Theo dõi sát diễn biến mưa, lũ để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 và ứng phó với diễn biến thiên tai trong thời gian tới.

Công điện nêu rõ, bão số 10 đổ bộ vào phía Nam tỉnh ta với sức gió rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng; riêng địa bàn huyện Kỳ Anh có gió giật mạnh cấp 11, cấp 12, mưa to, có nơi rất to làm ngập lụt một số địa phương và gây thiệt hại lớn về CSHT, điện, giao thông, thủy lợi, thủy sản, công trình phúc lợi, dân sinh và sản xuất. Đặc biệt, bão làm sập 3 nhà, tốc mái và hư hỏng hơn 26.951 nhà, ngập 983 nhà (252 nhà ngập sâu); lúa mùa, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng nặng.

Chủ động ứng phó xả lũ một số hồ chứa nước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân
Chủ động ứng phó xả lũ một số hồ chứa nước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân

Hiện trên địa bàn tỉnh các hồ chứa nước đã đầy, trong khi thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng mưa còn lớn, dự báo trong những ngày tới trên địa bàn còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng và gây vỡ các hồ, đập rất lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1559/CĐ-TTg ngày 30/9/2013 về việc chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện/thành phố/thị xã thường xuyên theo dõi sát diễn biến của mưa, lũ để chủ động ứng phó; tổ chức trực 24/24h tại các hồ đập, chuẩn bị tốt phương án "4 tại chỗ" để sẵn sàng xử lý các tình huống, trường hợp với các hồ chứa nhỏ có phạm vi ảnh hưởng hẹp, cấp huyện chủ động xin ý kiến Sở NN&PTNT để kịp thời xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn công trình; đồng thời chủ động các phương án ứng phó trong trường hợp xả lũ một số hồ chứa nước đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân, nhất là các vùng hạ du hồ chứa lớn như: Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn...;

Tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến đê, chủ động huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn công trình;

Chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, tổ chức thực hiện cắm tiêu, biển báo và bố trí người trực nơi ngập sâu, nguy hiểm tại các ngầm qua sông, suối, vị trí đường bị ngập trên các tuyến đường thuộc địa phương quản lý, các bến đò ngang để nhân dân biết, phòng tránh; tuyệt đối không để người dân chủ quan, lơ là trong lũ, không vớt củi, đánh bắt cá nơi nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng;

Kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi để tập trung khắc phục đảm bảo giao thông và phục vụ sản xuất, dân sinh; huy động lực lượng phát dọn cây cối đổ ngã do mưa, bão; xử lý VSMT khu dân cư, phòng chống dịch bệnh;

Rà soát, đánh giá chính xác tình hình thiệt hại, vận động nhân dân và huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ các hộ dân bị sập nhà, hư hỏng nặng kịp thời sửa chữa, khắc phục để ổn định cuộc sống;

Chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất, đảm bảo nước rút đến đâu tổ chức sản xuất đến đó.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT huy động, phân công cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo và giúp địa phương kiểm tra an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi; triển khai, hướng dẫn địa phương, đơn vị liên quan kế hoạch xả lũ đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt là tập trung chỉ đạo việc điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ đảm bảo an toàn công trình, giảm thiểu ngập vùng hạ du, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và nước sinh hoạt năm 2014;

Chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung khắc phục hậu quả bão lũ; bố trí kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương;

Chuẩn bị tốt các điều kiện (giống, vật tư, phân bón...) để triển khai chỉ đạo sản xuất sau lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo khắc phục các sự cố giao thông; tổ chức cắm tiêu, biển báo và bố trí người trực nơi ngập sâu, nguy hiểm tại các ngầm qua sông, suối, vị trí đường ngập, bến đò ngang...;

Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Tĩnh tập trung mọi nguồn lực khắc phục sự cố lưới điện, nhất là ở huyện Kỳ Anh và KKT Vũng Áng trong thời gian sớm nhất;

Sở Y tế kiểm tra, kịp thời hỗ trợ các địa phương cơ số thuốc dự phòng, cử cán bộ trực tiếp cơ sở để chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh, xử lý nước sạch, VSMT sau mưa, bão và chăm sóc sức khỏe nhân dân;

Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo khắc phục trường lớp đảm bảo học sinh vùng lũ sớm trở lại trường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị giáo dục cấp huyện nắm chắc diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu cho học sinh nghỉ học khi thời tiết phức tạp, đặc biệt là các điểm trường vùng trọng điểm lũ lụt.

Chủ tịch UBND cũng giao Bộ CHQS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và chủ động công tác TKCN; Công an tỉnh đảm bảo ANTT, hướng dẫn giao thông các trọng điểm và hỗ trợ lực lượng khắc phục hậu quả với các địa phương bị thiệt hại nặng.

Đề nghị UBMTTQ tỉnh chỉ đạo, vận động các hội viên, đoàn viên tích cực và chủ động khắc phục hậu quả của gia đình và giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, gia đình bị thiệt hại nặng sửa chữa nhà cửa, sớm ổn định đời sống; chỉ đạo Ban vận động tiếp nhận cứu trợ tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con vùng bị thiên tai; tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast