Chính sách BHYT HS-SV: Cần thêm thời gian để "thấm"!

(Baohatinh.vn) - Có thể khẳng định, BHYT học sinh, sinh viên nói riêng, BHYT nói chung là những nhu cầu an sinh thiết yếu đối với mỗi con người. Chúng ta đang tiến tới BHYT toàn dân, đảm bảo mỗi người đều được hưởng chính sách khám chữa bệnh bằng BHYT. Dẫu vậy, chủ trương tăng mệnh giá thẻ BHYT HS-SV từ năm học 2015 - 2016 chưa nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh.

Khi phụ huynh bị... “bỏ qua”

Việc tăng mức đóng BHYT học sinh - sinh viên ngay từ đầu năm học 2015-2016 mà chưa được tuyên truyền, giải thích một cách thỏa đáng đã khiến hầu hết phụ huynh bất ngờ rồi chuyển sang bất bình vì cho rằng, mình bị áp đặt, bị bỏ qua, chưa được tôn trọng...

Không còn lạ, cứ vào đầu mỗi năm học mới, các bậc phụ huynh học sinh đều ít nhiều bàn ra, bàn vào trước bao khoản đóng nộp cho con em, trong đó, có tiền BHYT, bởi đây là khoản chi phí lớn so với thu nhập của hầu hết trong số họ. Chuyện cũng chỉ dừng lại ở bàn tán thế thôi. Phụ huynh vẫn cố gắng đóng nộp hết các khoản cho con em mình. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT cả nước tăng nhanh theo từng năm, trong đó, tại Hà Tĩnh, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT đạt 95% (năm học 2014-2015).

Chính sách BHYT HS-SV: Cần thêm thời gian để "thấm"! ảnh 1

Sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên là yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. (Ảnh minh họa từ internet)

Điều này cho thấy, đa số phụ huynh đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Vậy, phải chăng việc tăng mệnh giá thẻ BHYT học sinh từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở từ năm học 2015-2016, đồng nghĩa với tăng thêm 144.700 đồng/thẻ so với năm học trước, khiến phụ huynh bất bình?

Chị N.T.A.C ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), cặn kẽ: “Nếu nói mức đóng BHYT học sinh – sinh viên năm học 2014-2015 là 290.000 đồng/học sinh/năm học, còn năm nay (2015-2016) là 434.700 đồng (đã trừ 30% mệnh giá thẻ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước) làm cho hầu hết phụ huynh lên tiếng là chưa chính xác. Đành rằng, mỗi học sinh năm nay phải đóng BHYT 434.700 đồng (tăng 144.700 đồng/thẻ so với năm học trước) là tăng thêm gánh nặng đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình có nhiều con đi học, gia đình có mức thu nhập trung bình trở xuống, lại phải đóng vào những tháng đầu năm học mới... Điều làm chúng tôi phản ứng là đến nay, năm học mới đã qua gần 2 tuần nhưng tôi cũng chỉ nghe con về thông báo là sẽ nộp thế này, thế kia... Đến khi mở mạng xem mới biết tăng mức đóng BHYT. Tại sao tăng? Sao lại tăng vào năm học này?... là những câu hỏi mà lẽ ra các cơ quan chức năng cần làm rõ và thông tin sớm để người dân nắm bắt, có ý kiến".

Chính sách BHYT HS-SV: Cần thêm thời gian để "thấm"! ảnh 2

Việc tăng mức đóng BHYT học sinh – sinh viên sẽ nhận được sự đồng thuận nếu các ngành, các cấp liên quan có sự chuẩn bị tốt trong việc thăm dò, lấy ý kiến, tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động, giải thích kịp thời

Chị N.T.L. ở xã Thạch Hương (Thạch Hà), trả lời chúng tôi bằng một loạt câu hỏi: “Người lao động như chúng tôi lấy đâu tiền đóng một lúc cho 3 con vào đầu năm học mới? Đáng ra, tăng mức đóng thì phải thông báo trước để người dân có sự chuẩn bị, chứ đùng đùng thấy con đứa nào cũng cầm giấy thông báo về...”.

Không chỉ phụ huynh, các trường học cũng lúng túng trước việc triển khai có phần gấp gáp, thiếu sự chuẩn bị, dù đã có lộ trình của các ngành chức năng, các cấp. Dù năm học mới đã qua gần nửa tháng nhưng phần lớn các trường vẫn chưa có thời gian tổ chức họp phụ huynh đầu năm thì làm sao nói đến tuyên truyền, vận động, giải thích việc mua và tăng mức đóng BHYT học sinh vào năm học 2015-2016 này.

Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chỉ mới dừng ở việc các ngành: Tài chính, Y tế, Giáo dục, BHXH làm việc với nhau, rồi phát thông báo về mức tiền nộp tới gia đình học sinh, trong khi phụ huynh, đối tượng bỏ tiền ra mua thì bị... bỏ qua.

Phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh học sinh không chỉ dừng lại ở việc bị “bỏ qua” khi tăng mức đóng từ 3% lên 4,5% mà chính là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT chưa đáp ứng yêu cầu. Anh N. T. C. (phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) thẳng thắn: “Nếu mức đóng BHYT tăng thêm vài ba trăm ngàn đồng mà con được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn trước thì tôi nghĩ phụ huynh họ đồng ý ngay. Tuy nhiên, nếu tăng mức đóng mà không cải thiện được những bất cập trong KCB BHYT thì cũng chẳng mấy ai mặn mà...”.

Chính sách BHYT HS-SV: Cần thêm thời gian để "thấm"! ảnh 3

Cô Hồ Thị Huệ, cán bộ y tế Trường THPT Cẩm Xuyên chuẩn bị thuốc men, y cụ phục vụ học sinh vào đầu năm học mới.

Cần phải có thời gian để "thấm"

Trả lời báo chí về những bất cập trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách tăng mức thu BHYT, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thừa nhận là lỗi của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, bà Minh cũng cho rằng, chính sách BHYT cần phải có thời gian để thấm đến mọi người dân (nguồn V.O.V.vn).

Việc các nhóm đối tượng nằm trong diện bắt buộc khác đã thực hiện đóng 4,5% mức lương cơ sở từ năm 2009 thì đến năm học này, học sinh – sinh viên tăng cũng không có gì phải bàn cãi. Mức tăng này không chỉ đảm bảo tính công bằng trong thực hiện luật mà còn là sự sẻ chia của cộng đồng. Hơn nữa, theo Luật BHYT sửa đổi, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, nên mức đóng cũng phải tăng lên tương xứng. Theo lộ trình, các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc sẽ đóng đến 6% mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, tăng BHYT cũng sẽ góp phần tăng chất lượng dịch vụ trong khám chữa bệnh.

Để giảm áp lực các khoản phải đóng góp đầu năm, các trường ở Hà Tĩnh đã thống nhất với cơ quan BHXH sẽ thu BHYT thành 2 đợt. Đợt 1, thu 250.000 đồng và đợt 2 thu số tiền còn lại... Cơ quan BHXH đã chủ động cử cán bộ xuống các trường để cùng tuyên truyền, hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực tế cho thấy, học sinh – sinh viên, nhất là vùng miền núi, nông thôn có thu nhập thấp, gia đình có đông con đi học, dù được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%, vẫn phải đóng 434.700 đồng/năm. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu để nâng tỷ lệ hỗ trợ cho học sinh – sinh viên các vùng này. Các địa phương cũng cần trích ngân sách, kêu gọi, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm và trích từ các nguồn thu khác để hỗ trợ thêm cho học sinh – sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu 100% học sinh có thẻ BHYT, dù mức thu tăng.

Theo luật quy định, HS - SV khi đi KCB BHYT đúng tuyến được hưởng 80% chi phí KCB và cùng chi trả 20%. Phạm vi BHYT HSSV bao gồm: chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú; tai nạn giao thông.

Thực tế đáng ghi nhận là hằng năm, cơ quan BHXH đã chi cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các trường học với kinh phí hàng trăm tỷ đồng (riêng Hà Tĩnh năm học 2014 - 2015, chi 9,58 tỷ đồng) và số tiền chi cho KCB còn lớn hơn nhiều (riêng năm học vừa qua, toàn tỉnh có 54.476 em KCB với tổng chi phí 13,8 tỷ đồng). Nhiều trường hợp HS - SV bị bệnh nặng được quỹ BHYT chi hàng trăm triệu đồng, điều này không có ở bảo hiểm thương mại

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast