Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu CCHC

(Baohatinh.vn) - Cùng với cải cách thể chế, bộ máy thì việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có tâm và tầm đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong cải cách hành chính (CCHC) thời kỳ hội nhập. Nhờ xác định rõ điểm mấu chốt và quyết liệt trong triển khai thực hiện, năm 2015, Hà Tĩnh đã giành được những kết quả to lớn trên lĩnh vực này...

Ông Nguyễn Xuân Cầu - nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh chia sẻ: “Thể chế, bộ máy... là do con người lập ra và vận hành. Mục đích cuối cùng của hoạt động chính quyền các cấp là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cho nên, mỗi cán bộ, công chức phải xác định mình là người phục vụ nhân dân, luôn coi nhân dân là đối tượng mình phục vụ, chứ không phải là người ban ơn cho nhân dân, phải thực sự là người “có tâm”; có kỹ năng trong giao tiếp, lễ phép trong cư xử, tiếp xúc với đối tượng, đối tác khi thực thi công vụ”.

Nâng cao nguồn nhân lực là điểm mấu chốt trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao nguồn nhân lực là điểm mấu chốt trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Thời gian qua, xác định được tầm quan trọng của đạo đức công vụ trong CCHC, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 33 của UBND tỉnh… Cùng với đó là triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của T.Ư về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đi kèm với đó là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, đã tạo được chuyển biến rõ nét về trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị.

Hiện tượng CBCNVC đi muộn, về sớm, ăn sáng và uống cà phê trong giờ làm việc, uống rượu bia vào buổi trưa các ngày làm việc... hầu như không còn. Thái độ ứng xử, giao tiếp với người dân, tổ chức đến liên hệ công tác và cách tiếp cận cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã cơ bản được thực hiện nền nếp. Tình trạng hách dịch, cửa quyền, lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân từng bước được hạn chế.

Theo ông Cù Huy Cẩm - Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức (Sở Nội vụ), với mục tiêu cắt giảm 1/3 thủ tục hành chính, 1/2 thời gian giải quyết hồ sơ thì buộc mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải làm việc hiệu quả hơn tương ứng với thời gian và thành phần thủ tục cắt giảm. Vì vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được trình độ, năng lực chuyên môn thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC, thời gian qua, Sở Nội Vụ đã đào tạo cho 100% cán bộ đứng đầu các ngành, sở, địa phương; 100% chuyên trách về CCHC của các ngành, sở, địa phương.

Đơn vị cũng đã phối hợp mở 22 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.870 cán bộ, công chức các cấp, ngành (tính đến đầu tháng 11/2015). Trong đó, có 11 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn trên các lĩnh vực, chuyên đề ngắn hạn như: VH-XH, quản lý nhà nước, xây dựng nông thôn mới...

Song song với đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn thì nhiều địa phương cũng đã quan tâm công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hành, trong đó, ưu tiên đối tượng là công chức, viên chức cấp xã, phường, thị trấn, số mới tuyển dụng, số thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.

Nhờ những nỗ lực của các cấp, ngành nên Hà Tĩnh đã giành được những kết quả to lớn trong CCHC. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng trong tốp 5 cả nước, chỉ số CCHC đứng thứ 16 toàn quốc (2014). Đến nay, số thủ tục hành chính 3 cấp được cắt giảm, đạt tỷ lệ 56,7%; thời gian giải quyết thủ tục hành chính được cắt giảm đạt tỷ lệ 55%...

Có thể khẳng định, CCHC đã và đang là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Cùng với cải cách thể chế, bộ máy thì việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có tâm và tầm đã đóng một vai trò quyết định cho sự thành công của công cuộc CCHC tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast