Sớm có giải pháp với tình trạng dôi dư nhân lực trong ngành giáo dục

(Baohatinh.vn) - Chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, chiều 4/12, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc với các Sở: Nội vụ, GD&ĐT, Y tế để nghe báo cáo tình hình thực hiện biên chế hành chính sự nghiệp năm 2014, kế hoạch 2015; việc tiếp nhận, thuyên chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên, viên chức trong ngành giáo dục; tình hình bộ máy biên chế công chức viên chức, tuyển dụng viên chức ngành y tế năm 2014, kế hoạch 2015.

Sớm có giải pháp với tình trạng dôi dư nhân lực trong ngành giáo dục ảnh 1

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị Sở Nội vụ rà soát lại và nghiên cứu đề nghị các đơn vị đề xuất tăng biên chế

Báo cáo của các Sở: Nội vụ, GD&ĐT, Y tế nêu rõ, năm 2014, UBND tỉnh đã giao 2.584 biên chế công chức, trong đó khối sở, ban, ngành 1.434 biên chế; khối huyện, thành, thị 1.073 biên chế và dự phòng và thực hiện chính sách thu hút 77 biên chế. Tổng công chức hành chính được các cấp các ngành bố trí sử dụng đến ngày 31/12/2014 là 2.372 người, còn 214 biên chế, trong đó 137 biên chế chưa tuyển dụng và 77 biên chế dự phòng.

Đối với biên chế viên chức, UBND tỉnh giao cho các đơn vị 29.411 biên chế và giữ lại để thực hiện dự phòng 63 biên chế. Cụ thể, UBND tỉnh giao cho sự nghiệp giáo dục 22.780 biên chế, đến cuối tháng 10 năm 2014 là 21.482 (còn 1.298 chỉ tiêu do giáo viên các bậc học nghỉ hưu trong năm, giáo viên bộ môn thiếu được thực hiện cân đối, điều chuyển giữa các cấp học và 907 biên chế bậc MN đang tuyển dụng).

Trong năm 2014, có 92 giáo viên thuyên chuyển giữa thị xã, thành phố; 785 giáo viên thuyên chuyển nội huyện, khối trực thuộc thuyên chuyển 52 người; tiếp nhận 2 giáo viên ngoài tỉnh. Ngành cũng thực hiện hợp đồng 41 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thạc sỹ ngành sư phạm.

Đối với việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên MN trong năm học 2014-2015, đến nay, các huyện đã thoàn thành việc xét đặc cách cho các đối tượng I và II theo văn bản 3751 của UBND tỉnh, qua đó, đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 424 chỉ tiêu cho đối tượng I tại một số huyện và đang trình thẩm định 244 người. Ngành cũng đã cho hợp đồng 97 giáo viên ở một số huyện do thiếu giáo viên đứng lớp.

Sớm có giải pháp với tình trạng dôi dư nhân lực trong ngành giáo dục ảnh 2

Tình trạng mất cân đối thừa - thiếu giáo viên giữa các huyện vẫn còn tồn tại (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

ối với sự nghiệp Y tế, UBND tỉnh giao 4.957 biên chế và có mặt đến cuối tháng 10 năm 2014 là 4.766 người (còn 191 biên chế cho trong năm ngành chưa tuyển dụng hết chỉ tiêu và có một số người nghỉ hưu chưa tuyển bổ sung).

Nhìn chung, việc giao biên chế của các sở đảm bảo trong tổng biên chế được Bộ Nội vụ giao và HĐND tỉnh phê duyệt

Kế hoạch trong năm 2015, tổng biên chế công chức được giao là 2.586 chỉ tiêu (trong đó các sở, ban, ngành 1.448, các huyện thành thị 1.072, có 66 biên chế dự phòng). Biên chế viên chức là 29.118, giảm 355 so với kế hoạch năm 2014. Cụ thể, trong ngành giáo dục, tổng biên chế viên chức là 22.434, giảm 346 biên chế; y tế 4.929 biên chế, giảm 28 biên chế (so với năm 2014).

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục và y tế đã làm tốt công tác rà soát kỹ số lượng biên chế, hợp đồng trong từng đơn vị. Tuy nhiên, ở 2 ngành vẫn còn nhiều bất cập. Với y tế là trình độ đào tạo, yêu cầu, số lượng, vì thế ngành cần rà soát kiểm tra nhu cầu khám chữa bệnh, đối chiếu với số giường bệnh để nâng cao chất CSSK cho người dân.

Đối với ngành giáo dục, thực tế tình trạng dôi dư vẫn còn nhiều, song chưa có giải pháp để giảm tình trạng này ngoài số lượng giảm do giáo viên về hưu mỗi năm; tình trạng mất cân đối thừa - thiếu giáo viên giữa các huyện vẫn còn tồn tại…

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị Sở Nội vụ rà soát lại và nghiên cứu đề nghị các đơn vị đề xuất tăng biên chế; kịp thời có kế hoạch hướng dẫn công tác tuyển dụng và có cơ chế thống nhất; rà soát lại cán bộ hợp đồng trong hệ thống cơ quan nhà nước từ xã đến huyện.

Sở Nội vụ cần hoàn chỉnh văn bản để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast