Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng

Những ngày qua, dư luận cả nước hết sức quan tâm, theo dõi nội dung các Nghị quyết do Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) ban hành; trong đó có Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết khẳng định phải tiếp tục tiến hành củng cố, xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình rất cao với Nghị quyết cũng như nội dung bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là vấn đề tự phê bình và phê bình được nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị: “Lâu nay chúng ta vẫn nói, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.Thực tế cũng có không ít tập thể và cá nhân làm tốt việc này.Nhưng nhìn chung, do chỉ đạo không tốt, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao, cho nên kết quả còn hạn chế”…

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Trung ương về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"
Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Trung ương về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, phấn khởi vì đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đã nêu “trúng” giải pháp quan trọng và căn bản nhằm xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới, đó là thường xuyên tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Thực hiện tốt việc này mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Không phải bây giờ, mà từ trước đến nay, trong nhiều Nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta luôn nhắc nhở và chú trọng một cách đặc biệt vấn đề tự phê bình và phê bình, một yếu tố quyết định, gắn với quá trình trưởng thành của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta là một tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình, coi tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hàng ngày”. Người đã thẳng thắn khẳng định: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó,vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Cũng chính nhờ thường xuyên tự phê bình và phê bình, với sự gương mẫu của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như Bác Hồ kính yêu , mà qua các đợt tự phê bình và phê bình, Đảng ta lại được củng cố, phát triển, tăng thêm sức mạnh; cán bộ, đảng viên được trưởng thành. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là từ khi nước ta bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng làm không được thường xuyên, nền nếp. Một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm nhưng không được phê bình, nhắc nhở kịp thời nên dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Công tác tự phê bình và phê bình thực hiện chưa thường xuyên, nặng về hình thức; bên cạnh xu hướng đúng đắn, lành mạnh, đã thấy một số dạng tự phê bình và phê bình không đúng đắn, thiếu nghiêm túc như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra. Đó là biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi “vuốt ve”, “ca tụng” lẫn nhau hoặc “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng!

Lẽ thường, cán bộ, đảng viên cũng là con người nên trong quá trình hoạt động sẽ không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm. Do đó mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp nhau phát huy ưu điểm, đẩy lùi những mặt xấu, tiêu cực, làm cho những phần tốt nảy nở. Không thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ dẫn tới tích tụ khuyết điểm “cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm to sẽ rất có hại”; không tự phê bình “chẳng khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình” như Bác Hồ đã dặn. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nêu rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, phải khách quan, trung thực đồng thời coi trọng tính nhân văn, tạo lập văn hoá phê bình; hướng vào phê bình việc làm chứ không phải phê bình người.

Sự phê bình, nhắc nhở với động cơ trong sáng chân thành sẽ giúp những đảng viên mắc khuyết điểm tự điều chỉnh, phòng tránh tiêu cực có hiệu quả. Làm sao những lời mỉa mai, châm chọc, vụ lợi động cơ cá nhân khi phê bình phải nhường chỗ cho tính trung thực, khách quan, lẽ phải, tình thương và lòng nhân ái.

Để đưa Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống, cần thường xuyên quán triệt nghiêm túc thật thà tự phê bình và phê bình. Trung ương Đảng, các cấp uỷ đảng phải có cơ chế quy định cụ thể chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng, nhất là ở chi bộ, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hàng tháng, hàng quý có chế độ để cấp trên tự phê bình trước cấp dưới, cán bộ chủ chốt tự phê bình trước cán bộ, đảng viên. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thật sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình. Đây là điều hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, bởi vì đảng viên và quần chúng biết rõ những ưu điểm, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ lãnh đạo.Họ sẽ nhìn vào cán bộ lãnh đạo của mình để noi gương, có cách ứng phó cho phù hợp. Vì vậy người càng ở vị trí quan trọng, càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu, nghiêm túc.

Có thể khẳng định hiệu quả của chế độ tự phê bình và phê bình phần lớn phụ thuộc thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo. Bên cạnh đó cũng cần phát huy dân chủ để quần chúng, nhân dân phê bình, góp ý cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Đảng ta là đảng của dân, vì nhân dân mà phục vụ, do đó phải liên hệ mật thiết với quần chúng.Tình trạng tổ chức đảng, đảng viên ít liên hệ gắn bó với nhân dân trên địa bàn, nơi cư trú đang làm cho đảng viên xa rời quần chúng là khuyết điểm cần khắc phục.

Một điểm nữa là công tác kiểm tra, giám sát, xử lý việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình. Khi đã có cơ chế, quy định của đảng về chế độ tự phê bình và phê bình thì cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện các quy định. Đồng thời xử lý những vi phạm quy định cũng như sự không thật thà, thiếu nghiêm túc hay những hành động trả thù, trù dập, ức hiếp…đối với những người thẳng thắn đấu tranh phê bình. Bảo vệ những người thẳng thắn, thật thà, dám đấu tranh vì lẽ phải cũng là một trong những vấn đề cấp bách để cho công tác tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả như mong muốn; biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast