, một số cuộc họp ở tỉnh thì cứ cử ngành chuyên môn, chứ đừng buộc phải có lãnh đạo dự vì như thế thì suốt ngày cứ họp, không có thời gian xử lý công việc.

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Việc họp còn nhiều, cần điều chỉnh theo hướng thực sự cần mới họp và phải coi giảm họp là một yêu cầu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khái niệm “thực sự cần” chưa thể minh định, nên việc tổ chức họp lâu nay vẫn được lý giải là: cần mới tổ chức họp. Thay vì tranh cãi về từ ngữ, thiết nghĩ, điều quan trọng nhất là quan điểm của lãnh đạo đối với cách xử lý công việc. Với một số nội dung, thay vì họp (có thể họp sẽ cho thấy cơ quan nọ, lãnh đạo kia rất quan tâm đến điều này, nọ) nên chăng có thể điều hành theo hình thức ít ồn ào, giảm đi lại hơn chẳng hạn như thông qua giao dịch điện tử, gửi văn bản xin ý kiến...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast